Lý do nhà đầu tư Hàn Quốc muốn tạm dừng dự án nâng cấp đường sắt Yên Viên - Lào Cai
Nêu rõ lý do tạm dừng thực hiện dự án này, Lotte E&C cho biết, do dự án nâng cấp tuyến đường sắt giai đoạn 2 và xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu theo hình thức PPP hiện không nằm trong danh sách các dự án ưu tiên quốc gia trong khi tại khu vực tuyến đường có 2 dự án đang được xem xét là Lào Cai - Hà Khẩu và tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Qua đó, Lotte E&C quyết định tạm dừng triển khai Dự án nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai giai đoạn 2 và xây dựng tuyến đường sắt nối Lào Cai - Hà Khẩu theo hình thức PPP.
Lotte E&C lần đầu tiên bày tỏ sự quan tâm đến dự án vào năm 2015, gửi đề xuất thực hiện dự án này vào năm 2020.
Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai giai đoạn II do Lotte E&C đề xuất có tổng mức đầu tư khoảng 3.983 tỷ đồng (171 triệu USD, không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và thuế VAT).
Ngoài 30% vốn chủ sở hữu, nhà đầu tư sẽ huy động vốn vay thương mại từ các tổ chức tài chính Hàn Quốc. Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng của dự án sẽ do Chính phủ Việt Nam đảm nhận.
Để đảm bảo mục tiêu đầu tư tổng thể, dự án sẽ đầu tư toàn bộ hạng mục thuộc hợp phần I, bao gồm cải tạo 39,58 km đường sắt; cải tuyến làm mới 6,32 km đường sắt khổ 1.000 mm; xây mới 1 ga; cải tạo, nâng cấp 12 đường ngang; xây mới 6 cầu, nâng cấp 17 cầu…
Dự án sẽ được thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT), trong đó, nhà đầu tư thỏa thuận nhượng quyền hợp đồng giữa doanh nghiệp dự án với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cung cấp hạ tầng dịch vụ và nhận lại chi phí thuê.
Chi phí thuê hạ tầng được Lotte E&C đề xuất khoảng 16,5 triệu USD/năm (386 tỷ đồng/năm). Đơn vị vận hành khai thác và bảo trì được đề xuất là VNR.
Lotte E&C mong muốn Bộ GTVT sớm triển khai đồng bộ Hợp phần 2 (xây dựng đường sắt kết nối Lào Cai - Hà Khẩu) bao gồm: cải tạo khoảng 3,59 km đường ga Lào Cai thành đường khổ lồng 1.435 mm và 1.000 mm.
Đồng thời, xây dựng mới 0,68 km đường sắt khổ lồng 1.435 mm và 1.000 mm; 0,375 km hầm đường sắt khổ lồng 1.435 mm và 1.000 mm (cấu phần này chỉ được thực hiện sau khi phía Việt Nam thỏa thuận kết nối đường sắt với Trung Quốc). Tổng mức đầu tư khoảng 614 tỷ đồng (27 triệu USD).