Dự thảo Luật Giáo dục: Dấu hỏi về vai trò của Hội đồng trường

Việt Phương Chủ nhật, ngày 12/05/2019 13:00 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Xuân Khang, vị hiệu trưởng từng muốn "xuống chân cầu Thăng Long" vì Dự thảo Luật Giáo dục "sửa đổi", khẳng định sẽ không thành lập Hội đồng trường tại Trường THPT Marie Curie.
Bình luận 0

Các nhà đầu tư đã bày tỏ nhiều băn khoăn về những điều khoản cụ thể của Dự thảo Luật Giáo dục mới tại hội thảo "Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục" diễn ra ngày 8.5. Trong đó, đáng lưu ý là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Marie Curie - Hà Nội) về Khoản 3, Điều 56 và Điều 100. Theo ông Khang, Dự thảo Luật Giáo dục mới đã gần như tước đoạt quyền điều hành nhà trường của các nhà đầu tư. 

Giải tỏa lo lắng của các nhà đầu tư

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Khang cho biết, ngày 11.5, đại diện của hơn 20 trường phổ thông tư thục đã có buổi tọa đàm với đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban). Tại đây, những vướng mắc giữa các nhà đầu tư đối với Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được tháo gỡ. 

Ông Khang chia sẻ: "Bất cứ ai, kể cả học sinh cấp 2 cũng hiểu rằng phần 3a và 3b trong Điều 56 là hai đối tượng trường tư thục và tư thục không vì lợi nhuận đều phải thành lập Hội đồng trường với thành viên trong và ngoài trường là như nhau, có trong quy định này. Người soạn thảo thể hiện rất rõ về mặt quan điểm như vậy chứ không chỉ là sơ suất trong cách hành văn.

Khi đó, các trường tư thục phản đối kịch liệt, nếu như trong Luật xảy ra việc thay đổi Hội đồng quản trị bằng Hội đồng trường thì không ổn, rủi ro đối với các hoạt động của trường là rõ ràng.

img

Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Marie Curie - Hà Nội.

Ban soạn thảo ngày 11.5 đã giải thích rõ, đối với đối tượng trường tư thục ở mục 3a, không nhất thiết phải thành lập Hội đồng trường, thậm chí có thể không thành lập Hội đồng trường cũng được (?). Cho nên, có thể sửa lại dự thảo bằng cách tách biệt rõ phần 3a và 3b, toàn bộ phần Hội đồng trường (gồm các thành viên trong trường và ngoài trường) thì ghép vào phần 3b, tức là chỉ bắt buộc đối với các trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Nhưng theo tôi biết, hiện tại, trên lãnh thổ Việt Nam không có trường tư thục nào hoạt động không vì lợi nhuận.

Tôi khẳng định rằng, Hội đồng trường tại trường tư thục không phải bắt buộc thành lập. Như vậy, rõ ràng là Ban soạn thảo phải sửa lại quan điểm chứ không đơn thuần chỉ là sai sót về mặt dấu chấm, dấu phẩy nữa". 

Dấu hỏi về vai trò của Hội đồng trường?

Nói về vai trò của Hội đồng trường trong trường tư thục, ông Khang nhận định: "Thực tế, việc thành lập một Hội đồng trường với quá nhiều các thành phần được quy định, thậm chí có cả nhà giáo dục, doanh nhân, cựu học sinh do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu là không cần thiết. Bởi ở Điều 58 trong Dự thảo Luật đã có một tổ chức gọi là Hội đồng tư vấn do Hiệu trưởng thành lập, các tổ chức và hoạt động do điều lệ nhà trường quy định.

Như vậy, Hội đồng trường bản chất cũng chính là Hội đồng tư vấn vì không có quyền sở hữu, không có quyền điều hành trường. Rõ ràng, có sự chồng chéo ở đây, xét về thực tiễn, một hội đồng gồm có cả những thành phần ngoài trường như doanh nhân, nhà giáo dục, cựu học sinh... là bất hợp lý.  

Đối với cá nhân tôi, quản trị ngôi trường tư thục trong một thời gian rất lâu, tôi sẽ không thành lập Hội đồng trường. Bởi thực tế, mỗi trường tư thục từ cấp 1 trở đi đều có một đội ngũ Ban giám hiệu được tôi tin tưởng “thuê” về thực hiện các hoạt động trong trường dưới sự chỉ đạo trực tiếp của mình".

Được biết, trong thời gian sắp tới, ông Nguyễn Xuân Khang sẽ thành lập một công ty có tên Công ty cổ phần Đầu tư giáo dục Marie Curie để tách biệt Hội đồng quản trị ra khỏi nhà trường.

Theo ông Khang: "Ý tưởng Hội đồng quản trị không nằm trong trường như hiện nay mà nó là một tổ chức kinh tế, quản trị nhà trường sẽ tách ra ngoài. Công ty làm một doanh nghiệp sẽ bị chi phối bởi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp chứ không bị chi phối trực tiếp bởi Luật Giáo dục hiện hành. Có thể nói, Hội đồng quản trị không bị “loại” ra khỏi cuộc chơi, mà ý muốn của Dự thảo Luật này chỉ muốn ngôi trường là một môi trường giáo dục đơn thuần. Tôi cho rằng đây là một ý tưởng đúng đắn của Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)".

Khoản 3 Điều 56:

3. Hội đồng trường của trường tư thục và tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là tổ chức quản trị, đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan. Thành viên của hội đồng trường bao gồm:

a) Đối với trường tư thục, bao gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp.

b) Đối với trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, bao gồm đại diện nhà đầu tư do các nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp; thành viên trong và ngoài trường.

Thành viên trong trường gồm có các thành viên đương nhiên là bí thư cấp ủy, chủ tịch công đoàn, đại diện ban chấp hành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường (nếu có), hiệu trưởng; thành viên bầu là đại diện giáo viên và người lao động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu.

Thành viên ngoài trường là đại diện lãnh đạo nhà quản lý, nhà giáo dục, doanh nhân, cựu học sinh do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu.

c) Số lượng và cơ cấu thành viên hội đồng trường tư thục và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường.

Điều 58: Hội đồng tư vấn trong nhà trường

Hội đồng tư vấn trong nhà trường do Hiệu trưởng thành lập để lấy ý kiến của cán bộ quản lý, nhà giáo, đại diện các tổ chức trong nhà trường nhằm thực hiện một số nhiệm vụ thuộc trách nhiệm và quyền hạn của Hiệu trưởng. Tổ chức và hoạt động của các hội đồng tư vấn được quy định trong điều lệ nhà trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem