Đồng USD yếu không mang lại lợi ích cho các thị trường mới nổi
Tháng 7 vừa qua, “đồng bạc xanh” đã mất giá mạnh nhất trong một thập kỷ, do số lượng ca mắc COVID-19 tăng vọt cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cam kết thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Thêm vào đó, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm.
Bối cảnh như vậy thường sẽ giúp các thị trường mới nổi thu hút đầu tư nước ngoài do có ưu thế lợi tức trái phiếu cao hơn và tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Nhưng trong tình hình đại dịch như hiện tại, điều này có vẻ đã thay đổi.
Chỉ số chứng khoán MSCI dành cho các thị trường mới nổi đã tăng 40% so với mức đáy vào tháng 3/2020, nhưng phần lớn diễn ra tại Trung Quốc và Đông Á, nơi sự phục hồi kinh tế diễn ra mạnh mẽ nhất. Lãi suất trái phiếu tại các thị trường còn lại kể từ cuối tháng 3 còn thấp hơn so với Đức và Mỹ. Luis Costa, chiến lược gia thị trường mới nổi tại tập đoàn tài chính Citi, cho rằng mặc dù môi trường tài chính có vẻ đã tích cực hơn, nhưng các nhà đầu tư không nên quá tự tin. "Sẽ có những khó khăn bởi chúng ta biết có rất nhiều câu chuyện khác phía sau, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi và những câu chuyện này thực chất là tiêu cực", ông nhận định.
Nhận định bi quan trên thể hiện rõ trên thị trường. Kể từ tháng 4, dòng vốn đầu tư bằng các đồng tiền mạnh vào trái phiếu tại các thị trường mới nổi còn thấp hơn dòng vốn đầu tư vào trái phiếu của các công ty rủi ro tại Mỹ và châu Âu, vốn được hưởng lợi từ việc chính phủ hỗ trợ mua trái phiếu. Lãi suất trái phiếu của các doanh nghiệp tốt ở Mỹ đã tăng cao hơn gần 1% so với mức tăng trái phiếu bằng USD tại các thị trường mới nổi. Đầu tư vào trái phiếu phát hành bằng đồng nội tệ của các nước đang phát triển còn thấp nữa, khiến lãi suất giảm chỉ còn khoảng 4,4%, so với mức 6% đầu năm 2018.
Chuyên gia phân tích chiến lược Jason Daw của tập đoàn tài chính Societe Generale đã cảnh báo rằng tháng 8/2020 có thể là thời điểm “nguy hiểm” do thanh khoản thường thấp. Cuộc khủng hoảng đồng lira năm 2018 của Thổ Nhĩ Kỳ, khủng hoảng đồng Nhân dân tệ năm 2015 của Trung Quốc và vụ vỡ nợ năm 1998 của Nga đều là những sự kiện xảy ra trong tháng 8. Đồng USD xuống giá trong tháng 7 đã đẩy đồng Euro tăng 5%, đồng Bảng Anh tăng 6% và đồng đôla Australia tăng 3,6%; trong khi đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi chỉ tăng được khoảng 1,4%.
Đồng nội tệ tăng chậm làm dấy lên lo ngại về khả năng trả nợ nước ngoài tại các nước đang phát triển, theo đó Moody's tính toán khoảng 13,7% trái phiếu doanh nghiệp hạng thấp có thể mất khả năng thanh toán trong khoảng từ năm nay đến tháng 3/2021. Với trái phiếu chính phủ, các nước như Argentina, Lebanon và Ecuador đã vỡ nợ. Khi virus corona lây lan nhanh chóng khắp Ấn Độ, Nam Phi và Châu Mỹ Latinh, tổ chức Oxfam đã cảnh báo nếu dư địa tài chính không đủ để giảm nhẹ cú sốc kinh tế như các quốc gia giàu có đã làm, thì một số quốc gia đang phát triển có thể chứng kiến sự nghèo đói tăng lên mức giống như 3 thập kỷ trước.
Nợ tăng và cải cách chậm chạp đã khiến các thị trường mới nổi không kịp chuẩn bị cho đại dịch. Manik Narain, người đứng đầu nhóm phân tích chiến lược phụ trách các thị trường mới nổi tại UBS, nhận định rằng lợi thế tăng trưởng cao hơn so với các nước phát triển, một động lực chính của các nước đang phát triển, đã không còn kể từ quý I/2020. "Trừ Trung Quốc, các nền kinh tế đang phát triển còn lại đều bị kẹt và buộc phải chi tiêu kích thích tài khóa thấp hơn nhiều so với các nước phát triển trong năm nay", ông Narain nói.