Giá tiêu hôm nay 15/10: Lên hơn 90.000 đồng/kg, "vua" tiêu dự đoán thị trường cuối năm có đột biến?

Thiên Hương (Thực hiện) Thứ sáu, ngày 15/10/2021 05:50 AM (GMT+7)
Giá tiêu hôm nay tiếp tục tăng so với ngày 13/10, song thị trường có xu hướng hạ nhiệt khi chỉ nhích nhẹ 500 đồng/kg. PV báo Dân Việt đã trao đổi với "vua tiêu" Phan Huy Thông về nguyên nhân gì đẩy giá tiêu tăng cao, dự báo thị trường hạt tiêu cuối năm có đột biến hay không?...
Bình luận 0

Giá tiêu mới nhất đạt hơn 90.000 đồng/kg, dự báo giá tiêu cuối năm có đột biến hay không?

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hiện giá tiêu xô trong nước đang dao động từ 87.000 - 90.300 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay 15/10 tại Đồng Nai đạt 86.500 đồng/kg. Giá tiêu tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu vượt lên mốc 90.300 đồng/kg.

Tại Chư Sê (Gia Lai), giá tiêu ngày 14/10 ở mức 87.000 đồng/kg, tăng nhẹ 500 đồng/kg. Tương tự, khu vực Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu cũng tăng 500 đồng/kg, đạt 87.500 đồng/kg. 

Giá tiêu hôm nay tại Bình Phước tăng nhẹ 500 đồng/kg, đạt 88.500 đồng/kg. 

Một số đại lý tiếp tục thu mua hạt tiêu với giá cao. Tại Công ty TNHH Hoàng Hân (Phú Hậu, huyện Krông Năng, Đắk Lắk), giá tiêu niêm yết ở mức 90.700 đồng/kg. Hiện giá tiêu mua vào của đại lý đã giảm 1.000 đồng/kg so với ngày 13/10. 

Giá tiêu hôm nay 15/10: Lên hơn 90.000 đồng/kg, "vua" tiêu dự đoán thị trường cuối năm có đột biến? - Ảnh 1.

Người dân xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk đang thu hoạch tiêu. Ảnh: Duy Hậu

Để phân tích nguyên nhân giá tiêu tăng phi mã thời gian qua, dự báo giá tiêu dịp lễ Giáng sinh và cuối năm, PV Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Huy Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, "vua tiêu" Việt Nam với doanh thu hơn 5.000 tỉ đồng.

Thưa ông, chỉ trong khoảng 1 tháng qua, giá tiêu tại Việt Nam tăng rất nhanh, đạt gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Theo ông yếu tố nào đã đẩy giá tiêu tăng kỷ lục như vậy?

- Về nguyên lý thị trường hạt tiêu bền vững. Hiện tất cả các mặt hàng trên thế giới đều có xu hướng tăng giá. Sau một thời gian ảnh hưởng bởi Covid-19, lạm phát thì hiện nay kinh tế thế giới đang dần hồi phục, tạo đà tăng giá nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có giá tiêu. Đặc biệt, giá cà phê tăng dữ dội.

- Trước đây mà cụ thể là đầu năm 2021, giá tiêu vẫn rất rẻ, có lúc dưới 50.000 đồng/kg. Phúc Sinh Group có "găm" được nhiều hàng thời điểm đó không, thưa ông?

Quan điểm của chúng tôi là không để hàng bị thiếu. Bán xong rồi mua, mua xong rồi bán, liên tục vòng quay như vậy. Chúng tôi cũng không bán hàng xa nên khi giá tiêu tăng quá cao hay quá thấp không bị ảnh hưởng nhiều.

Giá tiêu hôm nay 15/10: Lên hơn 90.000 đồng/kg, "vua" tiêu dự đoán thị trường cuối năm có đột biến? - Ảnh 2.

Ông Phan Huy Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group.

Ông dự đoán như thế nào về thị trường từ nay tới cuối năm, nhất là dịp Lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch?

- Tôi không dự đoán được. Nhưng tôi cho rằng thị trường hạt tiêu khá bền vững. Nhu cầu của các khách hàng khá ổn định.

Hiện nay nhiều nước đã mở cửa cho nhiều loại dịch vụ hoạt động trở lại sau dịch Covid-19, nhu cầu hạt tiêu cũng như nhiều mặt hàng khác sẽ tăng lên. Nhưng tôi cho rằng giá tiêu không có đột biến.

Vừa rồi, một số công ty xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu Việt Nam bị thiếu hàng. Để đáp ứng đủ các đơn hàng đã ký, họ buộc phải đẩy giá thu mua tiêu lên cao. 

Điều này làm cho cả những người không thiếu cũng phải mua theo. Nhưng mấy hôm nay, khi doanh nghiệp mua đủ thì thị trường đã có dấu hiệu chững lại rồi.

Hiện giá tiêu đang được một số doanh nghiệp chào phổ biến ở mức 89.000 đồng/kg.

Thật sự thì thị trường hạt tiêu của Việt Nam không phải quá khan hiếm người mua.

Hiện nay Phúc Sinh chủ yếu xuất khẩu hạt tiêu sang những thị trường nào?

- Phúc Sinh chủ yếu bán hạt tiêu cho các khách hàng châu Âu và Mỹ. Đây cũng là 2 thị trường trọng điểm của ngành hàng tiêu nước ta.

Tính đến hết tháng 9, cả nước mới xuất khẩu được 212.000 tấn tiêu, giảm nhiều so với năm ngoái. Nhưng từ nay tới cuối năm, nhu cầu từ các thị trường này sẽ tăng lên, tiêu xuất khẩu sẽ nhiều hơn.

Nguyên nhân do các nước nới lỏng giãn cách, nhu cầu giao hàng tăng lên sau một thời gian dài bị đóng băng, tạm dừng. Còn thực tế, sản lượng tiêu dùng hạt tiêu của thế giới không tăng, thậm chí đang giảm so với năm ngoái. Có thể sẽ giảm xa so với cột mốc 300.000 tấn tiêu của năm 2020.

Ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến người ta phải thắt chặt chi tiêu, cộng với khó khăn trong logistics. Như mặt hàng cà phê, chưa bao giờ tồn dọng 1 lượng khổng lồ ở cảng như vậy, lên tới 400.000 tấn.

Giá tiêu tăng mạnh, có nên "tung" hàng ra bán?

Việc giá tiêu tăng phi mã như hiện nay có tác động như thế nào tới sản xuất tiêu vụ tới thưa ông?

- Đương nhiên là sẽ thuận lợi cho sản xuất, bà con nông dân đang rất phấn khởi. Giá tiêu hiện đã đạt trung bình 90 triệu đồng/tấn, tăng gần gấp 3 lần so với mấy năm trước.

Bên cạnh đó, giá tiêu xuất khẩu cũng tăng rất tốt. Đến thời điểm này kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đã đạt hơn 720 triệu USD. Hi vọng hết năm nay, ngành tiêu sẽ lấy lại mốc kim ngạch tỷ đô.

Vậy theo ông, thời điểm này bà con đã nên "tung" hết hàng ra bán chưa?

- Tôi nghĩ thế này, thứ nhất thực sự Việt Nam không còn nhiều tiêu. Những người giữ tiêu được đến mức giá này không nhiều.

Thứ hai, Việt Nam vẫn là nước sản xuất tiêu nhiều nhất thế giới. Giá lên thì bà con lại lao vào trồng, giá xuống thì lại bỏ bê. Đó là điều dễ hiểu. Người nông dân luôn biết cách làm thế nào để sống sót với nó.

Với tình hình giá tiêu tăng cao như hiện nay, chắc chắn nông dân sẽ có động lực quay lại chăm sóc vườn tiêu. Họ sẽ trồng lại những diện tích tiêu già cỗi, chết vì dịch bệnh chứ không bỏ bê như trước.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem