Dưới 10% doanh nghiệp tại TP.HCM thụ hưởng ưu đãi từ các gói hỗ trợ vốn

Quốc Hải Thứ năm, ngày 30/03/2023 11:01 AM (GMT+7)
Báo cáo gửi UBND TP.HCM về tình hình hoạt động doanh nghiệp tháng 3 và quý 1/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho hay, mới chỉ dưới 10% doanh nghiệp tại TP thụ hưởng ưu đãi từ các gói hỗ trợ vốn.
Bình luận 0

Theo HUBA, trong quý 1/2023, một số ngành đã có sự phát triển, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng; số lượng doanh nghiệp (DN) trở lại kinh doanh gia tăng và số thu nộp ngân sách vượt kế hoạch... đã phần nào phản ánh sự phục hồi đáng kể của nền kinh tế thành phố. 

Tuy nhiên, một số ngành khác lại đang sụt giảm, như ngành dệt may, thực phẩm, xây dựng... đang là những lực cản lớn cho đà hồi phục.

Chỉ dưới 10% doanh nghiệp tại TP.HCM thụ hưởng ưu đãi từ các gói hỗ trợ vốn - Ảnh 1.

Mới chỉ dưới 10% doanh nghiệp tại TP.HCM thụ hưởng ưu đãi từ các gói hỗ trợ vốn. Ảnh: Quốc Hải

Chỉ 52,9% số DN đã ổn định được hoạt động kinh doanh

Dữ liệu của HUBA cho thấy, ngành dệt may kim ngạch xuất khẩu giảm trên 8% so với cùng kỳ. Nhiều DN đang giảm giờ làm để duy trì, giữ chân người lao động.

Theo HUBA, khó khăn phổ biến với các DN là thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, nhiều DN không được giải ngân, chuyển nợ xấu. Do đó, từ giữa năm 2022 đến nay các DN không đầu tư và có xu hướng bán lại, làm mất thương hiệu. Dự báo những tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với DN ngành dệt may.

Tương tự, với ngành lương thực thực phẩm thì chỉ có một số sản phẩm đồ uống và thực phẩm có tăng trưởng trong khi toàn ngành lại sụt giảm. Theo dự báo, doanh số ngành này trong quý 1/2023 có khả năng giảm 2%. 

Nguyên nhân do từ đầu năm đến nay lượng hàng xuất khẩu giảm, tiêu thụ nội địa cũng giảm sâu do sức mua yếu.

Đáng chú ý, ngành vật liệu xây dựng hiện có khoảng 40% DN trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều DN phá sản nếu không có gì thay đổi. Nguyên nhân là do ngành bất động sản đóng băng, khiến các nhà cung cấp cũng bị ảnh hưởng theo. 

Trong khi đó, các DN gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất từ 1,5%-2%. 

Ngoài ra, việc tiếp cận các kênh tín dụng của DN cũng gặp khó do tài sản thế chấp là đất nông nghiệp được định giá rất thấp và giá trị tài sản đảm bảo nói chung giảm đến 30%, đòi hỏi phải bổ sung tài sản thế chấp trong khi DN gần như cạn kiệt tài sản.

Kết quả khảo sát chung của HUBA cho thấy có 41,2% số DN được hỏi trả lời đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp; 17,6% bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng; 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp; 17,6% thiếu vốn kinh doanh… Số lượng DN trả lời đã ổn định được hoạt động kinh doanh chỉ là 52,9%.

Về tình hình người lao động, có 64,7% DN cam kết giữ nguyên được số lao động hiện có. 17,65% DN có xu hướng cắt giảm lao động tương đương số có nhu cầu tuyển dụng thêm.

Chỉ dưới 10% doanh nghiệp tại TP.HCM thụ hưởng ưu đãi từ các gói hỗ trợ vốn - Ảnh 3.

Các DN tiếp tục kiến nghị giảm thêm lãi suất . Ảnh: Quốc Hải

Nhiều kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp

Trước những khó khăn trên, HUBA tiếp tục kiến nghị ngân hàng Nhà nước có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời HUBA cũng đề xuất Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ cho DN vay lãi suất thấp để trả lương cho người lao động, kích thích sức mua, kích thích thị trường.

"Lãi suất vay cao ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DN. Hiện nay, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm nên rất khó cho các DN", ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), nhận định.

Lãnh đạo HUBA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế trần lãi suất, giữ mức lãi suất cho vay khoảng 8- 8,5%/năm,... cũng là những giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay.

Khảo sát của HUBA cho thấy, 70,6% DN bày tỏ niềm tin vào chính sách phát triển của nhà nước, về môi trường kinh doanh của thành phố. Tuy nhiên, việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa nhiều, đặc biệt là các gói hỗ trợ về vốn chưa được đánh giá cao với tỷ lệ DN thụ hưởng chỉ khoảng dưới 10%...

Song song đó, HUBA cũng kiến nghị thành phố thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 và thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước; chỉ đạo tăng cường kết nối DN - ngân hàng thường xuyên nhằm tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho DN.

Được biết, thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc hạ lãi suất để kịp thời cung ứng vốn cho nên kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh. 

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem