Đường sắt: Bộ GTVT đề xuất đổi đầu máy tàu cũ trên 40 năm thành công nghệ gì?

15/04/2023 10:35 GMT+7
Bộ GTVT đề xuất Chính phủ đưa Luật Đường sắt sửa đổi vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa kiến nghị Chính phủ về quy định niên hạn đầu máy, toa tàu cũng như đề xuất sửa Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ trong thời gian đang tiến hành tổng kết, đánh giá và sửa đổi Luật Đường sắt.

Đồng thời, cần xem xét chỉnh sửa quy định tại Nghị định 65/2018, Nghị định 01/2022 theo hướng điều chỉnh thời điểm áp dụng niên hạn đối với phương tiện giao thông đường sắt cho đến khi Quốc hội thông qua Luật Đường sắt sửa đổi.

Bộ GTVT muốn Đường sắt đổi đầu máy tàu cũ trên 40 năm thành công nghệ gì? - Ảnh 1.

Hệ thống đường sắt quốc gia. Ảnh: VNR

Dự kiến, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ đưa Luật Đường sắt sửa đổi vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025.

Ngoài ra, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) xây dựng lộ trình để chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực đường sắt.

Cùng đó, rà soát, ban hành bổ sung các nội dung trong các quy định liên quan nhằm tăng cường trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ đối với phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác vận hành, đặc biệt đối với các phương tiện có thời gian khai thác vận hành trên 40 năm.

"VNR chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về công tác đảm bảo an toàn của phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác vận hành", Bộ GTVT đề xuất.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2018, trong đó quy định niên hạn phương tiện giao thông đường sắt. Đối với đầu máy và toa tàu chở khách niên hạn sử dụng là 40 năm, toa xe chở hàng là 45 năm và lộ trình thực hiện niên hạn của bắt đầu từ năm 2020.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động vận tải đường sắt bị đình trệ, tình hình sản xuất kinh doanh của VNR gặp nhiều khó khăn.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2022 sửa đổi Nghị định số 65/2018, trong đó quy định điều chỉnh lộ trình niên hạn của phương tiện giao thông đường sắt bắt đầu áp dụng từ ngày 31/12/2020 được kéo dài đến ngày 31/12/2023.

Để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông. Theo đó, năm 2050, chuyển đổi 100% đầu máy, toa xe đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Tổng công ty đường sắt Việt Nam cũng đã lập dự án đầu tư đầu máy sử dụng nhiên liệu diesel để thay thế đầu máy hết niên hạn theo Nghị định 65.

Nhưng nếu triển khai thực hiện dự án này và theo Quyết định 876, đến năm 2050 phải loại bỏ các đầu máy sử dụng nhiên liệu diesel (nếu đầu tư và đưa vào sử dụng đầu máy sử dụng nhiên liệu diesel từ năm 2024, thời gian khai thác, sử dụng đầu máy tính đến năm 2050 chỉ còn 26 năm, trong khi quy định niên hạn là 40 năm).

Hiện, tuyến đường sắt quốc gia vẫn đang sử dụng các phương tiện giao thông đường sắt có thời gian khai thác vận hành trên 40 năm. Công tác bảo dưỡng, kiểm định theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành và các phương tiện này vẫn đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành khai thác.

Trước nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, ngành đường sắt đã ghi nhận những con số tăng trưởng "kỷ lục" trong quý I/2023.

Báo cáo của Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho thấy, quý I/2023 các chỉ tiêu kinh doanh có được chủ yếu là vận tải hành khách đều tăng trưởng cao. Trong đó, sản lượng hành khách đạt hơn 800.000 người, tăng trưởng khoảng 200% so với cùng kỳ 2022.

Với lượng khách tăng trưởng cao đem lại cho Đường sắt Hà Nội doanh thu vận tải hành khách đạt khoảng 300 tỉ đồng, tăng trưởng khoảng 200%; Trong đó, tàu khách Thống nhất doanh thu tăng trưởng 150%, tàu khách khu đoạn doanh thu tăng trưởng "kỷ lục" hơn 650%.

Các chỉ tiêu khác như doanh thu hành lý, doanh thu hàng hóa vận chuyển theo tàu khách cũng tăng trưởng cao, khoảng 29% so với cùng kỳ 2022. Đưa tổng doanh thu tàu khách tăng trưởng khoảng 185%.

Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn có sản lượng hành khách đạt hơn 660.000 người, tăng trưởng khoảng 136% so với cùng kỳ 2022.

Doanh thu vận tải hành khách của Đường sắt Sài Gòn đạt hơn 360 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 147%; Trong đó, tàu khách Thống nhất doanh thu tăng trưởng khoảng 128%, tàu khách khu đoạn doanh thu tăng trưởng khoảng 190%.

Thế Anh
Cùng chuyên mục