Dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng - Ngân hàng cấp đến 94% giá trị

18/07/2024 16:56 GMT+7
Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện, tổng dư nợ tín dụng cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương ứng 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng trong cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng

Tại hội thảo "Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi "tín dụng đen"" do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, lãnh đạo NHNN cho biết, tại Việt Nam, hoạt động tín dụng tiêu dùng những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng TCTD tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ.

Dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng - Ngân hàng cấp đến 94% giá trị- Ảnh 1.

Cụ thể, hiện, tổng dư nợ trong cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương ứng 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế.

Dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng - Ngân hàng cấp đến 94% giá trị- Ảnh 2.

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn.

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn khẳng định, tín dụng tiêu dùng luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dù vậy, theo Phó Thống đốc, hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức.

Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và sự suy giảm tổng cầu. Gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ cho công ty TCTD; các công ty mạo danh, lừa đảo… đã làm ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các TCTD nói riêng và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung.

"Tín dụng tiêu dùng đã trải qua một năm 2023 đầy thử thách khi dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ tăng khoảng gần 11% so với năm trước - mức tăng khiêm tốn so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2010-2020. Dư nợ trong các tháng đầu năm 2024 tiếp tục suy giảm so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng, tập trung vào nhóm công ty tài chính tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh của nhóm này", Phó Thống đốc cho biết.

Ngân hàng thương mại cung cấp tới hơn 94% dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, thống kê tháng 3/2024, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 13,7 triệu tỷ đồng, trong đó tín cho vay phục vụ đời sống và dư nợ qua thẻ tín dụng của toàn hệ thống đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,65% tổng dư nợ tín dụng chung.

Dư nợ phân theo nhu cầu vốn cho vay chủ yếu là vốn cho vay mua nhà ở, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở, chiếm 58,17%.

Dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng - Ngân hàng cấp đến 94% giá trị- Ảnh 3.

Dư nợ phân theo các tổ chức tín dụng. Nguồn: Viện Chiến lược ngân hàng.

Còn nếu phân theo kỳ hạn, có thể thấy, vốn cho vay trung và dài hạn chiếm đa số với 79,32%, vốn ngắn hạn chiếm 20,68%.

Thống kê của Viện Chiến lược ngân hàng, dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng được cung cấp chủ yếu bởi các ngân hàng thương mại (NHTM) và 15 công ty tài chính tiêu dùng. Trong đó, các NHTM cung cấp tới hơn 94% dư nợ, các công ty chỉ cung cấp 4,8%.

Dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính hiện đạt khoảng 139.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,8% dư nợ cho cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.

"Mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ, song các công ty, TCTD cung cấp tín dụng cho một số lượng khách hàng rất lớn. Đơn cử như 2 công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn là Home Credit đã cung cấp dịch vụ cho 15 triệu khách hàng, FE Credit 12 triệu khách hàng,...", bà Hiền cho hay.

Bà Liên cũng chỉ rõ sự khác biệt và phân khúc sản phẩm cũng như khách hàng mục tiêu của các NHTM và công ty TCTD. Cụ thể, NHTM chủ yếu cho vay các khách hàng có thu nhập ổn định, có tài sản đảm bảo, lịch sử tín dụng tốt, với các sản phẩm có giá trị khoản vay cao, thời gian dài.

Dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng - Ngân hàng cấp đến 94% giá trị- Ảnh 4.

TS. Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng.

Còn các công ty, TCTD tập trung cho vay nhóm khách hàng thu nhập thấp với sản phẩm tín chấp, giá trị khoản vay nhỏ, thời gian ngắn.

"Từ đó có thể thấy rằng, các công ty TCTD chính là các tổ chức hướng tới phân khúc khách hàng vay giá trị nhỏ mà các kênh cho vay phi chính thức, "tín dụng đen" thường hướng tới. Vì vậy, phát triển hiệu quả các công ty, TCTD là giải pháp rất quan trọng để đẩy lùi "tín dụng đen"", bà Hiền nêu.

Về chương trình cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn của người dân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn… của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bà Hiền cho biết, đã có 811.516 lượt khách hàng vay vốn và hiện 83.590 khách hàng đang còn dư nợ (giá trị dư nợ là 1.638 tỷ đồng).

Còn gói tài chính tiêu dùng lên tới 20.000 tỷ đồng của Công ty Tài chính TNHH HD Saison và Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng SMBC cho công nhân vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay của hai công ty, bà Hiền thông tin đã giải ngân được 5.236 tỷ đồng. Trong đó, HD Saison giải ngân 3.867 tỷ đồng và FE Credit giải ngân 1.459 tỷ đồng.

Tham khảo thêm

Linh Anh
Cùng chuyên mục