EU đồng ý gia hạn Brexit cho Anh, vì sao Thủ tướng Boris Johnson không hài lòng?
EU phê chuẩn gia hạn Brexit cho Anh
Một cuộc hội đàm giữa 27 Chính phủ Liên minh Châu Âu diễn ra vào sáng 27/10 do Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk chủ trì đã thông qua quyết định lùi thời hạn Brexit cho Anh thêm 3 tháng, từ 31/10/2019 đến 31/1/2020. Quyết định dự kiến sẽ được văn bản hóa trong thời gian tới, nhằm đáp lại yêu cầu gia hạn Brexit mà Quốc hội Anh đã trình lên Hội đồng Châu Âu hồi tuần trước.
Quyết định của EC có nghĩa là Anh có thể ly khai EU bất cứ thời điểm nào từ nay đến trước ngày 31/1, miễn là Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận ly khai mà Thủ tướng Boris Johnson đã nhất trí với 27 Chính phủ EU hồi đầu tháng.
Đây đã là lần thứ 3 EC thông qua yêu cầu xin trì hoãn Brexit từ phía Anh do khủng hoảng Brexit trong nước. Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson gần đây đã liên tục thất bại trong việc thuyết phục Quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit để ly khai khối Liên Minh Châu Âu đúng thời hạn 31/10. Trong khi ông Boris thậm chí ủng hộ một sự ly khai ngay cả khi không có thỏa thuận nào được ký kết, phía Quốc hội Anh lại muốn ly khai trong trật tự và bỏ phiếu biểu quyết lùi thời hạn Brexit thêm 3 tháng để thảo luận lại các điều khoản thỏa thuận.
Văn bản dự thảo do Hội đồng Châu Âu chuẩn bị trước cuộc hội đàm đã nêu rõ: “Nhằm mục đích hoàn thiện các thủ tục cần thiết để phê chuẩn thỏa thuận ly khai, bao gồm cả việc có được sự thông qua của Nghị viện Châu Âu, Hội đồng Châu Âu EC đồng ý gia hạn thêm thời hạn Brexit”.
Hội đồng Châu Âu EC cũng bày tỏ kỳ vọng phía Vương quốc Anh có thể đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn thỏa thuận ly khai để Brexit diễn ra nhanh chóng nhất có thể.
Vì sao Thủ tướng Anh Boris Jonson không muốn gia hạn Brexit?
Đáng lưu ý là EU nhiều khả năng sẽ không thông qua bất cứ quá trình tái đàm phán nào trong tương lai khi Anh nỗ lực ly khai khối này. Hội đồng Châu Âu EC khẳng định việc gia hạn thêm thời hạn Brexit không bao gồm bất kỳ hành động nào liên quan về việc đàm phán lại thỏa thuận ly khai. EC đồng thời nhấn mạnh bất kỳ cam kết, tuyên bố hay hành động đơn phương nào khác của Vương Quốc Anh cần phải phù hợp với thỏa thuận ly khai mà ông Boris Johnson đã ký hồi đầu tháng.
Hồi năm ngoái, 27 nhà lãnh đạo các Chính phủ EU đã thông qua một thỏa thuận ly khai với Anh dưới thời Thủ tướng Theresa May. Nhưng bà May sau đó đã thất bại 3 lần liên tiếp sau khi Quốc hội Anh không đồng ý phê chuẩn thỏa thuận này do nội dung điều khoản về Ireland. Điều khoản này quy định nếu EU và Anh không ký kết các thỏa thuận thương mại trong năm tới thì Bắc Ireland sẽ bị tách khỏi lãnh thổ hải quan của Vương quốc Anh.
Hồi đầu tháng này, Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thành công sửa đổi thỏa thuận kể trên với EU, và ký kết một thỏa thuận ly khai mới. Tuy nhiên, Quốc hội Anh vẫn cho rằng cần thêm thời gian để cân nhắc thỏa thuận này trước khi đưa Anh ra khỏi khối Liên Minh Châu Âu.
Thực chất, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhiều lần phản đối trì hoãn thời hạn Brexit do những ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Anh cũng như các đối tác Châu Âu. Lùi thời hạn Brexit có nghĩa là Anh và EU sẽ có ít thời gian hơn trong quá trình đàm phán thỏa thuận thương mại. Theo thỏa thuận đã phê chuẩn, một giai đoạn chuyển tiếp có thể kéo dài từ cuối năm 2020 đến 2022 để EU và Anh đàm phán các hiệp định thương mại tự do. Thời gian trì hoãn Brexit càng lâu, thời gian đàm phán càng bị thu hẹp và dẫn đến những hậu quả khó lường.