Đừng vì ‘một con sâu” nâng khống giá, không xem xét đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 07/01/2022 10:10 AM (GMT+7)
Sáng nay 7/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận 0

Cần cam kết sản phẩm đầu ra của gói chính sách tài khóa, tiền tệ

Đăng đàn đầu tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, đề án về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội là sự gửi gắm niềm hy vọng của người dân và doanh nghiệp vào 1 tương lai tốt đẹp hơn nhưng cần cụ thể và rõ trách nhiệm hơn.

Theo ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai, cần làm rõ cam kết đầu ra của đề án, bảo đảm việc thực hiện theo kết quả đầu ra. Một trong những nguyên tắc quan trọng của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các Nghị quyết về phân bổ ngân sách của Quốc hội là đảm bảo nguồn lực, hiệu quả, kết quả đầu ra. Đây là chuẩn mực, kinh nghiệm quốc tế và cũng là yêu cầu bắt buộc trong phân bổ, chi tiêu ngân sách, đại biểu nêu rõ.

"Chúng ta chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để sau 1 thời gian nhất định sẽ thu được kết quả lớn hơn, vậy bỏ ra 347.000 tỷ thì thu được kết quả gì, cần rõ kết quả đầu ra. Nhưng đối chiếu với dự thảo nghị quyết thì chưa được cụ thể, hóa", bà Mai nhấn mạnh.

Đừng vì ‘một con sâu” nâng không giá, không xem xét đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN - Ảnh 1.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai . (Ảnh: Qh)

Lấy dẫn chứng, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai chỉ ra rằng, dự thảo nghị quyết có nêu mục tiêu của đề án sẽ GDP tăng từ 6,5-7%, phục hồi sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội, nhưng nêu khái quát như vậy thì khó có thể đánh giá được hiệu quả. Hơn nữa, đề án có thể có sản phẩm vô hình, có sản phẩm hữu hình nhưng đều có thể tính toán được, vì thế cần đưa ra cam kết cụ thể, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh.

Về tiêu chí đầu tư nguồn lực, đại biểu Mai nhắc tới một nguyên tắc quan trọng là nguồn lực phân bổ phải trên nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện ràng buộc. Lần này sẽ phân bổ 347.000 tỷ cho các mục tiêu khác nhau, có những mục tiêu phân bổ trực tiếp, gián tiếp như thuế, hỗ trợ lãi suất… Nhưng dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng cần nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách.

Từ quan điểm trên, bà Mai đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết những tiêu chí, nguyên tắc cụ thể về đầu tư nguồn lực.

"Đề án trình Quốc hội lần này là chủ trương đúng đắn, nhưng là việc khó khăn, là thử thách đòi hỏi trí tuệ, sự quyết tâm. Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cần những bước đi vững chắc, cũng không chịu tác động của bất kỳ xu thế quốc tế nào vì mỗi quốc gia có con đường đi riêng, khác nhau; cũng như không chịu áp lực bởi mục tiêu tăng trưởng, thành tích, Vấn đề cốt lõi cần đạt được là yếu tố thực chất và hiệu quả", đại biểu Mai kết thúc phát biểu.

Cũng có những băn khoăn như bà Mai, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho biết, trong dự thảo đề cập tốc độ tăng trưởng GDP tăng thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023 , tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Ông Huy đề nghị Chính phủ làm rõ mức tăng này so với mục tiêu của Chính phủ hay so với năm 2021 hoặc các chỉ tiêu khác,...

Cũng theo vị đại biểu này, về lâu dài việc ổn định kinh tế vĩ mô là rất quan trọng cần phải được cân nhắc tính toán phù hợp, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề lạm phát, nợ công, thâm hụt ngân sách cần duy trì trong giới hạn chấp nhận được. Do đó tôi thống nhất trước mắt cân nhắc điều chỉnh một số chỉ tiêu tài chính quốc gia 5 năm, thực hiện linh hoạt một số chỉ tiêu trong 2 năm 2022 – 2023 nhưng cần có giải pháp trong các năm 2024 -2025 để phấn đấu các chỉ tiêu tài chính quốc gia 5 năm mà Quốc hội đã ban hành. Hơn nữa, Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng hơn nữa các đối tượng được hỗ trợ, để bảo đảm khả năng hấp thụ vốn và khả năng trả nợ trong tương lai. Nếu lạm phát tăng cao các doanh nghiệp sẽ phải chạy theo vay nợ - lạm phát.

Đừng sợ nâng khống giá, mà không xem xét tính chi phí đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp

Bày tỏ ý kiến nhất trí đối với nội dung trong Chương trình phục hồi kinh tế Chính phủ trình Quốc hội, ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) nhấn mạnh đến 2 phương án để Quốc hội cho phép tính vào chi phí xác định thu nhập chịu thuế, thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp tổ chức cho các hoạt động phòng chống dịch tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền cho hết dịch.

"Tôi cho rằng Chính phủ trình Quốc hội quyết định để trình chính sách này để Quốc hội quyết định là đúng đắn thể hiện sự ghi nhận đóng góp của doanh nghiệp", Bà Luyến nói.

Đừng vì ‘một con sâu” nâng không giá, không xem xét đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN - Ảnh 3.

ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) - Ảnh (QH)

Tuy nhiên, bà Luyến băn khoăn thực tế có một số lo ngại trong việc nâng giá hiện vật lên so với giá trị thật như từng xảy ra trong thời gian qua nhưng theo vì ĐBQH này không nên đánh đồng hành vi này cho tất cả, không nên "vì con sâu bỏ rầu nồi canh" mà Quốc hội không xem xét đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp.

Theo bà Luyến, việc cần làm là làm thế nào để có các giải pháp tổ chức thực hiện đảm bảo đạt kết quả tốt. Việc nâng khống giá đã có các quy định pháp luật làm hành lang quản lý những ai vi phạm thì bị xử lý.

Riêng cá nhân bà Luyến, bà ủng hộ doanh nghiệp ủng hộ tiền và hiện vật đều được tính vào chi phí được trừ khi xác nhận thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem