GDP/người của Việt Nam có thể đạt trên 101 triệu đồng vào năm 2023
Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước đạt mục tiêu tăng khoảng 6,5% so với năm 2022, GDP bình quân/người đạt khoảng 4.400 USD/năm (tương đương 101,2 triệu đồng/năm, khoảng 8,4 triệu đồng/tháng).
Tỷ trọng công nghệ chế biến, chế tạo trong GDP có thể đóng góp khoảng 25,4-25,8%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức bình quân 4,5% và tốc độ tăng năng suất lao động khoảng 5-6%.
Về dự toán ngân sách Nhà nước, năm 2023, dự toán thu khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chi là hơn 2,06 triệu tỷ đồng, bội chi ngân sách là 4,42% (khoảng 455.500 tỷ đồng), dư nợ công đến hết năm 2023 đạt khoảng 44-45% GDP.
Về chi của ngân sách trung ương và địa phương, theo dự toán, năm 2023 chi đầu tư phát triển là hơn 383.400 tỷ đồng, chiếm 36,3%; chi thường xuyên là hơn 515.200 tỷ đồng, chiếm gần 49% tổng chi ngân sách, chi trả nợ là gần 103.000 tỷ đồng, chiếm gần 9,7% chi ngân sách, trong đó chi cải cách tiền lương, hưu trí, trợ cấp an sinh là hơn 12.500 tỷ đồng, chiếm 1,2% tổng chi ngân sách.
Theo Bộ Tài chính, năm 2023 sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Về một số giải pháp chủ yếu, theo dự toán, năm 2023 ngành tài chính sẽ tập trung điều hành chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả, kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, bảo đảm mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ; Chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
Năm 2022, theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tài chính, đến ngày 15/12/2022, thu NSNN đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với đánh giá thực hiện cả năm đã Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10, 11/2022). Trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán. Tổng số chi NSNN đến ngày 15/12/2022 ước đạt xấp xỉ 1.450 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán; trong đó chi đầu tư đạt 72,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 88,1% dự toán; bội chi NSNN (bao gồm Chương trình phục hồi) thực hiện phấn đấu khoảng 4% GDP.