Gần 400 con trâu bò chết rét, Bắc Kạn gặp khó trong chi trả hỗ trợ người dân vì... không có nguồn

Chiến Hoàng Thứ sáu, ngày 25/02/2022 10:43 AM (GMT+7)
Phần lớn người dân có vật nuôi bị chết do rét đậm rét hại từ năm 2021 đến nay tại Bắc Kạn vẫn chưa nhận được hỗ trợ rủi ro. Nguyên nhân do tỉnh này chưa cân đối được nguồn để chi trả.
Bình luận 0

Ngày 23/2, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, hiện tỉnh Bắc Kạn đang rà soát lập danh sách thiệt hại do đợt rét đậm, rét hại gây ra để thực hiện hỗ trợ rủi ro theo quy định.

Bắc Kạn: Khó khăn trong hỗ trợ rủi ro sau rét đậm, rét hại - Ảnh 1.

Kiểm tra công tác phòng chống rét cho gia súc tại huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: UBND huyện Bạch Thông.

"Với vật nuôi, để được hỗ trợ, các địa phương cần rà soát từ cơ sở, lập biên bản xác định nguyên nhân, số con chết, sau đó họp xét hỗ trợ và có danh sách đề nghị hỗ trợ kèm theo tờ trình đề nghị hỗ trợ.

Trước đó chúng tôi đã có kế hoạch phòng, chống đói rét cho vật nuôi, tuyên truyền vận động đến người dân. Nếu vẫn không thực hiện che chắn, không đảm bảo thức ăn dẫn đến trâu, bò chết thì người dân phải chịu trách nhiệm, không làm khác được", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết thêm.

Theo bà Đỗ Thị Minh Hoa, thông thường, sau mỗi đợt thiên tai, phải mất từ 2-3 tháng mới có thể hoàn thiện mọi thủ tục hỗ trợ rủi ro cho người dân.

Bắc Kạn: Khó khăn trong hỗ trợ rủi ro sau rét đậm, rét hại - Ảnh 2.

Người dân tại huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn thực hiện che chắn, đảm bảo thức ăn, sưởi ấm cho đàn gia súc. Ảnh: UBND huyện Bạch Thông

Chiều 24/2, ông Nguyễn Đình Điệp, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết, tại huyện Pác Nặm đã có hơn 40 con trâu, bò bị chết rét do đợt rét đậm rét hại kéo dài từ ngày 19-24/2.

"Hiện đang trong đợt lạnh nên chúng tôi vẫn đang tiếp tục tổng hợp báo cáo từ các địa phương gửi về, và đây chỉ là số liệu báo cáo nhanh trong ngày. Còn để hỗ trợ rủi ro, Ban Chỉ đạo phòng chống rét cơ sở còn kiểm tra, xác minh, hết đợt rét, phòng chuyên môn mới thẩm tra", ông Điệp thông tin.

Bắc Kạn: Khó khăn trong hỗ trợ rủi ro sau rét đậm, rét hại - Ảnh 3.

Có một số nơi còn chủ quan trong việc che chắn, đảm bảo giữ ấm cho đàn gia súc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Ngân Sơn

Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm chia sẻ, trâu bò trong huyện bị chết do rét đậm, rét hại từ năm ngoái (năm 2021), hiện người dân vẫn chưa được hỗ trợ do chưa có tiền.

Theo ông Điệp, theo quy trình, địa phương gửi danh sách về Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính, Bộ cân đối có tiền cấp về cơ sở, cơ sở sẽ đưa về các địa phương để chi trả. Nếu địa phương nào có, có thể ứng trước để chi trả bằng nguồn dự phòng.

"Năm 2021, nguồn dự phòng của huyện tập trung hết cho công tác phòng, chống Covid-19 nên không có để ứng chi trả trước cho người dân trong khi rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện", ông Điệp bộc bạch.

Còn ông Nông Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết, năm 2021, người dân trên địa bàn cũng có thiệt hại do thiên tai, huyện đã tổng hợp báo cáo lên tỉnh. Huyện phải đợi nguồn dự phòng Trung ương nên đến nay chưa chi trả được cho người dân.

Bắc Kạn: Khó khăn trong hỗ trợ rủi ro sau rét đậm, rét hại - Ảnh 4.

Công tác chống rét cho đàn gia súc tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Phòng NNPTNT huyện Na Rì cung cấp

Bà Hoàng Thị Nguyệt, Trưởng phòng NNPTNT huyện Na Rì cho biết: "Từ lúc tôi làm ở Phòng NNPTNT đến nay chỉ thấy có năm 2008 là được hỗ trợ một lần, còn lại là không có nguồn để hỗ trợ. Tôi vẫn nhấn mạnh phải tăng cường công tác phòng chống rét cho vật nuôi thật tốt, chứ nếu để chết chỉ thiệt cho dân, vì nếu có được hỗ trợ cũng rất ít".

Còn bà Dương Thị Phương Quế, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết, huyện Ngân Sơn là địa phương có số trâu, bò chết rét nhiều nhất tỉnh Bắc Kạn trong đợt rét đậm rét hại này. Qua kiểm tra, rà soát, trên địa bàn huyện cũng có một số hộ trâu bò chết ngoài đồng.

"Có hộ chết những 4-5 con nhưng lại ngoài đồng, dù rất chia sẻ với người dân nhưng cũng đành chịu, không thể đưa vào danh sách hỗ trợ được. Có hộ 12-13 con nhưng do chuồng quá chật chội, trong khi nếu bán một con đi để đầu tư chuồng trại thì sẽ không để xảy ra việc trâu bò chết ngoài đồng như vừa rồi. Đây cũng là bài học rất cần rút kinh nghiệm", bà Quế nói.

Thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, tỉnh đến trưa 24/2, toàn tỉnh đã có 339 con vật nuôi (trâu, bò, ngựa, dê, lợn) chết rét. 

Trong đó, địa phương có số lượng vật nuôi chết rét nhiều nhất là huyện Na Rì (92 con), tiếp đến là các huyện Ngân Sơn (82 con), Bạch Thông (57 con) và huyện Pác Nặm (44 con)...

Chính quyền địa phương đã chỉ đạo người dân khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm "bốn tại chỗ", chủ động khắc phục hậu quả thiên tai, kiểm tra, chỉ đạo thống kê khắc phục các thiệt hại để cập nhật và báo cáo theo quy định.

Tính toán sơ bộ, tỉnh Bắc Kạn thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng do đợt mưa rét vừa qua (sạt lở đường giao thông tuyến, giao thông nông thôn, thủy sản, hoa màu…).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem