EVN lỗ khủng, muốn tăng giá điện bán lẻ sau gần 5 năm nằm “bất động”?
Ngành điện đang lỗ lớn, muốn tăng giá điện!?
Tổng lỗ luỹ kế trong hai năm 2022-2023 dự kiến của EVN có thể là khoảng 93.000 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ USD.
Trước thông tin báo chí và dư luận đưa ra về số lỗ lớn năm 2023, trao đổi nhanh với PV Báo Dân Việt, đại diện truyền thông của EVN cho biết, thông tin EVN lỗ luỹ kế hai năm liên tiếp được đưa ra trong buổi làm việc của của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với EVN cuối tháng 1/2023.
Cụ thể, đại diện EVN cho rằng, nếu giá điện năm 2023 vẫn theo Quyết định 648/QĐ-BCT áp dụng từ tháng 3 năm 2019, không tăng theo đề xuất của EVN, và giá điện vẫn ở ngưỡng 1.880,9 đồng (năm 2022), EVN và các công ty thành viên có thể lỗ khoảng 65.000 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2022, EVN cũng công bố số lỗ tạm tính 31.000 tỷ đồng, tuy nhiên tính đến thời điểm ngày 31/12/2022, số lỗ năm 2022 vào khoảng 28.876 tỷ đồng, giảm khoảng 2.124 tỷ đồng so với ước tính trước đó.
Như vậy, số lỗ luỹ kế theo ước tính của EVN trong hai năm liên tiếp đã trên 93.000 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ USD, bình quân 2 tỷ USD/năm, đáng lo ngại số lỗ ước tính năm 2023 của EVN tăng hơn 36.200 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 125% so với năm trước. Điều này dấy lên lo ngại về cân đối tài chính của EVN và hoạt động của Tập đoàn này trong bối cảnh nhiều chi phí đầu vào tăng mạnh mà từ năm 2019 giá điện không được tăng.
Trước đó, thời điểm hết quý III và trong quý IV/2022, đại diện EVN đã nhiều lần than thở họ đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc cấp than sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, giá than thế giới tăng cao, nguồn nhập khẩu hạn chế, nên tồn kho thấp trong khi giá than nhập khẩu tăng 1,35 lần so với năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với năm 2020.
Một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh giá cả các mặt hàng nguyên nhiên liệu đầu vào tăng mạnh, việc duy trì giá bán điện từ năm 2019 không phù hợp, khiến tổn thất lớn cho ngành điện và việc giá điện phải hy sinh để ghìm giữ lạm phát chỉ là giải pháp tình thế, nếu sử dụng biện pháp hành chính này quá lâu, sẽ gây tổn hại lớn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, bản thân các doanh nghiệp.
Thực tế, theo Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, giá điện bình quân được điều chỉnh dựa trên biến động đầu vào của tất cả các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện. Nếu tăng từ 3-5% giá bán lẻ điện bình quân, EVN được thẩm quyền tăng giá điện. Trong đó, nếu giá điện tăng từ 3-5%, EVN được quyền tăng giá điện, sau đó báo cáo Bộ Công Thương, giá điện tăng từ 5-10%, EVN phải xin ý kiến Bộ Công Thương cấp thuận; trên 10%, thẩm quyền quyết định tăng giá điện thuộc về Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, vào tháng 9/2022, Bộ Công Thương xây dựng Dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo hướng, khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng.
Việc hạ sàn để cho phép EVN được tăng giá điện bán lẻ giúp EVN có thể điều chỉnh giá dựa trên chi phí tăng, tuy nhiên dự thảo vẫn đang lấy ý kiến và chưa được thông qua.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết năm 2022 Việt Nam phải nhập hơn 31,9 triệu tấn than, lượng nhập giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, nhưng trị giá tăng trên 60% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân, mỗi tấn than nhập về năm 2022 là 5,1 triệu đồng, tăng hơn 2,3 triệu đồng/tấn so với năm 2022. Điều đáng lo ngại là dù ngành điện Việt Nam mở rộng các dự án nhiệt điện than song hai năm 2021-2022, lượng nhập khẩu than về ít hơn nhiều so với năm 2020. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam nhập hơn 54 triệu tấn than, năm 2021 giảm xuống 36,3 triệu tấn và năm 2022 giảm còn 31,9 triệu tấn.
Theo EVN và một số doanh nghiệp nhập khẩu than cho phát điện, giá cao, nguồn cung khan hiếm, đặc biệt một số nước hạn chế xuất khẩu đã khiến lượng nhập khẩu than bị cắt giảm mạnh, giá than tăng cao ảnh hưởng lớn đến chi phí và hiệu quả các doanh nghiệp phát điện than.