Gánh thuế từ Mỹ, xuất nhập khẩu Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 9

14/10/2019 13:00 GMT+7
Kim ngạch thương mại của Trung Quốc trong tháng 9 lại tiếp tục đà giảm do tác động tiêu cực to lớn từ chiến tranh thương mại.
Gánh thuế quan từ Mỹ, xuất nhập khẩu Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 9 - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất nhập khẩu Trung Quốc tiếp tục đà giảm trong tháng 9

Kim ngạch xuất khẩu tính bằng đồng NDT của Trung Quốc trong tháng 9 đã giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm tới 6,2% so với cùng kỳ, theo nguồn tin đăng tải trên tờ Reuters hôm 14/10.

Từ số liệu này, theo ước tính của các nhà phân tích Reuters, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 của Trung Quốc tính theo USD sẽ giảm tới 3% trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Reuters cũng đưa ra dự báo thặng dư thương mại Trung Quốc trên thị trường Mỹ trong tháng 9 có thể đạt 33,3 tỷ USD.

Hồi tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tính theo đồng NDT bất ngờ giảm 1% so với cùng kỳ năm 2018, mức giảm lớn nhất trong vòng 3 tháng trong bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài hơn 1 năm. Còn kim ngạch nhập khẩu thì giảm 5,6%, khiến cho thặng dư thương mại của thị trường này lên tới 34,83 tỷ USD, theo số liệu từ Tổng Cục Hải Quan.

Rõ ràng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ giảm tốc kinh tế rõ rệt khi mà căng thẳng Mỹ Trung chưa thực sự đi đến hồi kết. Hồi tuần trước, các quan chức thương mại hai nước đã gặp gỡ nhau trên bàn đàm phán tại Washington và nhất trí thông qua giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại. Nhưng nhiều nhà phân tích đã cảnh báo rằng giai đoạn 1 thỏa thuận chỉ giải quyết những căng thẳng nhỏ, không mang tính chất tranh cãi gay gắt, không phải mâu thuẫn cốt lõi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Do đó, chưa thể coi bước tiến bộ này là một dấu mốc có ý nghĩa quan trọng đáng kể trong tiến trình giải quyết xung đột Mỹ Trung. 

Thực chất, hồi tháng 4/2019, Mỹ và Trung Quốc cũng từng gần đạt đến một thỏa thuận toàn diện trước khi đàm phán đổ bể vào tháng 5, dẫn tới hàng loạt động thái leo thang trừng phạt thuế quan và hạn chế thương mại.

Nên nhớ rằng Mỹ chỉ đồng ý đình chỉ mức thuế tăng lên 30% với 250 tỷ USD hàng hóa vào 15/10. Còn mức thuế với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại có hiệu lực làm hai giai đoạn, từ 1/9 và 15/12 hiện vẫn giữ nguyên, theo tuyên bố của Đại diện Văn phòng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Một chi tiết khác, Mỹ vừa đưa thêm 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen cùng với Huawei ngay trước thềm đàm phán thương mại. Trong danh sách này không chỉ bao gồm 20 cơ quan trực thuộc Chính phủ Mỹ mà còn có 8 Doanh nghiệp Trung Quốc có vai trò quan trọng trong chiến lược Made in China 2025 của Chính quyền Tập Cận Bình. Made in China 2025 là chiến lược được công bố hồi năm 2015 nhằm đưa Trung Quốc vươn lên trở thành siêu cường công nghệ dẫn đầu thế giới bằng cách tập trung phát triển hàng chục ngành công nghiệp hàm lượng trí tuệ cao. 

Dù Mỹ tuyên bố hành động đưa 28 thực thể này vào danh sách đen chỉ nhằm mục đích cảnh báo và trừng phạt các chính sách vi phạm nhân quyền của Chính phủ Trung Quốc tại vùng Tây Cương, nhưng rõ ràng nó cũng khiến thị trường lo ngại về nguy cơ căng thẳng leo thang. Bằng chứng là phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng ngay sau đó đã lên tiếng cáo buộc Mỹ có “ý định độc ác” khi áp dụng danh sách đen. Ông này đồng thời đề nghị Chính phủ Mỹ ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ Trung Quốc và “sửa chữa sai lầm” bằng cách xóa tên 28 thực thể nêu trên khỏi danh sách đen.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục