Đụng độ liên minh Five Eyes do Mỹ cầm đầu, Trung Quốc liệu có "ngậm trái đắng"?

15/06/2020 18:04 GMT+7
Trung Quốc đang chuẩn bị đối diện với nhiều lực cản hơn trên thị trường quốc tế khi các thành viên Liên minh tình báo Five Eyes do Mỹ dẫn đầu đang có xu hướng đoàn kết chống lại Bắc Kinh.
Đụng độ liên minh Five Eyes do Mỹ cầm đầu, Trung Quốc liệu có "ngậm trái đắng"? - Ảnh 1.

Mỹ cầm đầu liên minh Five Eyes ngáng đường Trung Quốc trên nhiều mặt trận

Các nhà quan sát cho hay Trung Quốc và các thành viên liên minh tình báo Five Eyes gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand đang đụng độ trên nhiều mặt trận: từ cuộc chiến ngôn luận về nguồn gốc dịch Covid-19 cho đến công nghệ 5G. Dường như có sự nhận thức ngày một tăng trong liên minh Five Eyes về việc đơn phương đối phó với Trung Quốc ít mang lại hiệu quả.

Từ lâu, giới truyền thông đã đặc biệt để mắt đến những nỗ lực phối hợp của liên minh Five Eyes do Mỹ cầm đầu trong việc chống lại Trung Quốc. Những động thái đầu tiên bắt đầu vào khoảng 2 năm trước, khi Canada bắt giữ CFO Huawei Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Mỹ. Sự kiện này đã gây nên phản ứng dữ dội từ phía Bắc Kinh, khiến chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình bắt giữ hai công dân Canada để tạo sức ép. 

Trong khi Mỹ đưa ra hàng loạt cáo buộc nhắm vào Huawei và CFO Mạnh Vãn Châu như vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran, gian lận tài chính…, thì Bắc Kinh tổ hành động này là một trong những nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy của kỷ nguyên công nghệ Trung Quốc mà Huawei là lá cờ tiên phong.

Mỹ sau đó đưa hàng loạt tổ chức, doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen do cáo buộc gây rủi ro an ninh quốc gia, đồng thời hạn chế cấp visa thị thực với các nhà nghiên cứu Trung Quốc. Trong hai năm qua, hàng loạt công dân Trung Quốc đã bị bắt tại Mỹ vì cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại.

Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và lan rộng ra toàn cầu, biến Mỹ thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Washington sau đó đổ lỗi cho Trung Quốc vì “sai lầm nghiêm trọng” trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát, khiến virus lan rộng ra toàn cầu gây hậu quả nghiêm trọng. Còn thủ tướng Australia Scott Morrison thì kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế nhằm làm rõ nguồn gốc dịch Covid-19. Đổi lại, Bắc Kinh đã áp thuế lên tới hơn 80% với lúa mạch Australia và cảnh báo công dân Trung Quốc không đến Australia trong động thái được xem là đòn đáp trả.

Hồi tháng trước, Anh cũng đứng cùng chiến tuyến với Mỹ trong việc chỉ trích Bắc Kinh khi ban hành dự luật  an ninh quốc gia đối với Hồng Kông.

Georgina Downer, Chủ tịch công ty tư vấn chiến lược Tenjin Consulting nhận định: “Chúng tôi chắc chắn rằng đang chứng kiến sự hợp tác ngày càng tăng giữa các quốc gia trong liên minh Five Eyes về phản ứng với Trung Quốc. Bằng chứng là họ đã đưa ra tuyên bố chung về vấn đề Hồng Kông và mới đây nhất là đối thoại kinh tế Five Eyes để điều phối chuỗi sản xuất hàng hóa chiến lược”.

Việc Thủ tướng Anh Boris Johnson bất ngờ đổi thái độ với Huawei khi yêu cầu các quan chức xem xét kế hoạch cắt giảm sự tham gia của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng mạng di động 5G của Anh cũng là một minh chứng cho nhận định này. Ông Boris Johnson dự kiến sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ 5G Trung Quốc xuống 0% vào năm 2023 như một sự thiện chí nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi Anh hoàn tất quá trình Brexit ly khai Liên minh Châu Âu, đồng thời xích lại gần hơn với khối Five Eyes. Trước đó, Tổng thống Trump từng cảnh báo sẽ cắt nguồn chia sẻ tin tức tình báo nếu các đồng minh trong Five Eyes cố tình để Huawei tham gia vào mạng lưới 5G quốc gia.

Li Lianjun, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Australia tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh cũng đồng tình rằng các thành viên trong liên minh đang tăng cường hợp tác. “Không có gì ngạc nhiên nếu Five Eyes đang phối hợp với nhau để chống lại Trung Quốc. Thậm chí, G7 cũng có thể hợp tác theo một số cách. Thủ tướng Australia Scott Morrison đang kiên quyết duy trì đường lối cứng rắn trước Trung Quốc, điều này rất tệ cho mối quan hệ song phương Úc - Trung. Dường như Morrison sẵn sàng hy sinh quan hệ thương mại với Trung Quốc để khẳng định giá trị của ông ta”.

Còn John Blaxland, giáo sư nghiên cứu tình báo và an ninh quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia thì cho rằng phong cách ngoại giao “Chiến Lang” hung hăng của Trung Quốc đã đẩy các thành viên Five Eyes đến gần nhau hơn. Sự hợp tác có thể không dừng lại ở con số 5 thành viên Five Eyes, khi Ấn Độ đang thỏa thuận mua thêm lúa mạch từ Australia khi Trung Quốc áp thuế, hay thậm chí các quốc gia như Pháp, Đức, Nhật Bản cũng có thể tiến gần hơn tới Five Eyes.

Shi Yinhong, một chuyên gia về các vấn đề Mỹ tại Đại học Renmin Trung Quốc nhận định áp lực từ Five Eyes có thể sẽ gây sức ép thêm vào sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đã lao đao. 

Nhưng Lu Xiang, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho hay mối đe dọa từ Five Eyes đối với Trung Quốc có thể không lớn như các nhà quan sát cảnh báo. “Tất cả các quốc gia đều có chủ quyền riêng, với chương trình ngoại giao riêng biệt. Tôi không tin bốn quốc gia thành viên sẽ ủng hộ mọi động thái của Mỹ. Tất nhiên, họ sẽ phối hợp ở một số trường hợp như những đồng minh. Nhưng tôi không nghĩ họ là một khối đoàn kết với mọi hành động chung”.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục