EU hậu Brexit: Hà Lan trở thành trung tâm kinh tế mới của Châu Âu
Brexit khiến ngân sách EU thiếu hụt 81 tỷ USD
Khối EU đang muốn chi nhiều hơn ngân sách vào các vấn đề khí hậu, người nhập cư, số hóa và an ninh, trong khi các quốc gia thành viên giàu có từ chối đóng góp nhiều hơn còn các quốc gia được hưởng lợi từ ngân sách có xu hướng duy trì vị trí được nhận hỗ trợ với các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển.
Khuyến nghị đóng góp của các quốc gia ban đầu là 1,074% tổng thu nhập quốc gia GNI trong Liên minh Châu Âu, tương đương 1,09 ngàn tỷ EUR. Trong khi đây chỉ là một phần số ngân quỹ quốc gia của 27 quốc gia thành viên, các chuyên gia nhận định lãnh đạo các nước này có thể sẽ không đạt được sự đồng thuận.
Theo Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, khuyến nghị này không thực sự hợp lý, bởi nó làm giảm các nguồn quỹ chung trong khi cần có các sự đầu tư trong khối EU. Hiện nay, ngân sách EU đến từ thuế quan hàng hóa vào từng thị trường riêng lẻ, giảm thuế thương vụ, phí phạt chống độc quyền với các công ty và sự đóng góp của các quốc gia. Khoản ngân sách này được dùng để hỗ trợ nông dân Châu Âu, bình đẳng hóa mức sống các quốc gia trong khối, quản lý biên giới, nghiên cứu, bảo an và các chương trình viện trợ quốc tế.
Một số nguồn đóng góp lớn trong khối bao gồm Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch muốn giảm mức đóng góp ngân sách xuống 1% GNI. Đức- quốc gia đóng góp nhiều nhất có thể chấp nhận mức cao hơn một chút, nhưng vẫn cho rằng 1,07% là quá cao. Trong khi đó, Pháp muốn có nguồn viện trợ dồi dào cho ngành công nghiệp, một số quốc gia lại muốn dùng ngân sách cho lĩnh vực mới như chống biến đổi khí hậu hay phát triển kinh tế số hóa.
Liên minh Châu Âu cũng đồng thời tìm kiếm nguồn thu mới, nhưng các nhà lãnh đạo đang có ý kiến trái chiều giữa đánh thuế lên rác thải nhựa hay lợi tức chung từ mua bán phát thải carbon. Các chuyên gia nhận định nếu các quốc gia EU không đạt được thỏa thuận trước cuối năm, khối này sẽ không thể chi tiêu trong năm 2021.
1.000 công ty tài chính EU lên kế hoạch mở văn phòng ở Anh
Hơn 1.000 ngân hàng, quản lý tài sản, công ty bảo hiểm trong khối EU đang lến kế hoạch mở văn phòng ở Anh để có thể phục vụ khách hàng Anh. Các văn phòng và nhân viên mới này sẽ giúp làm giảm bớt tổn thất tài chính khi Anh chia tay EU.
Đầu tiên các công ty vốn có thể hoạt động ở thị trường Anh trực tiếp từ quốc gia của họ giờ sẽ phải đăng ký giấy phép tạm thời nếu muốn tiếp tục hoạt động ở Anh ngay sau khi Anh ly khai khỏi khối này. Trước đó, nhiều công ty nhận định Anh là trung tâm dịch vụ tài chính Châu Âu.
Tương tự, 300 công ty tài chính Anh cũng sẽ mở văn phòng ở EU để tiếp tục phục vụ khách hàng trong khối EU, theo khảo sát mới đây từ New Financial. Theo chuyên gia dự đoán, dù Anh và EU có đạt được thỏa thuận cuối cùng, viễn cảnh phục hồi hoàn toàn dịch vụ tài chính khó có thể xảy ra. Trong số các công ty tài chính Châu Âu, có 228 công ty từ Ireland đã đăng kí giấy phép tạm thời để tiếp tục giữ khách hàng Anh cho đến khi được giấy phép lâu dài để mở văn phòng.
Dublin cũng là thành phố được nhiều công ty bảo hiểm và quản lý tài sản Anh coi là điểm đến lý tưởng để mở văn phòng, điều này thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Anh – Ireland. Pháp có 170 công ty và Đức có 149 công ty có giấy phép tạm thời. Bước tiếp theo bao gồm mua văn phòng, thuê nhân viên và đáp ứng nhu cầu về luật pháp để có thể vận hành văn phòng đại diện ở Anh.
Hà Lan – trung tâm kinh tế mới của EU
Số công ty đăng ký kinh doanh ở Hà Lan giờ đã tăng gấp đôi so với năm trước đó sau khi Anh không còn là thành viên trong khối, theo cơ quan chính phủ Hà Lan. Năm ngoái, 78 doanh nghiệp mở văn phòng hay chuyển hướng hoạt động sang Hà Lan, tuy nhiên con số này đang có xu hướng ngày càng tăng lên. Các công ty này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin, quảng cáo, truyền thông, sức khỏe và khoa học đời sống.
Anh đang ở giai đoạn dần ly khai khỏi khối EU với hạn cuối là cuối năm 2020. Trước đó, Anh và EU được kì vọng cần đi đến một thỏa thuận thương mại mới. Tuy nhiên, thỏa thuận này hiện mông lung do không đạt được sự đồng thuận giữa hai bên, điều này khiến các công ty phải tìm kiếm những lựa chọn khác, nhất là các công ty hướng đến thị trường EU.
Một trong số các công ty chuyển hướng hoạt động sang Hà Lan bao gồm “ông lớn” truyền thông Mỹ - kênh truyền hình Discovery, công ty này hiện đã có giấy phép để tiếp tục trình chiếu kênh của mình khắp Châu Âu. Công ty Mỹ chuyên về xếp hạng tín nhiệm AM Best và công ty dược phẩm Nhật Shionogi cũng công bố kế hoạch chuyển văn phòng đại diện từ Anh đến Hà Lan.
Hiện nay có đến 425 công ty đã hoặc đang nghĩ đến việc chuyển giao dần hoạt động kinh doanh sang Hà Lan, con số này là 175 vào năm 2018. 140 công ty đã đăng ký hoạt động ở Hà Lan vào năm 2019 có thể tạo công ăn việc làm cho 4.200 người và đầu tư 375 triệu EUR vào những năm tiếp theo. Nhưng với nền kinh tế mở và có nhiều hoạt động ngoại thương, Hà Lan là một trong các quốc gia EU có thể chịu tác động lớn từ Brexit.