Giá dầu lao dốc gần 1% do đại dịch Covid-19 đe dọa triển vọng phục hồi nhu cầu
Thị trường dầu mỏ chịu áp lực giao dịch ảm đạm trong phiên đầu tuần sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn gọi là OPEC+, bắt đầu nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng và số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh đã khiến nhu cầu dầu phục hồi chậm hơn.
Theo kế hoạch, OPEC+ dự kiến sẽ bơm thêm khoảng 1,5 triệu thùng dầu/ngày vào nguồn cung toàn cầu trong tháng 8/2020.
Giá dầu Brent đã leo dốc tháng thứ tư và giá dầu WTI tăng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7/2020, sau đợt giảm sâu trong tháng 4 trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đều áp đặt các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan. Giá dầu Brent dao động trong khoảng từ 41 - 45 USD/thùng trong tháng 7.Cụ thể, giá dầu Brent tương lai giảm 36 xu Mỹ, tương đương 0,8%, xuống 43,16 USD/thùng, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng mất 46 xu Mỹ, tương đương 1,1%, giao dịch ở mức 39,81 USD/thùng.
Hiroyuki Kikukawa - phụ trách bộ phận nghiên cứu tại Nissan Securities, nhận định: “Các nhà đầu tư hiện lo ngại về tình trạng dư cung khi OPEC+ bắt đầu hạn chế các mức cắt giảm sản lượng trong tháng này.
Bên cạnh đó, sự phục hồi của giá dầu từ các mức thấp kỷ lục có thể thúc đẩy các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ gia tăng sản lượng.
Theo chuyên gia Hiroyuki Kikukawa này, giá “vàng đen” hiện đang chịu sức ép suy yếu bởi những lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến tại nhiều nước trên thế giới.
Giá dầu được dự báo phục hồi trong những tháng cuối năm sau khi lao dốc trong quý I khi nhu cầu tăng trở lại, mặc dù làn sóng dịch Covid-19 thứ hai có thể làm chậm đà đi lên của “vàng đen”, theo kết quả cuộc thăm dò của Reuters công bố ngày 31/7.
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bang Victoria của Australia ngày 2/8 tuyên bố tình trạng thảm họa, trong khi đó chính phủ Philippines cho biết họ sẽ tái áp đặt lệnh phong tỏa thủ đô Manila từ ngày 4/8 do số người nhiễm tăng vọt lên ngưỡng hơn 100.000 ca.
Về nguồn cung, sản lượng dầu của OPEC đã tăng hơn 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7, trong khi sản lượng dầu của Nga trong cùng thời điểm không thay đổi so với tháng 6.
Bộ Năng lượng Nga hôm 2/8 cho biết Nga đã không đạt mục tiêu cắt giảm sản lượng theo cam kết với OPEC+ khi sản lượng dầu và khí ngưng tụ của nước này đã tăng vượt hạn ngạch theo thỏa thuận trong tháng 7.
Bắt đầu từ tháng này, thỏa thuận cắt giảm nguồn cung giữa Nga và OPEC+ sẽ hết hạn. Theo thỏa thuận, Moscow cam kết cắt giảm sản lượng xuống khoảng 8,5 triệu thùng dầu/ngày trong giai đoạn tháng 5 - 7/2020 nhằm hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, hãng tin Interfax dẫn các số liệu chính thức cho hay, sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga trong tháng 7/2020 đã tăng lên 9,37 triệu thùng dầu/ngày, so với mức 9,32 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 6/2020.
Trong khi đó, các công ty dầu mỏ Mỹ tiếp tục giảm mạnh hoạt động khai thác với số lượng giàn khoan giảm tháng thứ 5 liên tiếp, mặc dù tháng 7 đánh dấu mức giảm hàng tháng thấp nhất.