Soi "sức khỏe" tài chính liên danh nhà thầu trúng gói nâng cấp đường sắt hơn 318 tỷ
Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu XL-VNT2-03 Cải tạo, nâng cấp đoạn Km1241+990 - Km1314+930, tỉnh Khánh Hòa thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.
Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt - Công ty CP Công trình 6 - Công ty CP Đầu tư công trình Hà Nội với giá trúng thầu 318,9 tỷ đồng, giảm 0,3 tỷ đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,09%; thời gian thực hiện hợp đồng 600 ngày, loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
Gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, được đấu thầu rộng rãi qua mạng, đóng thầu ngày 10/3/2023 với 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.
Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC): Vay nợ năm 2022 tăng vọt
Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt (UPCoM: RCC) tiền thân là Công ty Công trình đường sắt, được cổ phần hóa ngày 7/12/2004. Doanh nghiệp được thành lập ngày 25/5/2005, có địa chỉ trụ sở chính tại tòa nhà số 33, đường Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Chủ tịch HĐQT của công ty là ông Tạ Hữu Diễn (SN 1961).
Vốn điều lệ của RCC tính tới 31/12/2022 đạt 320 tỷ đồng. Cơ cấu sở hữu gồm ông Tạ Hữu Diễn góp 19,5%, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội góp 9,7%; ông Nguyễn Hải Duy góp 8,56%; ông Đậu Hồng Việt góp 6,46%; các cổ đông khác 55,78%.
Trên website của RCC giới thiệu, Công ty đã hoàn thành trên 500 dự án. Hoạt động chính của công ty này là xây dựng các công trình giao thông đường sắt, đường bộ; tư vấn đầu tư, tư vấn giám sát và thiết kế các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp; đầu tư, kinh doanh bất động sản; sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng...
Dữ liệu đấu thầu cho thấy, Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt đã tham gia 32 gói thầu, trong đó trúng 26 gói, trượt 4 gói, 1 chưa có kết quả, 1 gói đã bị huỷ, với tổng giá trị trúng thầu là 8.492,9 tỷ đồng.
RCC từng trúng nhiều gói thầu cải tạo, nâng cấp các đoạn tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM do Ban Quản lý dự án đường sắt làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Đơn cử, đầu năm 2023, RCC liên danh cùng 3 nhà thầu gồm: Công ty CP công trình Long Hưng – Công ty Cp đường sắt Vĩnh Phú – Công ty CP đường sắt Phú Khánh trúng Gói thầu XL-NTSG2-02. Cải tạo, nâng cấp đoạn Km1454+917 - Km1613+510 thuộc tỉnh Bình Thuận với giá 441,2 tỷ đồng. Gói thầu thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Thời gian thực hiện hợp đồng là 600 ngày.
Ngoài các dự án đường sắt, RCC cũng tham gia thực hiện một số gói thầu cao tốc Bắc - Nam. Cụ thể, trong tháng 2/2023, RCC liên danh cùng 4 nhà thầu khác được chỉ định trúng gói thầu số 11-XL Thi công xây dựng đoạn Km0+200 - Km19+800 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công), thuộc dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Giá trúng thầu là 3.253,4 tỷ đồng.
Mặt khác, trước đó, đầu tháng 1/2023, RCC cũng góp mặt tại gói thầu XL2 Thi công xây dựng đoạn Km708+350 - Km740+884,8 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) thuộc dự án thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ. Theo đó, liên danh Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh - Công ty CP Giao thông xây dựng số 1 – RCC được chỉ định trúng gói thầu nêu trên với giá hơn 2.888,3 tỷ đồng.
Năm 2022, Công ty đã chi trả thù lao, phụ cấp cho các thành viên HĐQT gồm: ông Tạ Hữu Diễn 781 triệu đồng, Mai Thanh Phương 111 triệu đồng; Võ Văn Phúc 568 triệu đồng; Phạm Ngọc Cường 111 triệu đồng và Phạm Hồng Thắng 55 triệu đồng.
Năm 2022, RCC ghi nhận 456,3 tỷ đồng doanh thu, đạt 40% kế hoạch đặt ra, giảm 19,1% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế đạt 25,5 tỷ đồng, giảm 63,2% và bằng 26,8% mục tiêu kế hoạch.
Tổng tài sản tính tới 31/12/2022 đạt 858,6 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh 81,3% xuống 29,2 tỷ đồng; trả trước cho người bán ngắn hạn tăng 4,5 lần lên 55,6 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng nhẹ lên 174 tỷ đồng; thuế và các khoản phải thu nhà nước tăng 39,3% lên 1,1 tỷ đồng.
Nợ phải trả giảm nhẹ xuống 477 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn tăng 23,5% lên 258,1 tỷ đồng; vay nợ dài hạn tăng 27,7% lên 2,1 tỷ đồng. Tổng nợ vay chiếm 30,3% nguồn vốn.
Năm 2023, RCC đặt mục tiêu doanh thu 950 tỷ đồng; lợi nhuận trước đạt 50 tỷ đồng; giá trị ký hợp đồng đạt 1.250 tỷ đồng. RCC cho biết, năm 2023 có 6 dự án nâng cấp hạ tầng đường sắt dự kiến khởi công xây lắp với tổng vốn hơn 7.400 tỷ đồng.
Công ty CP Công trình 6 (CT6): Công ty con làm thầu phụ cho Tập đoàn Nhật Bản
Ngày 01/10/2003, Công ty Cổ phần Công trình 6 chính thức đi vào hoạt động. Công ty Cổ phần Công trình 6 niêm yết cổ phiếu CT6 trên trên HNX ngày 04/05/2010, đến ngày 11/05/2020, CT6 được chuyển sang UPCoM. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình đường sắt.
Về đầu tư, tháng 12/2018 CT6 thành lập công ty con Công ty TNHH MTV công trình 6 Myanmar với số vốn 50.000 USD (tương đương 1,157 tỷ đồng). Công ty thành lập với mục đích để được làm thầu phụ cho Tập đoàn Kokyo Nhật Bản, tham gia thi công dự án đường sắt tại Myanmar.
Năm 2022, Để tham gia dự thầu các công trình quy mô nhỏ theo đề nghị của Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị công ty thành lập thêm 1 Công ty con Công ty TNHH MTV công trình 68 với vốn điều lệ là 2 tỷ đồng. Tuy nhiên cho đến nay do thiếu nhân sự kế toán nên Công ty Mẹ chưa giao vốn hoạt động.
Theo dữ liệu từ Hệ thống đầu thầu quốc gia, Công ty CP Công trình 6 đã tham gia 50 gói thầu, trong đó trúng 43 gói, trượt 4 gói, 1 chưa có kết quả, 2 gói đã bị huỷ, với tổng giá trị trúng thầu là 820,8 tỷ đồng. Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán đạt 98,58%.
Theo giới thiệu, Công ty tham gia xây dựng dựng Đường Hồ Chí Minh, Đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, Nam Sông hậu; CT6 là nhà thầu tham gia thi công gói thầu CP1, CP2 tuyến Đường sắt Hà Nội – Lào Cai.
Năm 2016, Công ty đã tham gia và thi công hoàn thành công trình đường sắt trên cao tuyến "Cát Linh - Hà Đông".
Năm 2020 đến 2021, Công ty Cổ phần Công trình 6 đang tham gia thi công các công trình thuộc dự án 7.000 tỷ của Bộ GTVT và các công trình thuộc khu vực Quảng Ninh, Lào Cai....
Năm 2021 đến nay, Công ty Cổ phần công trình 6 tham gia thi công các công trình thuộc các dự án 3.000 tỷ của Bộ giao thông vận tải về đường sắt Thống nhất; Dự án Quốc lộ 20 qua đèo Mimoza tỉnh Lâm Đồng, Các công trình dự án đường sắt thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Cửa Ông, Uông bí Quảng Ninh…
Năm 2022, doanh thu của CT6 đạt 84,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 5,8 tỷ đồng lần lượt vượt 5% và 81% kế hoạch đề ra. Tổng tài sản tính tới cuối tháng 12/2022 đạt 148,1 tỷ đồng; nợ vay ghi nhận 18,1 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt hơn 61 tỷ đồng.
Năm 2023, CT6 đặt mục tiêu doanh thu 145 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế thấp nhất 5 tỷ đồng.
Công ty CP Đầu tư công trình Hà Nội
Công ty CP Đầu tư công trình Hà Nội được thành lập ngày 28/3/2005, trụ sở chính tại phố Đại Từ, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Đại diện pháp luật là ông Nguyễn Xuân Tới, kiêm Tổng Giám đốc Công ty.
Dữ liệu từ mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, Công ty CP Đầu tư công trình Hà Nội đã tham gia 49 gói thầu, trong đó trúng 47 gói, trượt 2 gói, với tổng giá trị trúng thầu là 1.026,8 tỷ đồng.
Tại Ban Quản lý dự án đường sắt (chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu), Công ty CP Đầu tư công trình Hà Nội được công bố trúng 3/3 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu là 623,5 tỷ đồng. Trong đó, hiện Công ty CP Đầu tư công trình Hà Nội đang thực hiện Gói thầu XL-HNV2-01 Cải tạo, nâng cấp đoạn Km19+850 - Km140+478 (từ TP Hà Nội đến tỉnh Thanh Hóa) thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội – TPHCM với giá trúng thầu 246,4 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 710 ngày.