Giá nước sạch ở Hà Nội có thể tăng từ tháng 7

Bình Nguyên Thứ hai, ngày 08/05/2023 11:06 AM (GMT+7)
Giá nước sạch ở Hà Nội có thể tăng thêm 3.600 đồng/m3 so với hiện tại trong 6 tháng cuối năm và tăng thêm 5.023 đồng/m3 năm 2024.
Bình luận 0

Sở Tài chính vừa đề xuất TP Hà Nội tăng giá nước sạch từ trung bình 8.300 đồng/m3 lên hơn 11.900 đồng/m3 trong 6 tháng cuối năm 2023 và 13.323 đồng/m3 năm 2024.

Theo tờ trình của Sở Tài chính, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10 m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng trên 30 m3/hộ/tháng.

Giá nước sạch ở Hà Nội có thể tăng từ tháng 7 - Ảnh 1.

Nhiều khu vực ở Hà Nội thiếu nước sạch khi đường ống nước sông Đà gặp sự cố. Ảnh: Bình Nguyên.

Tổ công tác thẩm định phương án điều chỉnh giá nước gồm cán bộ của 6 sở ngành đã tính toán nhu cầu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức 100-150 lít/ngày/người. Như vậy, mỗi hộ gia đình sẽ dùng 10-16 m3/tháng, tương đương số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng một tháng. Tại nông thôn, mức dùng 50-70 lít/ngày/người, một hộ gia đình sẽ sử dụng 6-8 m3/tháng nên số tiền họ phải chi thêm là 10.000-13.000 đồng một tháng.

Theo Sở Tài chính, mức tăng thiết kế theo lộ trình hai đợt, cơ bản không tác động đến thu nhập của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt vì tiền nước chỉ chiếm 0,72% tổng thu nhập và chi tiêu mỗi tháng của một hộ gia đình tại khu vực thành thị. 

Mức tăng dự kiến của Hà Nội tương đương hoặc thấp hơn so với các tỉnh thành. Cụ thể, tiền nước phải chi trả 10 m3 đầu tiên của người dân Hà Nội là 75.000 đồng/hộ, Bình Dương 101.500 đồng/hộ, Quảng Ninh là 81.000 đồng/hộ; Điện Biên 80.000 đồng/hộ.

Tổ thẩm định cho rằng 10 năm qua thành phố chưa điều chỉnh giá nước sạch, trong khi đó chi phí cấu thành giá nước đã biến động. Do chính sách hạn chế nước ngầm của nhà nước, thành phố đã kêu gọi đầu tư nhà máy nước mặt có giá sản xuất cao hơn nước ngầm. Yêu cầu nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cũng đòi hỏi phải có các nguồn lực để đầu tư.

Bên cạnh đó, giá nước sạch được điều chỉnh sẽ khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm cho các tổ chức, cá nhân; đảm bảo an sinh xã hội và tạo sự tự chủ về tài chính cho doanh nghiệp cấp nước, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho nhân dân Thủ đô.

Đến 31/12/2022, tổng công suất cấp nước của các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm. Trong đó, sản xuất nước ngầm 770.000 m3/ngày đêm và sản xuất nước mặt 750.000 m3/ngày đêm. Mạng cấp nước nông thôn có công suất thiết kế của từng trạm 300-1.000 m3/ngày đêm. Tỷ lệ thất thoát nước sạch trung bình toàn thành phố giảm từ 24% xuống dưới 18%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem