Giá gia cầm hôm nay 30/4: Gà, vịt chững giá, vì sao giá sản phẩm gia cầm luôn dưới giá thành sản xuất?

Chủ nhật, ngày 30/04/2023 10:28 AM (GMT+7)
Giá gia cầm hôm nay 30/4 tại các vùng không có biến động, các trại tiêu thụ gà, vịt khá chậm. Trong vài năm gần đây, người chăn nuôi phải bán giá sản phẩm gia cầm dưới giá thành sản xuất. Điều này thể hiện rõ nhất trong năm 2022, đặc biệt ở quý 4/2022 và quý I/2023, dẫn đến người chăn nuôi đang bị thua lỗ nặng.
Bình luận 0
Giá gia cầm hôm nay 30/4: Gà, vịt chững giá, vì sao giá sản phẩm gia cầm luôn dưới giá thành sản xuất? - Ảnh 1.

Cập nhật giá gia cầm hôm nay, chúng tôi thấy giá gà công nghiệp hôm nay chững. Ảnh: HĐ

Giá bán sản phẩm gia cầm dưới giá thành sản xuất

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), các tháng đầu năm 2023, giá gà trắng trên cả nước dao động từ 17.000 -35.000 đồng/kg thịt hơi. Giá bình quân gà trắng từ đầu năm 2023 đến nay là 25.600 đồng/kg. Trong khi đó, thực tế, mức bình quân giá thành sản xuất thường rơi vào khoảng 29.000 đồng/kg.

Đồng thời, giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp trong các tháng đầu năm có nhiều biến động theo xu hướng giảm. Trong tháng 1/2023, giá duy trì 39.000-43.000 đồng/kg, đến tháng 2 giảm xuống còn 33.000 đồng/kg và tăng lên 38.000 đồng/kg trong tháng 3. Sau đó, giảm còn 26.000 đồng – 32.000 đồng/kg trong tháng 4.

Lý giải nguyên nhân của việc giá bán sản phẩm gia cầm dưới giá thành sản xuất, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, do nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng rất cao do các vấn đề về xung đột của các nước, tác động của COVID-19, vấn đề bảo hộ sản xuất trong nước của một số quốc gia,…Những điều này đã đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng lên.

Thứ nữa là do sức sản xuất trong nước của nước ta hiện nay rất lớn. Năm 2022, chúng ta nhập khẩu 3,4 triệu con gia cầm giống ông bà, với tỷ lệ nhân giống cao nên đàn gia cầm tăng nhanh về đầu con và sản phẩm. Trong đó với sản phẩm gia cầm, sản lượng thịt hơi gia cầm trong giai đoạn 2018-2022 tăng bình quân hàng năm 17,63%, đối với gà trên 18%. 

Trong khi đó, sức tiêu dùng của 100 triệu dân ở trong nước có hạn do các bếp ăn tập thể, du lịch,…giảm xuống, khó khăn về việc làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nên sức tiêu dùng hạn chế, dẫn đến cung lớn hơn cầu, kéo giá sản phẩm xuống.

Ngoài ra, thực tế, hiện nay, sản xuất của người dân đang chịu áp lực cạnh tranh của sản phẩm gia cầm nhập khẩu khi trong 5 năm gần đây, riêng sản lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục (trên 15%), chiếm 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. 

Bên cạnh các sản phẩm thịt gà nhập khẩu chính ngạch, hàng năm, một khối lượng lớn gà sống đẻ loại thải được nhập tiểu ngạch, theo ước tính của các chuyên gia khoảng 200.000-250.000 tấn/năm.

Riêng năm 2022, gà sống nhập khẩu vào Việt Nam dùng để giết mổ 6.603 tấn thịt, tăng 100,8%; thịt gia cầm qua giết mổ nhập khẩu về Việt Nam là 24.662,1 tấn, tăng 9,6% so với năm 2021.

"Điều này gây sức ép rất lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm, gây khó khăn trong việc bán sản phẩm gia cầm của các doanh nghiệp nội, người chăn nuôi trong nước.

Không chỉ vậy, một thực tế hiện nay, các doanh nghiệp nội và nông hộ chăn nuôi gia cầm của nước ta tiếp tục chịu sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI khi đây là những “ông lớn khổng lồ” vốn có thế mạnh về vốn, quản trị. 

Khi số lượng nông hộ chăn nuôi giảm mạnh do thua lỗ trong thời gian qua thì các doanh nghiệp FDI vẫn đang mở rộng chăn nuôi tại Việt Nam và hiện đã chiếm áp đảo về sản lượng gà thịt xuất chuồng. Điều này thêm một phần gây sức ép hơn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước khi cạnh tranh với các “ông lớn”, ông Chinh khẳng định.

Chính vì vậy, để giảm giá thành sản xuất, tạo lợi nhuận cho người chăn nuôi gia cầm ở trong nước, giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, theo ông Tống Xuân Chinh về giải pháp trước mắt, cần phát huy vai trò của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam. Đó là chúng ta tăng cường liên kết, phối hợp trong nội khối của hệ thống chăn nuôi gia cầm. 

Từ người bán giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến, phân phối phải cùng liên kết với nhau theo chuỗi giá trị để thông qua sự liên kết đó đảm bảo đầu vào được giảm xuống, ít nhất trên 10%, sau đó, để đảm bảo ở khâu đầu ra. Theo ông Chinh, đây là yếu tố quan trọng nhất và khả thi nhất có thể thực hiện được ngay lúc này.

Ông Chinh cũng cho biết thêm, ngoài kiểm soát của Hiệp hội, Bộ NNPTNT cần chỉ đạo làm sao tăng cường liên kết sản xuất, đặc biệt đối với các tổ, đội, hợp tác xã,…Để làm sao các chuỗi giá trị này phải cùng với các doanh nghiệp dẫn dắt bà con nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn, bán hàng theo tiêu chuẩn, đặc biệt là đảm bảo khâu thu mua sản phẩm cho bà con nông dân.

Một giải pháp cũng không kém phần quan trọng, đó là theo ông Chinh, chúng ta phải tăng cường kiểm soát sản phẩm gia cầm nhập khẩu để giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm gia cầm. 

"Tất nhiên, chúng ta phải tuân thủ các quy định của các FTA mà Việt Nam là thành viên đã ký kết, tuy nhiên, chúng ta có điều kiện để xây dựng các hàng rào kỹ thuật, làm sao để chúng ta kiểm soát chặt chẽ sản phẩm gia cầm không đáp ứng được yếu tố về an toàn thực phẩm, có nguy cơ rủi ro về sức khỏe cho con người để chúng ta bảo hộ cho sản xuất. Ngoài ra, là các vấn đề liên quan đến đất đai, thuế,…cần có lộ trình lâu dài để giải quyết những vấn đề này", đại diện Cục Chăn nuôi nói.

Giá gà công nghiệp chững lại

Tìm hiểu giá gà tại các vùng, chúng tôi thấy giá gà công nghiệp lông trắng có dấu hiệu chững lại.

Giá gà trắng loại đẹp trên 3kg/con bán tại các trang trại miền Bắc khoảng 30.000 đồng/kg. Theo nhiều người nuôi, với giá 30.000 đồng/kg, các trại giữ được đàn, hao hụt ít có thể hòa vốn.

Tại các vùng phía Nam, giá gà lông trắng ở mức thấp hơn, có trại bán gà đẹp mới được trên 24.000 đồng/kg.

Giá gà lông màu nuôi công nghiệp bán tại trại ở các vùng Bình Phước, Đồng Nai khoảng 38.000 đồng đến 39.000 đồng/kg.

Giá gà ta nuôi bán công nghiệp khoảng 50.000 đồng/kg.

Giá gà mía Sơn Tây nuôi trên 4,5 tháng bán ở các trại tại Hà Nội, Hà Nam khoảng trên 75.000 đồng/kg.

Giá vịt thịt mỗi nơi một kiểu

So với giá vịt trắng siêu thịt ở các vùng, chúng tôi thấy giá vịt dòng Cherry ở các tỉnh phía Nam vẫn cao nhất cả nước, có trại bán vịt đẹp được 41.000 đồng/kg (vịt hơi).

Giá vịt bơ bán tại các vùng miền Bắc như Hà Nội, Hà Nam... phổ biến khoảng từ 30.000 đồng đến 34.000 đồng/kg, tùy size vịt.

Giá gia cầm hôm nay 30/4: Gà, vịt chững giá, vì sao giá sản phẩm gia cầm luôn dưới giá thành sản xuất? - Ảnh 3.

Giá vịt thịt ở các vùng phía Nam vẫn ở mức khá cao. Ảnh: HĐ

Giá vịt xiêm bán buôn khoảng trên dưới 65.000 đồng/kg.

Giá vịt đẻ thải loại bán trên 70.000 đồng/con.

Giá vịt trời từ 75.000 đồng đến 85.000 đồng/con.

Giá ngan mái trắng loại trên 2,6kg/con bán trên 60.000 đồng/kg; giá ngan trống già trên 75.000 đồng/kg.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem