Dù không có chiến tranh tiền tệ, nguy cơ suy thoái toàn cầu vẫn rõ hơn bao giờ hết
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết, ngay cả khi nguy cơ chiến tranh tiền tệ giảm xuống đáng kể.
Phiên giao dịch hôm 5.8 trở thành ngày tồi tệ nhất của chứng khoán Mỹ kể từ đầu năm 2019 đến nay, sau khi Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hồi tuần trước và Trung Quốc đáp trả bằng cách thả tỷ giá NDT/USD xuyên ngưỡng 7. Chỉ số S&P 500 đã giảm 3% và chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đã giảm 2.9% trong cùng ngày, chuỗi giảm dài 7 ngày khiến phố Wall suy sụp. Chứng khoán Mỹ đã tăng hôm 8.6 sau khi Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc có động thái bình ổn tỷ giá, nhưng mức tăng không đủ để bù đắp những phiên giảm sâu liên tiếp trước đó.
Goldman Sachs chỉ ra có tới 62% hàng hóa trong diện bị áp thuế từ ngày 1.9 là hàng tiêu dùng, điều sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc cũng như người tiêu dùng Mỹ. Trước mối quan ngại đó, việc tỷ giá đồng NDT bất ngờ xuyên ngưỡng tâm lý 7 đã khiến các nhà đầu tư quan ngại sâu sắc liệu Trung Quốc có đang chuẩn bị vũ khí hóa đồng NDT, khơi mào chiến tranh tiền tệ với Mỹ hay không? Thật may, Thống đốc Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc hôm 6.8 đã phủ nhận điều này. “Trung Quốc không muốn bị cuốn vào một cuộc chiến tranh tiền tệ với Mỹ” - ông Yi Gang phát biểu.
Quan ngại suy thoái kinh tế ngày càng rõ rệt
Nhưng không vì lẽ đó mà chiến tranh thương mại ngừng leo thang, bởi chính quyền ông Tập Cận Bình đã chọn một lĩnh vực trả đũa đau đớn hơn: lĩnh vực nông nghiệp. Phải biết, Trung Quốc hiện là 1 trong 3 đối tác thương mại lớn nhất và là 1 trong 4 nhà nhập khẩu nông sản chiến lược của Mỹ. Việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ sẽ kéo theo tổn thương cho hàng triệu nông dân, vốn đã phải nhận khoản trợ cấp 16 tỷ USD của Chính phủ.
Phía Trung Quốc cũng cáo buộc ông Trump đã phá vỡ những tiến triển của đàm phán thương mại, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đã đạt tới thỏa thuận ngừng trừng phạt thuế quan sau cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Hồi tháng 9 năm ngoái, ông Trump từng áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, điều khiến Trung Quốc sau đó trả đũa bằng mức thuế với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Hồi tháng 5 năm nay, ông Trump còn tăng thuế từ 10% lên 25% sau khi bị Trung Quốc trả đũa, khiến đàm phán thương mại lâm vào thế bế tắc.
Với mức thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa mới đây, chuyên gia kinh tế John Daco từ Oxford nhận định nó đang đe dọa nặng nề lên sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
“Mức thuế 25% hiện tại đang áp dụng với hơn 200 tỷ hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc và mức thuế với các sản phẩm nhôm, thép, đang có nguy cơ khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm 0,3% trong năm tới. Mức thuế đề xuất tiếp theo với 300 tỷ hàng hóa sẽ tác động thêm vào sự suy giảm này khoảng 0,1%” - ông Daco cho hay.
“Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang và Trump quyết định tăng thuế từ 10% lên 25%, một cuộc suy thoái đã hiện ra rõ nét trong năm 2020” - ông Daco cảnh báo.
Còn Mark Zandi, nhà kinh tế học từ Moody’s Analytics thì nâng dự đoán suy thoái trong 12 tháng tới từ 35% lên 50%.
“Trước khi Trump thông báo mức đe dọa thuế quan 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hồi tuần trước, mức thuế trung bình với hàng hóa nước này vào Mỹ chỉ đạt 18,3%, tăng 3,1% so với năm 2017. Nhưng động thái mới đây của ông Trump sẽ đẩy mức thuế lên 21,5%” - theo viện kinh tế Peterson.
“Thuế quan với Trung Quốc hiện nay đã đưa Mỹ trở lại chủ nghĩa bảo hộ những năm 1930” - nhà kinh tế học Paul Krugman - người từng giành giải thưởng Nobel Kinh tế viết trong một lưu ý. “Chiến tranh thương mại đang trở thành lực cản đáng kể với nền kinh tế Mỹ” - ông Krugman nhận định. “FED khó mà bù đắp được những tác động mà thương chiến đang gây ra”.
Và vòng luẩn quẩn bế tắc của đàm phán
Nỗ lực của FED chưa chắc đã đủ bù đắp thiệt hại nếu thuế quan với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc được áp dụng
Thật vậy, Chủ tịch FED chi nhánh St. Louis ông James Bullard cho biết hôm 6.8 rằng Ngân hàng Trung Ương Mỹ đã dự kiến mọi biến động và bước ngoặt của chiến tranh thương mại. FED có khả năng sẽ cân nhắc lại chính sách tiền tệ trong bối cảnh thương chiến “ăn miếng trả miếng” với Trung Quốc. Thị trường sau đó đã nâng kỳ vọng cắt giảm lãi suất 0,5% tại cuộc họp FED tháng 9 này.
Vấn đề lớn nhất hiện tại là liệu hành động của FED có đủ bù đắp niềm tin thị trường hay không - chiến lược gia Morgan Stanley, ông Michael Zezas tự hỏi. “Các nhà kinh tế Morgan Stanley cảnh báo thị trường không nên phụ thuộc vào hành động của FED, vì nhiều khả năng nó sẽ không mang đến hiệu quả như mong đợi.”
Mức thuế mới có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn của thương mại. Trump tăng thuế và tiền tệ Trung Quốc mất giá, Trump phàn nàn thao túng tiền tệ và điều đó lại dẫn đến một mức thuế cao hơn. Nhưng cả Trung Quốc và Mỹ đều chưa cảm thấy một thỏa thuận thương mại lúc này là cần thiết, vì họ chưa đến bước đường cùng. Các nhà phân tích tin rằng chủ tịch Tập Cận Bình sẵn sàng chờ đến sau cuộc bầu cử của Mỹ trước khi có động lực đàm phán. Bằng chứng là ông này đã đình chỉ việc nhập khẩu nông sản Mỹ, vốn là mấu chốt trong bàn đàm phán thương mại của Trump. Còn ông Trump thì khẳng định chỉ có Trung Quốc là kẻ bại trận trong thương chiến, Mỹ đang thu lời hàng chục nghìn đô từ thuế quan. "Một cuộc chiến không người chiến thắng."
Các nhà phân tích hiện chưa thống nhất quan điểm liệu người tiêu dùng có bị ảnh hưởng nặng nề trong thương chiến hay không. Các nhà phân phối, bán lẻ cùng các hiệp hội tiêu dùng của Mỹ đều đang lên tiếng cảnh báo mối đe dọa thuế quan của Trump sẽ làm tổn thương người tiêu dùng và thị trường việc làm vốn đang tăng trưởng ổn định. Nhiều phân tích chỉ ra mức thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa trước đây có thể khiến chi tiêu gia đình tăng lên 72 tỷ USD, nhưng người tiêu dùng Mỹ không thấy sự tăng giá đáng kể. Vậy ai là người hứng chịu tổn thất này? Khi mà Trung Quốc đang làm suy yếu đồng NDT để hạn chế những tác động của thuế quan thông qua việc khiến cho hàng hóa nước này rẻ hơn tương đối.
Tình hình hiện nay khiến các nhà kinh tế đều hoài nghi về việc chính quyền Trump có thể đạt đến thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh trước cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11.2020. Liệu Trump có chọn nhượng bộ và tiến tới thỏa thuận thay vì mạo hiểm đặt cược vào thị trường chứng khoán và để mặc nguy cơ suy thoái kinh tế đến gần, điều có thể khiến ông thất cử trong cuộc bầu cử sắp tới?