Giá tiêu hôm nay 10/3 tiếp tục tăng đột biến, đua nhau "ôm" hàng

Thiên Hương Thứ tư, ngày 10/03/2021 11:02 AM (GMT+7)
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá tiêu hôm nay 10/3 tại thị trường trong nước tiếp tục tăng mạnh, lên mức 62.000 - 65.000 đồng/kg đầu giá. Nhiều chuyên gia nhận định giá tiêu tăng như hiện nay là "đột biến", "bất ngờ" khi chỉ trong 10 ngày, giá tiêu hôm nay đã tăng tới gần 30%.
Bình luận 0

Theo khảo sát nhanh của PV Dân Việt, giá tiêu hôm nay 10/3 tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục tăng mạnh. Nếu hôm qua, giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông còn ở mức 61.500 đồng/kg thì sáng nay đã điều chỉnh lên 63.500 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.

Tại Gia Lai, giá tiêu hôm nay tăng thêm 2.000 đồng/kg lên mức 63.000 đồng/kg. Tương tự, tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu hôm nay lần lượt ở mức 64.000 và 64.500 đồng/kg đầu giá, đồng loạt tăng thêm 2.000 đồng/kg so với hôm qua. 

Thấp nhất hiện nay là giá tiêu tại Đồng Nai, đạt 62.000 đồng/kg. 

Giá tiêu hôm nay 10/3 tiếp tục tăng đột biến, đua nhau "ôm" hàng từ nông dân tới thương lái - Ảnh 1.

Giá tiêu hôm nay 10/3 tiếp tục tăng ở tất cả các vùng nguyên liệu trong nước. Nguồn tham khảo: tintaynguyen

Theo tìm hiểu của PV, giá tiêu giao dịch thực tế tại các vùng nguyên liệu đã tăng lên 65.000-67.500 đồng/kg từ chiều hôm qua, tuỳ địa phương. Mức tăng này chênh cao so với giá tiêu tham khảo, nguyên nhân là do các thương lái, đại lý đẩy mạnh thu mua vào trong bối cảnh nông dân vẫn muốn trữ hàng, chưa vội bán ra dù đã có tiêu thu hoạch từ vụ mới.

Với giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước, mức tăng đã lên tới 8.000-10.000 đồng/kg so với đầu tháng 3/2021, là mức tăng cao đột biến, hiếm thấy đối với thị trường hồ tiêu trong nước ngay trong chính vụ thu hoạch. 

Giá tiêu hôm nay 10/3 tiếp tục tăng đột biến, đua nhau "ôm" hàng từ nông dân tới thương lái - Ảnh 2.

Nông dân Gia Lai phấn khởi thu hoạch hồ tiêu trong bối cảnh giá tiêu đang tăng đột biến. Ảnh: I.T

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ tăng 141.65 rupee/tạ (0,98%) ở mức 36.200 rupee/tạ. 

Cuối năm 2020, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã có nhiều đợt khảo sát các vùng trồng tiêu trọng điểm và đưa ra dự báo sản lượng hồ tiêu năm nay giảm mạnh, ước khoảng 170.000-180.000 tấn. Tuy nhiên theo thực tế thu hoạch của nhiều hộ nông dân trồng tiêu tại Tây Nguyên, sản lượng hồ tiêu năm nay giảm tới 50%, nhiều vườn thậm chí mất mùa. 

Tính riêng tỉnh Gia Lai, sản lượng niên vụ 2020 - 2021 dự kiến giảm 60 -70%.

Do đó, một số chuyên gia cũng tính toán, giá tiêu sẽ còn tăng trong thời gian tới, có thể vượt mốc 70.000 đồng/kg.

Chính vì thế, trên thị trường hiện nay đang xảy ra tình trạng "găm hàng" từ nông dân tới đại lý, khiến các thương lái, doanh nghiệp thu mua gặp nhiều khó khăn. Để mua được hàng, các thương nhân, đại lý buộc phải tăng giá.

Đại diện Công ty TNHH Bách Sinh cho biết, giá tiêu tăng nhanh, lại khan hàng ngay chính vụ thu hoạch khiến các đơn vị xuất khẩu hồ tiêu lâm cảnh "ngơ ngác, không thể mua bán gì trong thời điểm này. Một số đơn vị có hợp đồng đã bán xa trước đó thì "bàng hoàng, không thể tin được", tự nhiên giá tiêu nội địa tăng đột biến. Muốn mua hàng cắt lỗ cũng không có hàng để mua vì từ nông dân cho tới đại lý lớn nhỏ đều đang có tâm lý ôm hàng, ngóng thị trường hi vọng giá lên cao nữa".

Trước dấu hiệu khan hiếm hàng cho giao dịch nội địa, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn hiện không dám kí hợp đồng bán xa như trước, mà tung tài chính ra để thu gom hàng về kho, phục vụ các hợp đồng giao ngay. 

Về phía nông dân, thực tế nhiều vườn tiêu chưa hái song chủ vườn đã phải bán trước rồi để lấy tiền trả nợ. "Tuỳ điều kiện, hoàn cảnh, nông dân nếu trữ được tiêu thì tốt bởi vì xu hướng thời gian tới dự báo giá tiêu sẽ còn tăng. Nhưng nếu không có điều kiện tích trữ, nhất là những hộ đang vay nợ thì họ vẫn buộc phải bán để lấy tiền trả công nợ, trả lãi vay ngân hàng, trang trải sinh hoạt, cho con cái đi học và đầu tư chăm sóc tiêu vụ mới" - ông Bính nói.

Ông Hoàng Phước Bính cũng khuyên, thời điểm này bà con không nên vay nợ mua tích trữ tiêu để tránh rủi ro. Thực tế với giá tiêu hiện nay, người trồng tiêu đã có lãi khá, nếu ai ai cũng ôm hàng, không có giao dịch trên thị trường thì sẽ xảy ra những bất ổn trong ngành hàng hồ tiêu.

Việt Nam tiếp tục là quốc gia xuất khẩu nhiều hồ tiêu nhất thế giới.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết theo số liệu của Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC), xuất khẩu hồ tiêu trên toàn thế giới năm 2020 đạt hơn 459.000 tấn, tăng 2% so với năm 2019. Trong đó, lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 282.000 tấn, tương đương gần 60% của cả thế giới.

Tiếp đó là Brazil với hơn 84.600 tấn; Indonesia 51.771 tấn; Ấn Độ 11.547 tấn...

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo thời gian tới, giá hạt tiêu tăng. Lượng hàng tồn kho của Việt Nam từ vụ trước không còn nhiều và sản lượng hạt tiêu năm 2021 dự kiến thấp hơn năm 2020. Tại Việt Nam, hầu hết các vùng trồng hạt tiêu lớn đều giảm diện tích do giá thấp.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem