Fintech Challenge Vietnam - FCV 2019 có gì đặc biệt?
Đây là cuộc thi dành cho các công ty Fintech nhằm khuyến khích ứng dụng các công nghệ mới và thúc đẩy sự hợp tác giữa ngân hàng và các nhà cung cấp giải pháp công nghệ để tạo động lực cho sự phát triển của thị trường tài chính tại Việt Nam.
Quỹ đầu tư VinaCapital và ADB Ventures sẽ đầu tư thí điểm lên đến 500.000 USD cho các giải pháp xuất sắc
Chương trình FCV do Ngân hàng nhà nước (NHNN) tổ chức với sự hỗ trợ của Dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (Mekong Business Initiative - MBI), dự án do Chính phủ Australia và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ. Theo đó, Quỹ đầu tư VinaCapital và ADB Ventures cho biết sẽ đầu tư thí điểm lên đến 500.000 USD cho các giải pháp xuất sắc có tiềm năng nhân rộng và ảnh hưởng tích cực tới phổ cập tài chính tại Việt Nam.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh
Phát biểu tại họp báo phát động chương trình, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh: "Tôi tin rằng, thông qua cuộc thi lần này, các công ty Fintech trong và ngoài nước tiếp tục có cơ hội được ươm mầm, phát triển các ý tưởng, giải pháp sáng tạo, đột phá và khác biệt.
Đồng thời thúc đẩy đổi mới, tăng cường cạnh tranh và hợp tác mạnh mẽ hơn nữa của thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam, qua đó thu hút vốn đầu tư để phát triển kinh doanh".
Cũng tại lễ phát động, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định: “Chương trình FCV là chương trình sáng tạo có sự tham gia của cơ quan quản lý, các ngân hàng và các công ty fintech nhằm tìm ra những điểm giao thoa giữa khu vực công và tư.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)
Đây là một cơ chế độc đáo nhằm thúc đẩy các giải pháp công nghệ bền vững để tiếp cận các nhóm đối tượng chưa có hoặc ít có điều kiện tiếp cận dich vụ ngân hàng, đồng thời tăng cường tính hiệu quả và an ninh tài chính tại Việt Nam”.
Trước đó, năm 2018 là năm đầu tiên mà cuộc thi FCV được tổ chức và đã thu hút được sự quan tâm lớn với 141 hồ sơ của các công ty Fintech trong nước và nước ngoài đến từ hơn 30 quốc gia trên thế giới tham gia.
Đáng chú ý, Quán quân FCV 2018 - Công ty Weezi Digital (Việt Nam) đã cung ứng giải pháp sinh trắc học về nhận diện khuôn mặt cho Tập đoàn VinGroup, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) và sắp tới sẽ kí hợp đồng chính thức với VietinBank.
Công ty Instant.vn hợp tác với Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank) với giải pháp cho vay trực tuyến không cần tài sản thế chấp; Công ty Enable Code hợp tác với BIDV...
Điểm mới trong cuộc thi FCV 2019
Với chủ đề "Hỗ trợ chuyển đổi số của các TCTD hướng tới nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng – tài chính tại Việt Nam", FCV 2019 tập trung vào các giải pháp để giải quyết các ba vấn đề chính gồm: Giải pháp giải quyết các vấn đề và thách thức từ lĩnh vực an ninh mạng; Công nghệ, giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big data analytics) phục vụ đánh giá, chấm điểm tín dụng cho hoạt động cho vay cá nhân, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (SMEs), qua đó thu hút mở rộng khách hàng; Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng – tài chính.
Điểm mới của cuộc thi FCV 2019 năm nay là các công ty Fintech trong nước và nước ngoài tham gia được chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm sẽ có ba giải thưởng (nhất - nhì - ba).
Nhóm dành cho các công ty Fintech giai đoạn đầu (early stage Fintech): Mục tiêu nhằm tìm kiếm mô hình kinh doanh giai đoạn đầu có khả năng đáp ứng nhu cầu từ thị trường.
Nhóm dành cho các công ty Fintech trưởng thành (mature stage Fintech): Mục tiêu là tìm kiếm các giải pháp xác thực (các công ty Fintech trưởng thành có nguồn doanh thu được chứng minh với một thị trường nhất định) nhằm giải quyết các thách thức kinh doanh được đề cập trong "Báo cáo vấn đề" của doanh nghiệp đối tác tại Việt Nam.
Ông Thomas Moves và ông Nghiêm Thanh Sơn trả lời câu hỏi tại buổi hợp báo (Ảnh: SBV).
Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, các ứng viên dự thi chung kết của cuộc thi ngoài giải thưởng từ ban tổ chức còn có cơ hội được làm việc trực tiếp với "cố vấn" từ các ngân hàng thương mại thông qua "giai đoạn ươm mầm" đặc biệt.
Trong giai đoạn ươm mầm, các cố vấn sẽ tư vấn cho các đội thi chung kết cách thức điều chỉnh, nâng cao và phát triển sâu hơn các giải pháp Fintech nhằm hỗ trợ phát triển giải pháp này.
Ngoài ra, các ứng viên lọt vào vòng chung kết cũng sẽ có cơ hội trao đổi với các nhà quản lí tài chính, các nhà đầu tư, các chuyên gia IT, ... Đồng thời, tạo sự kết nối mạnh mẽ cho cộng đồng quan tâm đến các giải pháp của mình, từ đó giúp các công ty Fintech thương mại hóa giải pháp của mình ra thị trường.
Còn theo ông Thomas Moves, Cố vấn Fintech cao cấp ADB, giải pháp của các công ty Fintech được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí với trọng số 25%. Bao gồm: sự phù hợp, tính sáng tạo, sự rõ ràng và độ tin cậy.
Các tiêu chí trên nhằm trả lời cho các câu hỏi: Giải pháp có giải quyết được vấn đề đã chọn không? Giải pháp có phải là duy nhất so với các sản phẩm hiện có hay không? Có mô hình kinh doanh bền vững không? Có khả năng triển khai giải pháp của mình không?