Bến Tre: Lốc xoáy quét qua, mít Thái, chôm chôm, sầu riêng nhiều xã bị ngã đổ la liệt

Thứ sáu, ngày 09/07/2021 14:18 PM (GMT+7)
Mưa lớn kèm theo giông lốc mạnh xảy ra từ ngày 4 đến 5-7-2021 đã làm tốc mái nhà của 35 hộ dân và gây hư hại, ngã đổ khoảng 13ha cây ăn trái đặc sản trên địa bàn các xã của tỉnh Bến Tre có luồng lốc xoáy trực tiếp di chuyển qua...
Bình luận 0

Các xã có luồng lốc xoáy trực tiếp di chuyển qua, gồm: Tiên Thủy (Châu Thành) và Hòa Nghĩa, Sơn Định (Chợ Lách) tỉnh Bến Tre. Ước thiệt hại kinh tế ban đầu đối với vườn cây ăn trái Chợ Lách lên đến hàng chục tỷ đồng.

Bến Tre: Lốc xoáy quét qua, mít Thái, chôm chôm, sầu riêng nhiều xã bị ngã đổ la liệt - Ảnh 1.

Chị Trần Thị Giao Chi (xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) bên gốc sầu riêng ngã đổ do lốc xoáy. Ảnh: C.Trúc

Hơn 10ha sầu riêng bị ảnh hưởng

Toàn xã Hòa Nghĩa có 90 hộ rải rác các ấp Bình An, Long Hiệp, Bình Thanh, Hòa Thạnh… có diện tích sầu riêng (Ri6, Monthong), chôm chôm, mít, chuối bị thiệt hại. Riêng diện tích sầu riêng bị thiệt hại trên 10ha, với tổng số trên 1.400 cây, tỷ lệ thiệt hại từ 50 - 70%.

Thiệt hại nặng nhất tại ấp Bình An, với khoảng 56 hộ bị ảnh hưởng. Chị Trần Thị Giao Chi, ấp Bình An, xã Hòa Nghĩa bị lốc làm tốc mái nhà; làm ngã, gãy đổ, trốc gốc hơn 20 cây sầu riêng (Ri6) khoảng 7 năm tuổi và hơn 10 cây 3 năm tuổi, với diện tích thiệt hại khoảng 3 ngàn mét vuông.

“Trồng sầu riêng tốn tiền dữ lắm, không tính nổi. Cứ 3 - 4 ngày phải bón phân, xịt thuốc ngừa sâu rầy cho cây. Trồng 1 cây sầu riêng từ nhỏ đến 3 - 7 năm tuổi thì tốn biết bao tiền, công sức, vậy mà lốc xoáy cuốn ngã la liệt. Trong nhà nhìn ra vườn thấy lốc cuốn gãy, ngã từng cây sầu riêng mà chân tay tôi run rẩy, không đứng vững…”, chị Trần Thị Giao Chi cho biết.

Theo chị tính toán, sầu riêng cho trái và thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Nhìn vườn sầu riêng của hộ dân kế bên cũng bị đổ ngã hàng chục gốc 5 - 7 năm tuổi, chị cho biết, bao nhiêu cây đó nếu không bị gãy chết thì mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Sớm khắc phục thiệt hại

Trong chuyến đi thăm các hộ có vườn sầu riêng bị thiệt hại, hầu hết các chủ vườn đã xử lý, dọn dẹp đối với những gốc sầu riêng bị trốc gốc, gãy thân. 

Riêng những cây bị đổ ngã nhưng chưa đứt phần rễ chính thì dựng cây lên, tỉa bớt cành, lá để chăm sóc, với hy vọng cây phục hồi sống sót sau thiên tai. 

Như vườn của anh Phan Văn Cầu, ấp Bình An có 4 ngàn mét vuông, với 60 gốc sầu riêng đang cho trái ổn định nhưng bị thiệt hại trên 70% do giông lốc. Hiện anh Cầu đã thuê mướn lao động khẩn trương dọn dẹp vườn, dựng lại những cây còn rễ chính và đắp lại mô đất để chuẩn bị trồng cây mới.

“Những tưởng năm trước vượt qua được đợt hạn mặn gay gắt thì năm nay trời thương vì không có mặn xâm nhập, ai cũng mừng, phấn khởi lo chăm sóc, phục hồi cây để chuẩn bị làm gốc cho trái. Vậy mà gặp cảnh này, có nhiều cặp vợ chồng xỉu lên xỉu xuống, nhìn vườn cây la liệt mà không làm gì nổi nữa…”, chị Giao Chi tâm sự.

TS. Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: Bình quân 1ha có 400 gốc sầu riêng, cho thu nhập ít nhất từ 1 tỷ đồng/năm. Những gốc 7 năm tuổi trở lên cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/cây/năm. Sau đợt lốc xoáy này, nhiều nhà vườn ở Hòa Nghĩa thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

“Phần rễ cũ chỉ có thể nuôi cây sống sót, dần phục hồi. Thời gian để cây phát triển là khá lâu do phải đợi cây ra rễ mới. Tuy nhiên, nhà vườn phải mạnh dạn cắt đọt, tỉa nhiều cành, lá thì cây mới có khả năng sống”, TS. Bùi Thanh Liêm lưu ý.

Cẩm Trúc (Báo Đồng Khởi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem