Gặp nghệ nhân giữ hồn nghề làm mặt nạ giấy ở phố cổ Hà Nội

Bích Thuận Chủ nhật, ngày 14/08/2022 08:51 AM (GMT+7)
Hơn 40 năm gắn bó với nghề, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Giang là những nghệ nhân ở Hà Nội còn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống.
Bình luận 0

Clip giới thiệu về nghề làm mặt nạ giấy ở phố cổ Hà Nội. Thực hiện: Bích Thuận - Thảo Quyên.

Mặt nạ giấy bồi từng là món đồ yêu thích của trẻ em Hà thành mỗi dịp trung thu. Đến nay, những chiếc mặt nạ bằng giấy thủ công đang dần biến mất, thay vào đó là những món đồ chơi hiện đại khiến cho nghề làm mặt nạ giấy bồi dần trở nên mai một.

Ở Hà Nội, hiện có vợ chồng nghề nhân ông Nguyễn Văn Hòa (67 tuổi) và bà Đặng Hương Lan (63 tuổi) còn giữ nghề truyền thống làm mặt nạ giấy bồi.

Cả đời gắn bó bên những chiếc mặt nạ giấy

Trong một căn nhà nhỏ, nằm sâu trong dãy hành lang của căn tập thể cũ thuộc phố Hàng Than, bà Đặng Hương Lan ( 63 tuổi) đang cặm cụi sơn màu cho những chiếc mặt nạ giấy bồi. Trong căn phòng gác mái diện tích chưa đến 30m2 xếp đầy ắp những chiếc mặt nạ với những hình thù khác nhau. Có chiếc đã hoàn thiện, có chiếc vẫn đang làm dở, có những chiếc mặt nạ đang phơi nắng chuẩn bị cho lần tô sơn tiếp theo.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Lan chia sẻ, làm mặt nạ giấy là nghề gia truyền của gia đình bà. Từ khi còn bé, bà đã được ông, cha dạy cho cách tô màu mặt nạ, cách bồi keo, dán giấy, làm những chiếc mặt nạ đầy màu sắc. Sau này lớn lên, niềm đam mê làm mặt nạ giấy ngày một lớn dần, bà quyết định nối nghiệp ông cha, thấm thoát mới đó đã qua hơn 40 năm.

Gặp nghệ nhân duy nhất giữ hồn nghề làm mặt nạ giấy ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 1.

Bà Lan tỉ mẩn trong từng nét bút tô màu cho mặt nạ. Ảnh: Thảo Quyên.

"Ngày xưa tôi làm công chức, nên rảnh lúc nào tranh thủ làm mặt nạ lúc đó. Sau này nghỉ hưu rồi mới có thể dành toàn thời gian để làm mặt nạ. Mỗi ngày hai vợ chồng túc tắc làm được vài ba chiếc mặt nạ. Làm cái này chủ yếu vì đam mê và để nghề gia truyền không bị mai một, chứ không đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình được", bà Lan bộc bạch.

Mỗi chiếc mặt nạ được bán với giá dao động từ 30.000 - 50.000 đồng. Mỗi ngày vợ chồng bà chỉ làm được từ 3-5 chiếc, cũng chính vì vậy nguồn thu nhập từ làm mặt nạ không cao. Tuy vậy, vì yêu nghề nên bà vẫn nhất quyết theo đến cùng.

Để hoàn thành một chiếc mặt nạ giấy, đòi hỏi người nghệ nhân phải thật tỉ mẩn. Mỗi chiếc mặt nạ phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau từ đắp khuôn đến tô màu. Công đoạn nào cũng khó, cần sự kiên nhẫn và tỉ mỉ rất cao.

Gặp nghệ nhân duy nhất giữ hồn nghề làm mặt nạ giấy ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 2.

Những chiếc mặt nạ được tô bằng sơn do chính tay bà Lan tự pha. Ảnh: Thảo Quyên.

Bà Lan cho biết, mỗi dáng mặt nạ sẽ có một khuôn riêng. Hiện tại hai vợ chồng bà có đến hơn 30 chiếc khuôn mặt nạ khác nhau, phần lớn là khuôn gia truyền, có một số khuôn là vợ chồng bà tự sáng tạo ra hoặc làm theo yêu cầu của các bạn nhỏ.

Lúc xé giấy, bồi keo phải thật cẩn thận, chỉ sai sót một chút thôi thì mặt nạ sẽ không được căng, mịn. Mỗi chiếc mặt nạ được bồi từ 4-5 lớp giấy vụn. Khi đã bồi đủ giấy, mặt nạ sẽ được mang đi phơi khô dưới ánh nắng tự nhiên chứ không dùng máy sấy để tránh bị nhăn.

Để mỗi chiếc mặt nạ được đều và đẹp, quá trình tô màu cũng phải chia ra từng công đoạn nhỏ, tô từng màu riêng, mỗi màu lại phải tô đi tô lại nhiều lần. Sau khi tô xong mặt nạ sẽ được mang ra phơi, đợi khô rồi mang ra tô tiếp màu mới. Để giữ được họa tiết mặt nạ hoàn chỉnh những nghệ nhân phải vẽ rồi lại phơi hàng chục lần.

Gặp nghệ nhân duy nhất giữ hồn nghề làm mặt nạ giấy ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 3.

Những chiếc mặt nạ mỗi lần tô được 1 lớp sơn sẽ được mang ra phơi để tránh bị nhuốm màu. Ảnh: Thảo Quyên.

Nét vẽ đơn sơ, giản dị, từng chiếc mặt nạ làm đến đâu, cháy hàng đến đó, nhưng gia đình ông, bà vẫn kiên trì theo quan niệm quan trọng chất lượng, không chạy theo số lượng. Chính vì vậy, bà Lan không bày gian hàng bán ở ngoài, thi thoảng những ngày lễ tết hay trung thu hai vợ chồng bà mới mang mặt nạ ra ngồi bán ở số 81 Hàng Lược.

Bà Lan chia sẻ: "Nhà tôi tận sâu trong ngõ như vậy nhưng vẫn có du khách và người dân tìm đến để đặt mua mặt nạ. Có nhiều trường tiểu học họ dẫn học sinh đến tham quan, trải nghiệm quá trình tô màu lên mặt nạ cốt trắng, cho các con biết về một nghề truyền thống tốt đẹp. Những lúc như vậy vợ chồng tôi vui lắm, mong rằng điều này sẽ giúp cho nghề làm mặt nạ giấy không bị lãng quên". 

Trăn trở nỗi lo nghề mai một

Mặt nạ giấy bồi từng là món đồ chơi rất được yêu thích của trẻ em Hà thành mỗi dịp trung thu. Đến nay, cuộc sống đổi thay muôn hình vạn trạng, khiến những chiếc mặt nạ giấy bồi đang dần biến mất. Hiện còn lại vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan là những nghệ nhân cuối cùng còn "sót" lại.

Trải qua hơn 40 năm gắn bó với nghề, vợ chồng ông bà Hòa – Lan đã chứng kiến biết bao sự biến thiên, từ thời hoàng kim nơi nơi làm mặt nạ đến lặng nhìn một nghề truyền thống dần dần biến mất, thay vào đó là những chiếc mặt nạ bằng nhựa của Trung Quốc du nhập vào nước ta.

"Ngày xưa khi mặt nạ của Trung Quốc nhập về đây, mặt nạ giấy của mình không còn được người dân ưa chuộng nữa. Bán không được hàng làm mọi người cũng nản, dần bỏ nghề, có mỗi nhà tôi là vẫn cố gắng vượt qua. Hai vợ chồng thời điểm đó cũng phải chật vật lắm mới giữ được cái nghề truyền thống đến bây giờ", bà Lan bồi hồi nhớ lại.

Gặp nghệ nhân duy nhất giữ hồn nghề làm mặt nạ giấy ở phố cổ Hà Nội - Ảnh 5.

Những chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống được làm hoàn toàn thủ công. Ảnh: Thảo Quyên.

Khó khăn cạnh tranh kết hợp với việc nghề cũng rất "kén" người làm, vì vậy rất hiếm có người theo nghề được lâu dài. Bà Lan chia sẻ, ngày trước cũng có một nhóm người đến đây xin học nghề, nhưng họ chỉ quan tâm đến số lượng hơn chất lượng, vì vậy hai vợ chồng ông bà không đồng ý dạy. 

Sau này phát hiện trên thị trường có loại mặt nạ trông gần giống với mặt nạ nhà mình bà mới vỡ lẽ mình bị "ăn cắp" nghề. Không dừng lại ở đó, những chiếc mặt nạ của vợ chồng bà còn được bán trộn lẫn với những chiếc mặt nạ "nhái", mặc dù chất lượng và màu sắc khác nhau nhưng vẫn lấy tên của vợ chồng bà để bán.

Cầm trên tay chiếc cọ bút chăm chú tô miệng cho mặt nạ, bà Lan chia sẻ thêm: "Nghề này ít người làm được lắm, cho dù làm được trông cũng xấu, không nắm được hồn cốt của mặt nạ, làm vài năm thì cũng sẽ nản thôi. Nghề này đối với tôi có nhiều ý nghĩa lắm, vì vậy tôi sẽ chỉ nhận dạy cho những người thật sự tâm huyết với nghề, thật sự yêu nghề, chỉ có như thế nghề làm mặt nạ giấy bồi mới có thể gìn giữ được lâu dài".



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem