EU, Mỹ, Nhật Bản đều yêu cầu truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, cơ hội để doanh nghiệp ngành gỗ đổi mới

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 18/12/2023 17:22 PM (GMT+7)
Theo PGS.TSTrần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sau các đòi hỏi hợp pháp trong truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang đứng trước các yêu cầu mới từ phía thị trường quốc tế.
Bình luận 0

Theo ông Trần Quang Bảo, bên cạnh việc giải trình truy xuất nguồn gốc nguyên liệu theo Quy định số 995/2010 của Nghị viện Châu Âu ngày 20/10/2010, trong thời gian tới, các doanh xuất khẩu lâm sản vào EU sẽ phải vượt qua thêm 2 rào cản nữa đó là: Phải báo cáo khối lượng xuất khẩu và lượng phát thải khí nhà kính có trong hàng hóa xuất khẩu sang EU, tiến tới bắt buộc các nhà xuất khẩu phải trả chi phí bằng thuế hoặc tín chỉ carbon theo quy định của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Giải trình các sản phẩm xuất khẩu vào EU không liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng theo quy định EUDR của EU về "Chuỗi các sản phẩm không gây mất rừng suy thoái rừng xuất, nhập khẩu vào EU".

Ngoài EU, các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản cũng hướng tới yêu cầu giải trình truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, báo cáo khối lượng xuất khẩu và lượng phát thải khí nhà kính, trả phí cho việc để phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất sản phẩm bằng hình thức thuế hoặc mua tín chỉ carbon; giải trình quá trình sản xuất sản phẩm không liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng.

Việc phải thực hiện các quy định nêu trên sẽ khiến thời gian, chi phí sản xuất, xuất khẩu lâm sản tăng cao. "Tuy nhiên việc giải trình nguồn gốc lâm sản, trả phí cho việc để phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất; giải trình quá trình sản xuất sản phẩm không liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng là cần thiết và đảm bảo cho sự phát triển xanh, bền vững", Cục trưởng Cục Lâm nghiệp khẳng định.

Ông Trần Quang Bảo cho rằng, bên cạnh những khó khăn, thách thức thì việc đáp ứng, tuân thủ EUDR là cơ hội lớn cho ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trở thành hình mẫu trong việc thích ứng, duy trì, mở rộng thị trường xuất khẩu tại EU, các thị trường chính và thị trường tiềm năng khi thích ứng và tuân thủ EUDR. 

Bước tiến quan trọng của thị trường tín chỉ carbon rừng - Ảnh 3.

Sơ chế, chế biến gỗ ván ép ở Thái Nguyên. Ảnh: B.Thắng

Để đáp ứng các quy định mới của thị trường xuất khẩu, ông Trần Quang Bảo cho rằng, các cơ quan quản lý cần xây dựng hoàn thiện thể chế hoá công tác quản lý, phát triển, bảo vệ rừng, khai thác, chế biến và thương mại lâm sản theo hướng tất cả các loại lâm sản sau khai thác đều giải trình được quá trình sản xuất sản phẩm không liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng; tính toán được lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất sản phẩm lâm sản.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về diện tích rừng theo toạ độ để phục công tác truy xuất vị trí của các lô rừng, giải trình việc sản xuất không làm ảnh hưởng đến mất rừng và suy thoái rừng; cơ sở dữ liệu về lượng phát thải khí nhà kính được hấp thụ, sản sinh ra trong quá trình sản xuất.

Đối với các doanh nghiệp: phải mất thêm thời gian, chi phí trong việc giải trình quá trình sản xuất sản phẩm không liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng; đo đếm, tính toán, báo cáo lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất sản phẩm lâm sản.

Tác động EUDR đến không chỉ đối với doanh nghiệp xuất khẩu mà toàn bộ chuỗi cung từ doanh nghiệp trồng, chế biến cho xuất khẩu. Mức độ tác động của EUDR đối với doanh nghiệp lớn khác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thường thì các doanh nghiệp lớn việc tuân thủ, thích ứng dễ dàng hơn. 

Ông Trần Quang Bảo cũng nêu một số tác động chính đối với DN như sau: Việc chưa nắm, hiểu được yêu cầu của EUDR vì EU chưa có hướng dẫn cụ thể trong khi thời điểm áp dụng chỉ còn khoảng một năm dẫn đến DN làm không đúng, tốn chi phí, công sức, trong khi không đợi được nên cũng rủi ro.

Với việc kiểm tra dựa trên mức độ rủi ro quốc gia, phân loại này mang tính bao trùm, nếu chỉ một DN không tuân thủ, một ngành hàng không tuân thủ sẽ ảnh hưởng tới phân loại rủi ro quốc gia và mức độ, tỷ lệ kiểm tra hàng hóa của EU sẽ cao, chặt chẽ đối với quốc gia bị xếp vào loại rủi ro cao.

EUDR có thể tác động đến việc tổ chức sản xuất của doanh nghiệp vì cần đáp ứng, tuân thủ yêu cầu của quy định này về bảo đảm không gây mất rừng. DN sẽ phải cung cấp thông tin địa lý nguồn gốc nguyên liệu cho các nhà nhập khẩu để thực hiện trách nhiệm giải trình. Xác định, lựa chọn lại nguồn nguyên liệu ngoài bảo đảm tính hợp pháp còn đáp ứng yêu cầu không gây mất rừng theo quy định của EUDR, lựa chọn nguồn từ vùng ít rủi ro, nguồn có chứng chỉ QLRBV

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là một chính sách thuộc Thỏa thuận xanh châu Âu, kỳ vọng sẽ giúp EU giảm phát thải carbon ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990, thực hiện thí điểm từ ngày 01/10/2023 và dự kiến sẽ thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Hiểu một cách đơn giản nhất là một chính sách thương mại về môi trường bao gồm các khoản thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem