Giá gia cầm hôm nay 7/4: Gà, vịt bán chậm, cách giúp giảm tỷ lệ chết sớm ở gà mới nuôi

Thứ sáu, ngày 07/04/2023 10:45 AM (GMT+7)
Khảo sát giá gia cầm hôm nay 7/4 tại các vùng, chúng tôi thấy giá gà, vịt ít biến động, việc tiêu thụ các mặt hàng khá chậm. Theo các chuyên gia chăn nuôi, gà mới thả nuôi thường có tỷ lệ chết cao nên bà con phải có biện pháp chăm sóc phù hợp với giảm thiểu được thiệt hại.
Bình luận 0
Giá gia cầm hôm nay 7/4: Gà, vịt bán chậm, cách giúp giảm tỷ lệ chết sớm ở gà mới nuôi - Ảnh 1.

Cập nhật giá gia cầm hôm nay chúng tôi thấy giá vịt thịt tại các vùng phía Nam vẫn cao hơn ở miền Bắc. Ảnh: HĐ

Giá vịt hôm nay tại các vùng phía Nam vẫn cao nhất cả nước

Tại các vùng Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước... giá vịt bơ trắng (vịt hơi) bán buôn tại trại cho thương lái vẫn duy trì ở mức trên dưới 50.000 đồng/kg, tùy loại.

Giá vịt xiêm (ngan đen) bán được trên 70.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá vịt móc làm sạch đổ sỉ cho các đầu mối tiêu dùng khoảng trên 60.000 đồng/kg, vịt lỡ (vịt non) loại trên 1kg/con đã làm sạch bán trên 100.000 đồng đến 120.000 đồng/con.

Tại các vùng phía Bắc, giá vịt bơ loại trên 3,3kg/con bán buôn cao nhất chưa được 40.000 đồng/kg.

Giá vịt bầu phổ biến ở mức trên 35.000 đồng/kg.

Giá vịt cỏ nuôi 2 tháng bán khoảng 60.000 đồng/con.

Giá vịt trời ở mức trên 100.000 đồng/con.

Giá ngan trắng (ngan hơi) tùy loại khoảng trên 65.000 đồng/kg.

Giá gà dưới giá thành chăn nuôi

Theo ông Phạm Văn Minh ở Xuân Lộc (Đồng Nai), giá gà lông màu, gà lông trắng vẫn đang ở mức dưới giá thành chăn nuôi khiến người dân lỗ chồng lỗ.

Cụ thể, giá gà lông màu bán ra tại trại hiện đạt khoảng gần 40.000 đồng/kg, trong khi đó, giá thành chăn nuôi (nhiều nhất là chi phí mua cám công nghiệp) khoảng trên 40.000 đồng/kg.

Giá gà công nghiệp bán tại các trang trại công ty chỉ trên 20.000 đồng/kg, khi giá thành đã đạt khoảng 30.000 đồng/kg.

Giá gia cầm hôm nay 7/4: Gà, vịt bán chậm, cách giúp giảm tỷ lệ chết sớm ở gà mới nuôi - Ảnh 3.

Giá gà hôm nay vẫn ở mức khá thấp. Ảnh: HĐ

Tại các vùng miền Bắc, giá gà ta thả vườn bán ở các vùng Hòa Bình, Phú Thọ... loại đẹp mới được trên 70.000 đồng/kg. Giá gà ta lai nuôi trên 4 tháng bán tốt mới được 50.000 đồng/kg.

Cách giảm tỷ lệ chết sớm ở gà mới thả nuôi

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tỷ lệ chết của gà thịt thường cao nhất sau 3 - 4 ngày kể từ khi đưa vào chuồng. Mặc dù không thể ngăn chặn được hiện tượng này, tuy nhiên nếu thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, tỷ lệ này có thể giảm xuống mức thấp nhất.

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch cho rằng cần chuẩn bị tốt từ khâu mua giống. Theo ông, gà con chất lượng tốt phải năng động, có trọng lượng cơ thể 40 - 44g, lông khô và rốn lành khi đưa ra khỏi trại giống. Để kiểm soát chất lượng gà con vào chuồng úm, người nuôi cần làm việc với nhà cung cấp để lấy gà con từ đàn bố mẹ khỏe mạnh và kiểm tra tình trạng sức khỏe của gà con trước khi vận chuyển hoặc khi đến nhà úm.

Sau 3 - 4 ngày, túi noãn hoàng bị tiêu và những con gà hoạt động kém sẽ dễ nhận biết bằng những biểu hiện bất thường của chúng. Người nuôi cần nhanh chóng phát hiện và tiêu hủy ngay lập tức. Theo PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, việc loại bỏ những gà con hoạt động kém sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho những con gà khỏe mạnh, giảm thiểu tác động đến hệ số chuyển đổi thức ăn và cải thiện tính đồng đều của đàn.

Trong điều kiện độc hại, sức khỏe của gà con bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, cần hạn chế tối đa việc gà tiếp xúc với chất khử trùng và thuốc diệt côn trùng còn sót lại. Người nuôi cần kiểm tra chất độn chuồng xem có bị nhiễm bẩn cũng như khả năng tương thích với gà con hay không. 

Ví dụ, nếu gà ăn quá nhiều mùn cưa có thể gây rối loạn tiêu hóa và cuối cùng là chết. Kiểm tra và loại bỏ thức ăn chăn nuôi bị mốc. Bảo vệ thức ăn khỏi nấm mốc bằng cách tránh xa nước, bảo quản trong phòng kín có độ ẩm thấp và kiểm tra ngày hết hạn.

Ông Thạch lưu ý bà con cần cung cấp đủ nước cho gà con trước khi cho ăn để gà chuyển hướng chú ý đến nước và giảm sự tranh giành thức ăn ban đầu. Phân phối máng ăn và vòi uống khắp chuồng.

Đồng thời, cung cấp thêm thức ăn trên giấy hoặc khay trong quá trình úm ban đầu để đảm bảo tất cả gà con có thể tìm thấy thức ăn. Người nuôi cần vệ sinh máng đựng thức ăn và nước uống hàng ngày, đồng thời đổ bỏ nước và thức ăn thừa.

Theo ông Thạch, việc quan trọng tiếp theo là phải kiểm soát được bệnh trên gà. Ít nhất 1 lần/ngày bà con phải kiểm tra đàn gà để phát hiện bệnh kịp thời nếu có. Loại bỏ những con gà có các triệu chứng bệnh và liên hệ với bác sĩ thú y. Tuân theo lịch tiêm chủng và dùng thuốc của cơ sở nuôi. Trường hợp gà mới hồi phục sau khi nhiễm bệnh cũng không nên nhập lại đàn bởi chúng có thể là nguồn lây lan dịch bệnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem