Gia Lai: “Cây đại thụ rừng Tây Nguyên” 105 tuổi vẫn ngân nga từng khúc hát sử thi và đan gùi đi bán

Trần Hiền Chủ nhật, ngày 11/07/2021 05:35 AM (GMT+7)
Cụ Dach (105 tuổi, trú tại xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai), người được xem là “báu vật sống” trên mảnh đất Tây Nguyên với thể loại sử thi của dân tộc Jrai và dân tộc Banar. Điều đáng ngạc nhiên, dù đã trải qua hơn 100 mùa rẫy nhưng cụ vẫn minh mẫn, ngân nga từng khúc hát sử thi và đan gùi mang đi bán.
Bình luận 0

Sử thi là một "món ăn" tinh thần không thể thiếu đối với người Banar và người Jrai. Mỗi bài hát được ngân lên, đều có ý nghĩa trong cuộc sống "như sông có nước, như cây có rừng". 

Tùy vào hoàn cảnh, sử thi đã lên lỏi vào từng nhà, lên từng cái rẫy. Thế rồi, tiếng nhạc cứ thế, đi sâu vào trong cái bụng, luồn sâu vào tận cái tim để sử thi giờ là máu thịt, là một phần trong cuộc sống của người dân.

Dù đã trải qau 105 mùa rẫy nhưng giọng hát của cụ Dach O(xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) rất khỏe mạnh, minh mẫn, say hát sử thi...

105 tuổi vẫn đan gùi đi bán và ngân nga hát sử thi

Chúng tôi đến thăm cụ Dach vào một ngày trời nắng đẹp. Vừa đến cổng nhà cụ, thoạt nhìn không ai nghĩ đây là người đàn ông đã đi qua 105 mùa rẫy (105 tuổi), bởi cụ rất minh mẫn, khá khỏe mạnh.

“Cây đại thụ” 105 tuổi vẫn ngân nga từng khúc hát sử thi và đan gùi đi bán - Ảnh 2.

Chân dung cụ Dach - được xem là “báu vật sống” trên mảnh đất Tây Nguyên với thể loại sử thi của người Irai và Banar

Điều đặc biệt, hằng ngày cụ vẫn ra vườn chặt cây lồ ô và cây mây về đan gùi. Đôi tay của cụ nay đã đen sạm và chai sạn vì tuổi tác nhưng vẫn khéo léo chẻ, đan từng nan tre để hoàn thành những chiếc gùi bền, đẹp. 

Không những thế, với số tuổi này nhưng cụ Dach vẫn làm việc kiếm tiền, tự nuôi sống bản thân mà không cần đến sự trợ giúp của con, cháu.

“Cây đại thụ” 105 tuổi vẫn ngân nga từng khúc hát sử thi và đan gùi đi bán - Ảnh 3.

Không ai có thể nghĩ, cụ Dach nay đã trải qua 105 mùa rẫy nhưng vẫn khá minh mẫn, khỏe mạnh hằng ngày chẻ tre đan gùi

Cầm trên tay hai sản phẩm đã hoàn thành là chiếc gùi và cái đơm do mình làm ra, cụ Dach bộc bạch: "Để hoàn thành một chiếc gùi cụ mất khoảng 4 ngày vì nó cần độ tinh xảo và chắc chắn nên giá bán ra khoảng 300.000-400.000 đồng, tùy vào kích cỡ sản phẩm. Còn cái đơm, cụ chỉ làm khoảng một ngày, giá bán bình quân 80.000 đồng/cái".

“Cây đại thụ” 105 tuổi vẫn ngân nga từng khúc hát sử thi và đan gùi đi bán - Ảnh 4.

Từng nan tre được cụ Dach đan rất đều

Sau khi hoàn thành xong chiếc gùi còn dở dang ngoài sân, cụ Dach mời chúng tôi vào nhà. Theo lời kể của cụ Dach từ người phiên dịch anh Siu Lol – Trưởng thôn Brông Thoong (xã Ia Băng), ngày trước cụ Dach lớn lên trong vòng tay của người chú họ.

Vì vậy sử thi truyền thống của dân tộc Jrai và dân tộc Banar được chú truyền lại cho cụ Dach khi còn nhỏ tuổi. Tiếng hát lúc trầm lúc bổng, lúc nhanh lúc chậm của chú như khúc hát ru đưa cụ Dach vào sâu trong mỗi giấc ngủ.

“Cây đại thụ” 105 tuổi vẫn ngân nga từng khúc hát sử thi và đan gùi đi bán - Ảnh 5.

Một số sản phẩm đan lát truyền thống hoàn chỉnh của cụ Dach thực hiện.

Khi trưởng thành, cụ Dach đã có thể kể và hát vanh vách hàng chục bài sử thi của người dân tộc Banar và dân tộc Jrai. 

Hơn thế cụ còn hiểu được những giá trị quý báu, nhân văn trong mỗi câu chuyện trong bài sử thi. Vì thế, những mẩu chuyện về các vị thần đánh đuổi quỹ dữ để bảo về bình yên cho buôn làng, hay những câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt đời thường và tình yêu nam-nữ của dân tộc đã được cụ hằng ngày say sưa kể và hát. 

Thế rồi, giọng hát của cụ trầm ấm lại ngân vang giữa bao la núi rừng. Tiếng nhạc cứ thế đi sâu vào trong cái bụng, luồn sâu vào tận cái tim để sử thi giờ là máu thịt, là một phần trong cuộc sống của cụ.

"Báu vật sống" giữa đại ngàn Tây Nguyên

Đang say sưa nghe người phiên dịch anh Siu Lol kể về cụ Dach - người được xem là "báu vật sống" trên đại ngàn Tây Nguyên với thể loại sử thi của người Irai và Banar. 

Bất chợt một giọng hát ngân lên, giọng cụ Dach lúc trầm lắng, thẳm sâu như lời tâm tình của đôi trai gái, lúc vang vọng, trầm hùng như lời gọi bạn từ trên núi cao.

“Cây đại thụ” 105 tuổi vẫn ngân nga từng khúc hát sử thi và đan gùi đi bán - Ảnh 6.

Nếu không nhìn thấy tấm thiếp mừng thọ 100 tuổi của dụ Dach, không ai nghĩ cụ Dach đã đi qua 105 mùa rẫy...

Theo anh Siu Lol, khúc hát cụ Dach vừa ngân lên là một đoạn trong bài Dăm Blom, sử thi huyền thoại của dân tộc Jrai. 

Đây là bài hát sử thi mang thông điệp "ở hiền gặp lành, mình sống lương thiện thì sẽ gặp điều tốt". Đây cũng là bài mà cụ thường xuyên cất lên để răn dạy con cháu trong nhà cũng như trong làng biết nhìn nhận cái tốt, tránh xa những cái xấu.

“Cây đại thụ” 105 tuổi vẫn ngân nga từng khúc hát sử thi và đan gùi đi bán - Ảnh 7.

Những bài hát sử thi của cụ Dach đều mang một ý nghĩa cụ thể đó có thể là câu chuyện về tình yêu, nhưng lời răn dạy con cháu trong nhà cũng như trong làng biết nhìn nhận cái tốt, tránh xa những cái xấu.

Điều đáng nói dù đã đi qua 105 mùa rẫy, nhưng giọng hát của cụ vẫn rất khỏe, giọng hơi dài. Từng điệu hát của cụ ngân lên khiến chúng tôi như bị cuốn hút vào câu chuyện. Dù không hiểu nội dung nhưng từng khúc hát, từng điệu ngân vang của cụ vẫn rất rõ ràng, liền mạch.

Ông Ra Lan Bông (con trai cụ Dach) tâm sự: "Thủa thiếu thời, tôi thường được cha kể những câu chuyện sử thi trước kia. Chủ yếu là những bài sử thi mang tính giáo dục con cháu chăm lo học hành, chăm chỉ làm ăn. Hát sử thi như cha thì tôi không làm được, vì nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhưng với những câu chuyện sử thi thần thoại thì tôi vẫn nhớ và có thể kể được một số bài. 

Thời còn trẻ cha thường được đi giao lưu hát kể sử thi, kỷ niệm cha nhớ nhất là được vinh dự mời đi giao lưu hát kể sử thi tại TP Vũng Tàu…".

“Cây đại thụ” 105 tuổi vẫn ngân nga từng khúc hát sử thi và đan gùi đi bán - Ảnh 8.

Dù đã 105 tuổi nhưng hàng ngày cụ Dach vẫn đi chặt nứa, lồ ô về đan gùi mang đi bán...

Sử thi giờ là máu thịt, là một phần trong cuộc sống của cụ, vậy cụ đã từng truyền đạt lại cho con, cháu thừa kế giọng hát đặc biệt của cụ không? 

Nghe đến đây, cụ bỗng dừng hẳn, không còn nhiệt huyết như khi cụ kể về sử thi. Khuôn mặt đượm buồn, cụ bộc bạch: "Cụ có tới 6 đứa con, hơn 20 đứa cháu nhưng chúng cũng không buồn học. Khi cụ dạy chúng hát sử thi thì chúng nó kêu sử thi khó thuộc, khó hát. Chúng chỉ thích nghe nhạc hiện đại thôi".

“Cây đại thụ” 105 tuổi vẫn ngân nga từng khúc hát sử thi và đan gùi đi bán - Ảnh 9.

Hiện tại cụ Dach có khoảng hơn 10 người cháu, cụ đang ở cùng người con gái

Theo anh Siu Lol, trong làng trước đó cũng có một cụ bằng tuổi cụ Dach cũng biết hát sử thi nhưng cụ đã mất. Giờ còn mỗi cụ Dach, cụ rất muốn truyền đạt những bài hát sử thi cho con, cháu nhưng không ai muốn học, không ai thích học nữa. Đó cũng là điều "cây đại thụ" cụ Dach đang canh cánh trong lòng.

Chúng tôi chia tay cụ Dach ra về, trong lòng vừa buồn vui lẫn lộn. Vui vì mừng cho sức khỏe của cụ, buôn làng, con cháu vẫn được nghe cụ hát sử thi. Nhưng đó cũng là nỗi buồn lớn nhất, rồi đây khi cụ "khuất núi" ai sẽ là người tiếp bước để truyền đạt, hát và kể cho thế hệ sau những câu chuyện sử thi mang đậm giá trị văn hóa của dân tộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem