ĐT Việt Nam và trận thua trước Oman: Kinh nghiệm và tiểu xảo

Phạm Trần Oánh Thứ năm, ngày 14/10/2021 14:10 PM (GMT+7)
Ở trận Việt Nam gặp Oman ngày 12/10, 2 quả phạt đền Việt Nam phải chịu xuất phát từ 2 tình huống mà hậu vệ sử dụng tiểu xảo…
Bình luận 0

Thông thường, một cầu thủ khi tới 17 tuổi, kết thúc qúa trình đào tạo vận động viên trẻ, là đã được trang bị đầy đủ về các động tác kỹ thuật cơ bản cũng như tư duy, ý thức, kỹ năng thực hiện chiến thuật cơ bản. Kể từ đây, họ bắt đầu cập nhật các ý thức cũng như kỹ năng thực hiện các miếng chiến thuật nâng cao, kiểu như các miếng phối hợp nhóm, các tình huống chiến thuật cụ thể. Về kỹ thuật cá nhân, họ cũng dần dần tự trang bị những kỹ thuật nâng cao, những động tác kỹ thuật cá nhân phức tạp hơn, cá tính, chuyên biệt hơn.

ĐT Việt Nam và trận thua trước Oman: Kinh nghiệm và tiểu xảo - Ảnh 1.

ĐT Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc ứng phó với chiến thuật "ruồi bâu". Ảnh chụp màn hình.

Thông qua thi đấu, họ dần tích lũy kinh nghiệm. Kinh nghiệm thi đấu bao gồm nhiều thứ, không chỉ là kỹ thuật hay chiến thuật thi đấu. Nó bao gồm cả khả năng phân phối sức để có thể thi đấu tốt đến lúc cuối trận. Hay những kinh nghiệm, kiểu như khởi động, di chuyển, tranh chấp sao cho không, hoặc ít xảy ra tình trạng mà chuyên môn gọi là "hốc". Trạng thái "hốc" là trạng thái cơ thể vận động viên đặc biệt mệt, xảy ra khoảng 15 phút sau khi nhập cuộc thi đấu. Vượt qua trạng thái này, vận động viên khỏe lại và thi đấu bình thường. Kinh nghiệm thi đấu còn thể hiện ở khả năng điều chỉnh tâm lý thi đấu, vượt qua áp lực, căng thẳng, tự tạo ra hưng phấn thi đấu cho bản thân…

Một thứ nữa dễ được thấy nhất ở 1 vận động viên kinh nghiệm, đó là tiểu xảo. Tiểu xảo là những động tác, hành vi bao gồm cả phạm luật và không phạm luật, nhằm tạo lợi thế trong thi đấu, đặc biệt là trong các pha tranh chấp tay đôi. Giống như các động tác kỹ thuật cơ bản, tiểu xảo được hình thành trong quá trình luyện tập, thi đấu, trở thành thói quen, phản xạ của cầu thủ. Một cầu thủ kinh nghiệm, là cầu thủ tận dụng được các tiểu xảo không phạm luật trong thi đấu và thực hiện các tiểu xảo phạm luật một cách kín đáo để trọng tài không phát hiện và thổi phạt được.

Ở trận Việt Nam gặp Oman ngày 12/10, 2 quả phạt đền Việt Nam phải chịu xuất phát từ 2 tình huống mà hậu vệ sử dụng tiểu xảo. Với trường hợp đầu tiên, Tấn Tài vung tay cản đối phương trong tình huống không cần thiết, vì khi đó anh có lợi thế hơn đối phương về khoảng cách tới quả bóng. Trọng tài không ngần ngại chỉ chấm phạt đền. Tương tự ở trường hợp Duy Mạnh, khi anh chọn điểm rơi sai, bật nhảy không tới bóng. Để cản không cho đối phương nhận bóng thuận lợi, tay trái Duy mạnh quét về phía sau. Đó cũng là tiểu xảo, chỉ khác là do kinh nghiệm hơn, thực hiện động tác kín đáo hơn, kể cả việc đã không ngoảnh mặt lại phía sau để nhìn. Trọng tài đã không thể phát hiện ra. Chỉ khi công nghệ VAR vào cuộc, lỗi đó mới bị nhận diện. Khi bị phát hiện, bị thổi phạt các tình huống này được gọi chung là sự lạm dụng tiểu xảo.

Ở chiều ngược lại, trong pha bóng các cầu thủ Oman thực hiện bàn thắng từ quả phạt góc, khi nhiều cầu thủ đội bạn tập trung lấn ép thủ môn Văn Toản và các hậu vệ Việt Nam ngay sát vạch cầu môn, là khu vực thủ môn được luật bảo vệ. Nếu là một thủ môn kinh nghiệm, chắc chắn Văn Toản sẽ có giải pháp để hóa giải, trong đó có giải pháp sử dụng tiểu xảo. Ví dụ, nếu như với sự hỗ trợ của đồng đội, anh chen vào đứng giữa các cầu thủ Oman, thay vì để bị đẩy ra sau, thì khả năng anh biến mình thành người bị phạm lỗi khi bật nhảy phá bóng là hoàn toàn hiện thực.

Tiểu xảo là một phần không thể thiếu của bóng đá, đến mức, trong nhiều trường hợp, nó được coi như là kỹ thuật thi đấu. Nó được các cầu thủ trẻ học từ các đàn anh, hay học chính từ các đối thủ của họ thông qua quá trình thi đấu. Nhưng giống mọi thứ khác, bóng đá cũng luôn thay đổi. Công nghệ VAR đã được sinh ra để hỗ trợ các trọng tài trong việc tăng tính chính xác khi đưa ra quyết định, trong đó có việc nhận dạng các tiểu xảo phạm luật của cầu thủ. Qua những tình huống phạt đền trong trận gặp Oman, chắc chắn các cầu thủ Việt Nam, không chỉ là các tuyển thủ, sẽ rút ra được bài học cho mình, đó là việc phải điều chỉnh các động tác tiểu xảo để thích nghi với trạng thái thi đấu dưới sự giám sát của hệ thống các phương tiện công nghệ VAR.

Với 2 pha bị phạt đền và 1 bàn thua, đó là bài học đắt giá cho việc lạm dụng tiểu xảo trong thi đấu. Nhưng nếu nhìn tổng thể, có thể đó là một cái giá không quá đắt, nếu như sau này, ở những giải đấu vừa tầm hơn, sức ép thành tích cao hơn, nhờ những bài học từ trận đấu này, các cầu thủ của chúng ta sẽ tránh được những sai lầm đáng tiếc tương tự để có được thành công.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem