Giá gas tăng 157.500 đồng/bình 45 kg, vượt 500.000 đồng/bình từ hôm nay

P.V Thứ ba, ngày 01/03/2022 08:59 AM (GMT+7)
Giá gas thế giới nhập khẩu tăng mạnh kéo theo giá gas trong nước tăng theo từ ngày 1/3. Mức tăng phổ biến là 42.000 đồng đối với mỗi bình gas 12 kg.
Bình luận 0

Ngày 28/2, các doanh nghiệp kinh doanh gas cho biết giá gas bán lẻ trong nước sẽ tăng trở lại trong ngày đầu tháng 3. Đây là lần tăng thứ 2 từ đầu năm đến nay.

Ông Lê Quang Tuấn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro), các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp tăng 3.500 đồng/kg, bình 6 kg tăng 21.000 đồng, bình 12 kg tăng 42.000 đồng, 157.500 đồng/bình 45 kg và 175.000 đồng/bình 50 kg.

"Các sản phẩm gas Pacific, Vimexco Gas và City Petro đều tăng. Theo đó, mức giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không vượt quá 524.500 đồng/bình 12 kg, 1.965.000 đồng/bình 45 kg, 2.184.500 đồng/bình 50 kg...", ông nói.

Giá gas tăng 157.500 đồng/bình 45 kg, vượt 500.000 đồng/bình từ hôm nay - Ảnh 1.

Theo Công ty Saigon Petro (SP gas) , giá gas thế giới nhập khẩu theo hợp đồng (CP) tháng 3 vừa chốt ở mức 907,7 USD/tấn, tăng 132,5 USD/tấn so với tháng 2. Do đó, giá gas bán lẻ trong nước cũng điều chỉnh tăng tương ứng là 3.500 đồng/kg, tương đương 42.000 đồng/bình 12 kg.

Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng gas SP được công bố ở mức 502.000 đồng/bình 12 kg, cao nhất từ trước đến nay. Đây là giá gas bình màu xám, các vỏ bình màu đỏ, vàng, xanh… còn có giá cao hơn từ 20.000 - 50.000 đồng/kg nên thực tế một số thương hiệu gas đổi cho người tiêu dùng sẽ xấp xỉ mức 600.000 đồng/bình.

Thông lệ vào ngày cuối cùng của tháng, các công ty gas đầu mối căn cứ vào giá gas CP chốt cho tháng tới sẽ thông báo giá bán lẻ, đa phần các công ty đều có sự điều chỉnh xấp xỉ nhau. Tuy nhiên, giá bán cuối cùng đến người tiêu dùng có sự chênh lệch tùy theo đăng ký của các doanh nghiệp cũng như chi phí dịch vụ khác nhau.

Giá xăng, dầu, gas tăng lên mức cao làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, các ngành vận tải, sản xuất. Điều này sẽ kéo theo giá hàng hóa thiết lập mặt bằng mới, tạo áp lực lên lạm phát trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa trở lại và phục hồi kinh tế.

Ngày 28/2, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI (lạm phát) 2 tháng đầu năm nay tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 4 yếu tố làm tăng lạm phát trong 2 tháng đầu năm 2022, đó là giá xăng dầu, giá gas, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở (vật liệu xây dựng), và giá gạo, đồng loạt tăng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem