Giá thịt lợn cao, đối phó nhập lậu từ Campuchia

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 10/12/2019 18:21 PM (GMT+7)
Từ đầu tháng 12 đến nay, giá lợn hơi tăng cao, đã cán mốc 80.000 đồng/kg, trong khi đó, giá lợn hơi của Thái Lan chỉ bằng một nửa. Vì vậy đã xuất hiện hiện tượng lợn từ Thái Lan qua Campuchia tràn về Việt Nam, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao...
Bình luận 0

Dự báo giá lợn hơi còn tăng

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường thế giới (Bộ NNPTNT), trong tháng 11/2019 và đầu tháng 12/2019, giá lợn hơi trong nước biến động tăng do nguồn cung giảm, thị trường xuất hiện hiện tượng găm hàng làm tăng giá của một số đơn vị kinh doanh buôn bán thịt lợn.

Tâm lý lo lắng thiếu nguồn cung nên người chăn nuôi có xu hướng nuôi lợn lên đến 170 - 180kg/con thay vì 90 - 110kg/con như thông thường để chờ giá tăng thêm; tác động của tình trạng thương lái thu gom lợn để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đã góp phần đẩy giá lợn hơi lên cao. Dự báo, giá thịt lợn thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu tăng đợt cuối năm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.

img

Lực lượng Bộ đội biên phòng An Giang thu giữ lợn nhập lậu từ Campuchia.  Ảnh: T.L

Từ tháng 10 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã bắt được 15 vụ buôn lậu lợn qua đường biên Campuchia với khoảng 400 con (30 tấn). Số lợn bị thu giữ phần lớn đều không rõ nguồn gốc.

Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá lợn nạc giao tháng 12/2019 tại Chicago (Mỹ) biến động giảm trong tháng qua với mức giảm 5,35 UScent/lb, xuống còn 60,65 UScent/lb (tương đương 31.033 đồng/kg).  Giá thịt lợn giảm do nguồn cung lớn và thị trường không chắc chắn về các cuộc đàm phán thúc đẩy thương mại của Mỹ với Trung Quốc - quốc gia tiêu dùng thịt lợn hàng đầu thế giới.

Lo ngại nhập lậu lợn

Điều đáng lo ngại là, thời gian gần đây, trên địa bàn một số tỉnh biên giới giáp Campuchia đã xuất hiện tình trạng nhập lậu lợn với số lượng lớn, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An xác nhận, lực lượng chức năng tỉnh này vừa phát hiện, bắt giữ một số vụ vận chuyển lợn trái phép. Cụ thể, ngày 12/11, tại khu vực biên giới thuộc huyện Vĩnh Hưng, lực lượng Bộ đội biên phòng Long An đã phát hiện, ngăn chặn và chuyển giao cho Biên phòng Campuchia vụ việc tập kết 13 con lợn chuẩn bị vận chuyển vào Việt Nam. Tiếp đó, ngày 18/11, lực lượng biên phòng bắt giữ một vụ vận chuyển lợn nhập lậu, tang vật thu giữ gồm 95 con lợn với tổng trọng lượng 7,6 tấn.

Thực tế, trước đây việc vận chuyển qua biên giới trên địa bàn Long An chủ yếu theo hình thức trao đổi, mua bán nhỏ lẻ giữa cư dân khu vực biên giới. Tuy nhiên, những tháng quá, giá lợn hơi trong nước tăng cao nên việc vận chuyển lợn từ Campuchia tăng nhanh về số lượng. Hầu hết số lợn nhập lậu chưa được kiểm dịch từ cơ quan thú y.

UBND tỉnh Long An yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu. Ngoài ra, làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Tại tỉnh An Giang, từ tháng 10 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh này đã bắt được 15 vụ buôn lậu lợn qua đường biên giới Campuchia với khoảng 400 con (30 tấn). Số lợn bị thu giữ phần lớn đều không rõ nguồn gốc.

Theo các ngành chức năng, một trong những nguyên nhân khiến nhập lậu lợn từ Thái Lan qua Campuchia về Việt Nam gia tăng là do giá lợn hơi của Thái Lan thấp hơn Việt Nam. Chẳng hạn, giá lợn hơi ở các tỉnh Tây Nam Bộ đạt khoảng 75.000 đồng/kg, trong khi giá lợn hơi ở Thái Lan chỉ 50 - 52 bath/kg (38.000 - 40.000 đồng/kg). Nếu tính chi phí vận chuyển, nếu đưa được trót lọt lợn vào Việt Nam tiêu thụ, thương lái vẫn thu lãi lớn.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng buôn lậu lợn, UBND tỉnh Long An đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới. Theo đó tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng và các địa phương liên quan cần tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, nhất là đối với lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem