Giá smartphone sẽ tăng "phi mã" vì thương chiến Nhật - Hàn?

23/07/2019 15:24 GMT+7
Căng thẳng thương mại Nhật Hàn leo thang đang làm dấy lên mối quan ngại về nguy cơ chuỗi cung ứng con chíp toàn cầu bị phá vỡ - điều sẽ góp phần thúc đẩy suy thoái kinh tế thế giới kèm theo vô số ảnh hưởng nặng nề khác.

Thương chiến Nhật Hàn đe dọa lĩnh vực sản xuất chíp toàn cầu

Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm vai trò quan trọng trong mạng lưới chặt chẽ và phức tạp trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử bao gồm smartphone và laptop. Do đó, bất cứ xung đột thương mại nào giữa hai quốc gia cũng sẽ gây ra những xáo trộn lớn trong mạng lưới này.

Như đầu tháng 7, việc Tokyo bất ngờ áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu một số hóa chất sang Hàn Quốc đã đặt ra mối quan ngại lớn. Các hóa chất này đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình chế tạo con chíp, bộ vi xử lý và mạch tích hợp - những linh kiện quan trọng trong đa số sản phẩm điện tử hiện nay. Hành động của phía Tokyo ngay lập tức ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng ngành sản xuất công nghệ cao của Nhật Bản và Hàn Quốc, khiến cổ phiếu con chíp lao đao. 

Doanh số toàn cầu của lĩnh vực sản xuất chíp đã tăng 12,5%, lên mức 474,6 tỷ USD vào năm 2018, theo số liệu tổng hợp của Gartner. Nhưng diễn biến những xung đột thương mại trên thế giới, mà cụ thể là thương chiến Mỹ Trung và thương chiến Nhật Hàn nhiều khả năng sẽ gây ra sự sụt giảm doanh số con chíp mạnh mẽ trong năm nay. Rất nhiều công ty lớn đã hạ dự báo doanh số và lợi nhuận trong bối cảnh kinh tế toàn cầu xấu đi.

Hồi tháng 7 vừa qua, Samsung tuyên bố doanh thu của hãng có thể tụt 56% do doanh số con chíp bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Huawei lọt vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ. Đế chế công nghệ Hàn Quốc này chắc chắn không thoát khỏi ảnh hưởng của thương chiến Nhật Hàn đang có nguy cơ kéo dài và làm mọi thứ tồi tệ hơn.

Ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế học Châu Á Thái Bình Dương tại IHS Markit hồi tuần trước khẳng định: “Tranh chấp thương mại Nhật Bản Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho ngành sản xuất chíp toàn cầu một khi không có thỏa thuận nào được đưa ra trong thời gian tới”.

Nhật Bản châm ngòi thương chiến

Hôm 1/7, phía Nhật Bản bất ngờ tuyên bố hạn chế xuất khẩu 3 loại hóa chất gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide) được sử dụng trong sản xuất tấm màn hình smartphone, chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao dùng trong sản xuất con chíp. Nhật Bản viện dẫn mối quan ngại hoạt động kiểm soát hóa chất nhập khẩu của Hàn Quốc không minh bạch, sau khi Tokyo cáo buộc một số hóa chất nước này xuất khẩu sang Hàn Quốc đã bị vận chuyển đến Triều Tiên và có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Lệnh cấm có hiệu lực ngay từ ngày 4/7 và chỉ các nhà xuất khẩu Nhật Bản được cấp phép mới có quyền xuất khẩu 3 loại hóa chất trên sang Hàn Quốc. Quá trình cấp phép có hiệu lực trong khoảng 90 ngày. Tokyo còn cho hay họ đang có kế hoạch tước bỏ một số ưu đãi thuế quan và phi thuế quan mà Hàn Quốc đang được hưởng trong thương mại với Nhật Bản. Động thái này được đưa ra sau khi Nhật Bản tuyên bố loại Hàn Quốc khỏi danh sách trắng các quốc gia nhập khẩu tin cậy. Theo kế hoạch này, khoảng 850 mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc sẽ cần được cấp phép. Về phía Seoul, chính quyền ông Moon Jae-in tuyên bố không loại trừ các biện pháp trả đũa nếu Nhật Bản tiếp tục các hành động vô căn cứ.

Cùng với mối quan ngại thương chiến Nhật Hàn leo thang, thị trường còn lo lắng hạn chế nguồn cung hóa chất trong sản xuất chíp nhớ sẽ dẫn đến sự tăng giá các sản phẩm công nghệ, phá vỡ cân bằng chuỗi cung ứng hiện tại.

Kinh tế toàn cầu gánh hậu quả

Nhật Bản gần như thống trị thị trường toàn cầu nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide) và hydro clorua. Nước này sản xuất khoảng 90% nguồn cung polyimide fluoride và 70% nguồn cung hydro florua trên thế giới. Vị thế đó sẽ dồn các công ty Hàn Quốc vào chân tường, khi mà rất khó để tìm nguồn cung thay thế từ các thị trường khác. Ngành sản xuất con chíp và linh kiện của Hàn Quốc sẽ sớm khốn đốn nếu không có thỏa thuận thương mại hay đình chiến nào. 

Ngay cả khi các công ty Hàn Quốc tìm được nguồn cung thay thế, các vấn đề chất lượng con chíp hay số lượng hóa chất cũng trở thành mối lo ngại lớn. Phải biết, chỉ tính riêng hai đế chế con chíp khổng lồ là Samsung và SK Hynik đã cung cấp tới 61% linh kiện chíp nhớ toàn cầu năm 2018. Tức là lượng hóa chất cần dùng trong sản xuất là rất lớn để đáp ứng các đơn hàng con chíp hiện tại. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong khâu sản xuất cũng là tin tồi tệ với ngành công nghiệp chíp nhớ nói riêng và ngành công nghệ cao - điện tử nói chung. Các hãng sản xuất smartphone khổng lồ như Apple hay Huawei cũng sẽ bị cuốn vào vòng xoáy. 

Samsung và SK Hynik của Hàn Quốc là hai trong số các nhà cung cấp con chíp lớn nhất thế giới

Bất kỳ động thái nào trong ngành sản xuất chíp cũng ảnh hưởng nặng nề đến những công ty có nhu cầu chíp lớn như Apple, Huawei, Dell, HP...

Tất nhiên, lượng dự trữ hóa chất bán dẫn hiện tại đủ để Samsung và SK Hynik duy trì sản xuất trong thời gian ngắn, nhưng nó sẽ là nguy cơ lớn nếu họ không tìm được nhà cung ứng thay thế kịp thời hay nối lại quan hệ cung ứng với các công ty Nhật Bản. Các nhà phân tích dự đoán dự trữ hóa chất của Samsung có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất trong khoảng 20-30 ngày. Con số cụ thể với SK Hynik chưa được công bố, nhưng ước tính không thể lâu hơn Samsung.

Hiệu ứng lan truyền trong ngành công nghiệp chíp sẽ khiến các công ty công nghệ tại Mỹ và Trung Quốc cũng lao đao tương tự, khi mà họ phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung linh kiện bán dẫn từ Hàn Quốc. Ông Rajiv Biswas nhận định: “Trong chuỗi cung ứng, các sản phẩm smartphone, PC, điện tử dân dụng...cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ xung đột thương mại Nhật Hàn. Người tiêu dùng sẽ phải trả giá cao hơn trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm”.

Nguyên nhân vì đâu?

Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã gượng gạo từ sau những hồi ức cay đắng của Thế chiến II, khi mà người lao động Hàn Quốc bị cưỡng ép làm việc trong các công ty Nhật và phụ nữ Hàn Quốc bị lạm dụng trong nhiều nhà tổ quân đội. Hai nước đã ký hiệp ước khôi phục quan hệ ngoại giao năm 1965, nhưng căng thẳng và hiềm khích vẫn không thể xóa sạch.

Hồi năm ngoái, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã yêu cầu hai công ty Nhật Bản - Nippon Steel & Sumitomo Metal và Mitsubishi Heavy Industries bồi thường một khoản tiền khổng lồ cho người lao động Hàn Quốc bị cưỡng ép làm việc trong chiến tranh. Còn phía Nhật Bản lại cho rằng vấn đề này đã được giải quyết xong từ hiệp ước năm 1965 và hau công ty này không còn nghĩa vụ gì với người lao động Hàn Quốc.

Động thái mới đây của Nhật Bản được xem là sự trả đũa cho hành động khơi lại hiềm khích của Hàn Quốc, dù cho Tokyo đã phủ nhận các lệnh hạn chế xuất khẩu có liên quan đến những phán quyết này. Chính quyền ông Shinzo Abe nhấn mạnh cáo buộc Hàn Quốc vận chuyển hydro florua - hóa chất phục vụ ngành chế tạo linh kiện bán dẫn cũng như vũ khí quân sự cho Triều Tiên. Seoul sau đó phủ nhận các cáo buộc này.

Không ai chiến thắng!

Xung đột thương mại Nhật Hàn và những ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất chíp đang dồn nền kinh tế thế giới vào viễn cảnh suy thoái

Tranh chấp thương mại Nhật Hàn diễn ra đúng vào thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ Trung kéo dài và chưa có hướng đi sáng tỏ cho đàm phán, điều khiến quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF phải cảnh báo về nguy cơ suy thoái.

Chuỗi cung ứng linh kiện điện tử, smartphone và laptop mà Nhật Bản - Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng có ảnh hưởng rộng khắp thế giới. Đó là lý do các nhà phân tích không hy vọng xung đột leo thang lúc này, gây nên những tổn thương không thể hồi phục cho nền kinh tế nói chung và chính Nhật Bản - Hàn Quốc nói riêng.

Ông Waqas Adenwala, nhà phân tích kinh tế Châu Á nhận định: “Nền kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc có sự liên kết chặt chẽ với nhau, bởi vậy mà mỗi động thái trừng phạt của hai bên sẽ gây ra kết quả hủy diệt lẫn nhau."

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng của Nhật Bản. Các công ty Nhật Bản sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ một khi phải ra khỏi thị trường tiềm năng này. Còn Nhật Bản là nhà cung ứng vật liệu sản xuất công nghệ cao lớn nhất với Hàn Quốc. Các công ty Hàn Quốc phụ thuộc từ vật liệu, máy móc cho đến thiết bị công nghệ cao từ Nhật Bản. Sẽ không ai được lợi. Cả Tokyo và Seoul có đủ động lực để chấm dứt thương chiến, vì một nền sản xuất vững mạnh. Điều quan trọng là họ có chịu nhượng bộ, hay sẽ hủy diệt lẫn nhau.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục