Thỏa thuận tiền tệ sau đàm phán Mỹ Trung: “bước xuống thang” hoàn hảo cho Mỹ?

11/10/2019 16:03 GMT+7
Theo các chuyên gia, một thỏa thuận tiền tệ vào lúc này không có ý nghĩa gì hơn là một “bước xuống thang” cho Bộ Tài chính Mỹ sau sai lầm gọi Bắc Kinh là “kẻ thao túng tiền tệ” hồi tháng 8.

Thỏa thuận tiền tệ sau đàm phán Mỹ Trung: “bước xuống thang” hoàn hảo cho Mỹ

Đàm phán Mỹ Trung: triển vọng thỏa thuận tiền tệ gần kề - Ảnh 1.

Đàm phán Mỹ Trung có khả năng đi đến một thỏa thuận tiền tệ cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới

Theo các chuyên gia, một thỏa thuận tiền tệ vào lúc này không có ý nghĩa gì hơn là một “bước xuống thang” cho Bộ Tài chính Mỹ sau sai lầm gọi Bắc Kinh là “kẻ thao túng tiền tệ” hồi tháng 8. Chưa rõ thỏa thuận tiền tệ sẽ có nội dung cụ thể ra sao, nhưng dự kiến vấn đề cốt lõi của nó sẽ là một cam kết từ Bắc Kinh và Washington trong việc kiềm chế phá giá tiền tệ để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh. Thực chất, cả Mỹ và Trung Quốc đã cam kết như vậy từ lâu, trong khuôn khổ các cuộc họp của nhóm G20 - 20 nền kinh tế lớn trên thế giới.

“Về bản chất, tôi không thấy bất cứ động lực nào trong thỏa thuận tiền tệ đủ để gây ra sự thay đổi đáng kể ở tỷ giá USD/NDT hiện nay” - Reuters trích lời ông Mark Sobel, cựu quan chức của Bộ Tài chính, hiện là chủ tịch Diễn đàn các tổ chức tài chính và tiền tệ có trụ sở tại London.

Ông Sobel cũng chia sẻ rằng Trung Quốc từ lâu đã công khai các dữ liệu tài chính tiền tệ, và dựa trên đánh giá những số liệu này thì việc chỉ trích nước này “thao túng tiền tệ” là hoàn toàn không có cơ sở.

Do đó, trong trường hợp được thông qua, thỏa thuận tiền tệ sẽ cho phép Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố vấn đề thao túng tiền tệ của Bắc Kinh đã được giải quyết, và điều này sẽ được đưa vào báo cáo tài chính nửa năm mà Bộ này sắp công bố vào tuần tới.

Đồng tình với Mark Sobel, ông Myron Brilliant - chuyên gia phụ trách các vấn đề quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ thì lạc quan rằng một thỏa thuận tiền tệ vào lúc này có thể mở đường cho việc Mỹ đình chỉ kế hoạch tăng thuế với 250 tỷ USD hàng hóa lên 30% vốn được Trump ấn định vào 15/10.

Nguồn tin từ một quan chức Mỹ của Reuters cũng xác nhận thỏa thuận tiền tệ có thể sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán, nhưng vẫn còn quá sớm để chính thức tiết lộ điều gì. Dù sao thì đây cũng là một dấu hiệu tích cực trong vòng đàm phán thương mại Mỹ Trung đang diễn ra tại Washington.

Hồi tháng 2/2019, phía Bắc Kinh gần như đã thống nhất các điều khoản thỏa thuận tiền tệ với Washington trước khi đàm phán thương mại toàn diện đổ bể vào tháng 5 khiến Tổng thống Donald Trump giận dữ đưa ra hàng loạt sự trừng phạt thuế quan áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Các thỏa thuận tiền tệ đã không có thêm tiến triển gì từ đó đến nay.

Thỏa thuận tiền tệ: “lợi đủ đường”

Đàm phán Mỹ Trung: triển vọng thỏa thuận tiền tệ gần kề - Ảnh 4.

“Đây là thời điểm tuyệt vời để hai bên đi tới những nhận thức chung về việc duy trì tỷ giá USD/NDT ổn định"

Bộ trường Tài chính Steven Mnuchin từ lâu đã yêu cầu Trung Quốc tăng tính minh bạch trong các hoạt động can thiệp vào thị trường tiền tệ, từ đó duy trì một tỷ giá NDT ổn định. Hồi tháng 8/2019, sau hàng loạt căng thẳng thương mại, tỷ giá NDT lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ đã xuyên ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD. Bộ Tài chính Mỹ và Tổng thống Donald Trump ngay sau đó vội vàng chỉ trích Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ”.

Nhiều chuyên gia tài chính và cả quỹ tiền tệ Quốc tế IMF đều đi ngược lại chỉ trích của Bộ Tài chính. Họ cho rằng sự thay đổi tỷ giá đồng NDT là hoàn toàn phù hợp với diễn biến thị trường. Các dữ liệu từ Bắc Kinh cũng chỉ ra điều đó.

Ông Eswar Prasad, cựu giám đốc phụ trách các vấn đề Trung Quốc của IMF, hiện là giáo sư thương mại tại Đại học Cornell nhận định: “Đây là thời điểm tuyệt vời để hai bên đi tới những nhận thức chung về việc duy trì tỷ giá USD/NDT ổn định, dù điều này đi ngược lại chính sách tỷ giá thả nổi của cả hai quốc gia trong dài hạn”. Việc ổn định tỷ giá sẽ giúp đảm bảo với Mỹ rằng sự mất giá đồng NDT hiện tại không làm giảm đi tính trừng phạt của các mức thuế quan, đồng thời giúp Trung Quốc giảm rủi ro thoát vốn khi các nhà đầu tư lo ngại cố gắng làm suy yếu đồng NDT.

Cùng với đó, một thỏa thuận tiền tệ nhỏ sẽ giúp căng thẳng thương mại Mỹ Trung tạm thời xuống thang, nhờ đó ổn định tâm lý thị trường và tạo ra những chuyển biến tích cực trong nền kinh tế, theo ông Eswar Prasad.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục