Giá vàng "bốc hơi" 4,5 triệu đồng/lượng chỉ sau 1 đêm: Chuyên gia nói chỉ là hiện tượng tạm thời?
Giá vàng tăng nhanh, giảm sốc
Sau chuỗi ngày dài leo thang và lập đỉnh mới 2.070 USD/ounce trong ngày 7/8, giá vàng quốc tế đã nhanh chóng điều chỉnh, giảm mạnh chỉ còn hơn 2.030 USD/ounce trong ngày 10/8 và tiếp tục lao dốc thảm hại về dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce trong phiên sáng nay.
Ở trong nước, giá vàng ngày hôm qua 11/8 cũng sụt giảm mạnh, với giá mua vào lùi về dưới 53 triệu đồng/lượng còn giá bán ra chưa đến 55 triệu đồng/lượng. So với mức cao kỷ lục hôm thứ Sáu tuần trước, giá vàng trong nước đã giảm gần 8 triệu đồng/lượng.
Tính đến đầu giờ sáng nay, giá mua vào đã rơi xuống 47.650 triệu đồng/lượng. Như vậy, kể từ khi lập đỉnh mới vào ngày 7/8 giá vàng liên tục lao dốc, giúp giá vàng trong nước thời điểm hiện tại thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi. Nhà đầu tư "ôm vàng" lỗ tới 13 triệu đồng/lượng.
Chỉ là tạm thời?
Theo ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam, động cơ cơ bản, duy nhất và trực tiếp để giá vàng vượt qua 2.000 USD trong tuần trước đó xuất phát từ các gói kích cầu của Mỹ, Châu Âu và một số quốc gia khác, đặc biệt là thị trường Mỹ. Và việc điều chỉnh giảm của giá vàng kể từ cuối tuần qua cho đến nay cũng xuất phát từ quốc gia này.
Ông Hải phân tích, thời điểm giá vàng bắt đầu điều chỉnh trùng khớp với thời điểm Tổng thống Trump đã ký một số lệnh hành pháp mở rộng các gói cứu trợ Covid-19 bao gồm trợ cấp thất nghiệp bổ sung, hoãn thanh toán các khoản vay cho sinh viên… Tuy nhiên, mức trợ cấp thất nghiệp giờ đây sẽ chỉ giảm còn 400 USD/ tuần thay vì 600 USD/ tuần như gói cứu trợ đã kết thúc hồi tháng 7 và cũng thấp hơn mức 600 USD do Đảng Dân chủ đề nghị. Gói kích cầu giảm đồng nghĩa với lượng tiền tung ra cũng ít đi. Yếu tố này không còn hỗ trợ cho giá vàng.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh của giá vàng diễn ra trước thềm của bầu cử Tổng Thống Mỹ, căng thẳng nhất là 2 cuộc tranh luận vào tháng 9 giữa ông Trump và ông Joe Biden. Tại cuộc tranh luận này, ông Trump phải chứng minh được rằng dù dịch Covid-19 nhưng kinh tế Mỹ vẫn đứng vững. Cùng với sự xuất hiện của vaccine chống Covid-19, đã giúp cho thị trường chứng khoán phố Wall tăng cao, với chỉ số S&P 500 tăng lên gần mức cao kỷ lục. Tất cả những yếu tố này khiến cho động lực để tăng của giá vàng gần như là cạn kiệt ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều chuyên gia xu hướng điều chỉnh này chỉ mang tính tạm thời và giá vàng sẽ nhanh chóng tăng cao trở lại. Ông Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhìn nhận, dù giá vàng đã điều chỉnh nhưng vẫn có những yếu tố về giá còn tiếp tục tăng lên, nhất là khi Chính phủ tại nhiều quốc gia vẫn bơm tiền ra cứu nền kinh tế, tiếp tục duy trì lãi suất thấp, thậm chí có nơi lãi suất âm.
Về dài hạn, các quỹ đầu tư trên thế giới có thể nhận thấy áp lực từ lạm phát, nên chuyển sang mua vàng, điều này sẽ đẩy giá vàng lên. Giá vàng quốc tế lên thì trong nước cũng lên theo bởi nguồn cung không nhiều như trước.
Đồng quan điểm, theo chuyên gia phân tích đầu tư Phan Dũng Khánh, là thị trường vàng thế giới có thêm nhiều tay chơi mới. Đó là các quỹ hưu trí lớn tại Mỹ, Nhật Bản, châu Âu trước đây chỉ đầu tư trái phiếu, nay cũng chuyển sang đầu tư vàng. Hơn nữa, số lượng hợp đồng mua vàng tương lai (thị trường vàng phái sinh) cũng đang tăng mạnh, củng cố cho xu hướng tăng của giá vàng trong tương lai.
"Hiện nay, hoạt động mua bán vàng của người dân trong nước vẫn đang chịu nhiều ảnh hưởng của tâm lý đám đông, nên chúng ta phải thật bình tĩnh để nhận định. Nếu người mua vàng xem vàng là tài sản cất giữ thì khác, nhưng mua vàng để đầu tư, đầu cơ kiếm lời thì sẽ nhiều rủi ro do giá vàng lên xuống thất thường.
Nếu nhà đầu tư có quan điểm lo ngại đồng tiền mất giá, các kênh đầu tư khác lợi nhuận ít hơn thì có thể chia một tỷ lệ tương đối để đầu tư vào vàng. Nhưng vấn đề là phải chọn thời điểm phù hợp, cẩn thận, theo diễn biến chung, không nên "sốt ruột" theo đám đông", đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam khuyến cáo.
Có hay không doanh nghiệp thao túng thị trường?
Trước câu hỏi, có hay không việc "làm giá" của các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong thời gian qua, ông Hùng khẳng định, các doanh nghiệp kinh doanh vàng Việt Nam không "làm giá", vì không có doanh nghiệp nào đủ nguồn lực để thao túng thị trường. Các doanh nghiệp chỉ mua đi bán lại, các doanh nghiệp cũng ngại đầu cơ vì sợ rủi ro.
Chính vì vậy, mới có hiện tượng, một số cửa hàng vàng không nhận mua vàng của người dân khi giá lên cao 60-62 triệu đồng/lượng như vừa qua. Không phải bởi các doanh nghiệp này "làm giá", mà do nhiều người đi bán vàng, lượng người mua lại ít hơn khiến doanh nghiệp bị mất thanh khoản nên không còn đủ tiền để mua lại.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cũng chỉ ra rằng, nhà đầu tư có thể căn cứ vào 2 dấu hiệu để biết thị trường vàng có bị làm giá hay không, đó là chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, chênh lệch mua vào - bán ra. Trong điều kiện bình thường, chênh lệch giữa giá trong nước với giá thế giới chỉ trên dưới 1 triệu đồng/lượng, khoảng cách mua vào - bán ra cũng chỉ 500.000 đến dưới 1 triệu đồng/lượng. Nếu vượt quá con số này, thị trường có dấu hiệu bất thường, cho thấy doanh nghiệp vàng đang dè chừng, đẩy rủi ro về phía người mua.