Giá xăng dầu tăng cao, giá cá, ghẹ... giảm sâu do Trung Quốc ngừng mua, ngư dân chán nản muốn bỏ nghề

Trần Quang Thứ năm, ngày 16/06/2022 18:06 PM (GMT+7)
Phản ánh với chúng tôi, nhiều ngư dân tỏ ra chán nản vì giá xăng dầu ngày càng tăng mà giá bán sản phẩm giảm sâu khiến bà con chịu nhiều thua thiệt. Có không ít ngư dân phải "cắn răng" để tàu nằm bờ hoặc chuyển đổi cách đánh bắt.
Bình luận 0
Giá xăng dầu tăng cao, giá cá, ghẹ... giảm sâu do Trung Quốc ngừng mua, ngư dân chán nản muốn bỏ nghề - Ảnh 1.

Nhiều ngư dân ở vùng biển Hải Hậu (Nam Định), Hải Hà (Quảng Ninh)... tỏ ra chán nản khi giá xăng dầu tăng cao, giá bán sản phẩm giảm sâu, càng đi biển càng thua thiệt. Ảnh: TQ

Giá xăng dầu tăng cao...như "đánh úp" ngư dân

Hàng chục năm làm dịch vụ nghề biển, ông Bùi Gia Phong ở vùng Quỳnh Phương (Nghệ An) chưa bao giờ thấy giá xăng dầu tăng cao như thời gian gần đây. 

Thời gian trước, mỗi tháng ông Phong bán cho các tàu, bè cá trên địa bàn hàng nghìn khối dầu mỗi tháng nhưng giờ giá sản phẩm tăng cao khiến sản lượng tiêu thụ giảm sâu còn khoảng vài trăm khối.

"Giá xăng dầu cao, giá cá, tôm... rẻ nên các chủ tàu đều chán nản. Tại vùng biển Quỳnh Phương có vài trăm tàu, bè nhưng giờ chỉ còn vài chiếc hoạt động cầm cự, còn lại đa phần đã bán hoặc để tàu nằm bờ. Trong đó, nhiều ngư dân buộc phải về nhà nghỉ ngơi hoặc tìm làm nghề khác", ông Phong bộc bạch.

Theo ông Phong, sau nhiều ngày tăng liên tục, hôm nay giá dầu cung cấp cho tàu, bè đi biển của ông đã chạm mốc 30.000 đồng/lít. "Giá dầu càng tăng, các chủ đại lý dịch vụ càng ế ẩm hơn", ông Phong than thở.

Ông Phong cho biết thêm, để đảm bảo hoạt động trên biển từ 10 đến 15 ngày, mỗi tàu đều phải dự trữ hàng chục ngàn lít dầu. Hiện, giá xăng tăng liên tục, ngư dân chi trả thêm khoản tiền rất lớn nên rất khó có lời.

"Việc giá xăng dầu tăng cao không chỉ khiến cho việc khai thác hải sản thua lỗ mà về lâu dài còn ảnh hưởng rất lớn đến nghề biển. Bởi thu nhập không cao, nhiều tàu cá nằm bờ thời gian dài khiến lao động trên tàu cũng tìm cách chuyển nghề", ông Phong khẳng định.

Giá xăng dầu tăng cao, giá cá, ghẹ... giảm sâu do Trung Quốc ngừng mua, ngư dân chán nản muốn bỏ nghề - Ảnh 2.

Ngư dân huyện Hải Hậu (Nam Định) thu lưới, ngư cụ sau chuyến đi biển. Ảnh: TQ

Cùng trong tình cảnh thua thiệt như các ngư dân ở các tỉnh, thành, ông Lê Văn Mừng ở Hải Hà (Quảng Ninh) đang phải liên tục điều chỉnh công việc để thích ứng, cầm cự với nghề đi biển. 

Theo ông Mừng, hiện tàu của ông có công suất 150CV hoạt động chủ yếu quanh vùng biển Cô Tô (cách bờ khoảng 30 hải lý), trung bình mỗi chuyến tàu đi khoảng 30 ngày ngốn chi phí gần 50 triệu đồng, trong đó tiền dầu chiếm trên 90%.

So với thời điểm cùng kỳ các năm trước, chi phí tiền dầu mỗi ngày đi biển của ông Mừng chỉ khoảng 500.000 đồng đến 700.000 đồng thì hiện giá nguyên liệu này đã tăng quá cao lên khoảng 1,3 triệu đồng đến trên dưới 2 triệu đồng/ngày. "Giá dầu tăng đột ngột như "đánh úp" ngư dân làm cho bà con trở tay không kịp", lão ngư ở Hải Hà (Quảng Ninh) buồn rầu nói.

Sản lượng đánh bắt giảm, giá rẻ trong khi giá xăng dầu vùn vụt tăng

Để cầm cự trong thời điểm giá dầu liên tục tăng cao, ông Mừng và nhiều ngư dân khác ở biển Hải Hà phải chủ động chuyển đổi từ đánh bắt sứa biển sang mực, ghẹ...

Theo lão nông này, trước đây, mỗi ngày đánh bắt sứa máy tàu chạy liên tục ngốn trên dưới 2 triệu tiền dầu nhưng từ khi chuyển sang câu mực, ghẹ... theo mùa giúp ông giảm được khoảng từ 30 đến 50% chi phí.

Nhưng khổ nỗi giờ lại vào mùa gió Nam, sản lượng hải sản đánh bắt giảm nhiều, giá bán cũng giảm sâu trên 60% (như giá ghẹ trước đây có lúc lên 350.000 - 400.000 đồng/kg nhưng nay chỉ còn trên 100.000 - 150.000 đồng/kg còn khó bán) vì phía Trung Quốc dừng mua càng đẩy ông và nhiều ngư dân ở đây vào thế khó chồng khó.

Giá xăng dầu tăng cao, giá cá, ghẹ... giảm sâu do Trung Quốc ngừng mua, ngư dân chán nản muốn bỏ nghề - Ảnh 4.

Ông Bùi Gia Phong ở Quỳnh Phương (Nghệ An) cho biết, sau nhiều tháng cho tàu nằm bờ do dịch Covid-19, nhiều ngư dân lại tiếp tục cho tàu nằm bờ vào mùa cao điểm đánh bắt do giá xăng dầu, chi phí nhân công... tăng cao. Ảnh: TQ.

"Trước đây đi biển còn có lời nhiều nhưng giờ sản lượng hải sản đánh bắt rất thất thường. Chuyến đi biển nào thuận lợi cũng không có lời nhiều, nếu không may gặp sự cố bà con còn phải chịu thua lỗ nặng", ông Mừng chia sẻ.

Còn ông Trần Văn Tùng, ở TP.Phan Thiết (Bình Thuận) có chiếc tàu công suất 350 CV, hành nghề kéo đơn vừa kết thúc chuyến biển với chi phí lên đến trên 100 triệu đồng, tăng hơn 30% so với trước, chủ yếu do giá dầu tăng.

"Giá dầu tăng cao quá mà sản lượng hải sản đánh bắt ngày càng suy giảm, cạn kiệt. Trong khi đó, giá bán sản phẩm cũng bấp bênh, chi phí nhân công.... cũng cao, trả hết các chi phí, có khi chủ tàu còn thua lỗ. Cứ đà này, tôi phải tính để tàu nằm bờ chờ giá dầu giảm mới ra khơi tiếp được", ông Tùng bày tỏ.

Để tiếp sức cho ngư dân, ông Mừng và ông Tùng cùng bà con làm nghề đi biển ở các tỉnh mong muốn cơ quan chức năng tạo điều kiện cho bà con ngư dân vay vốn có tiền mua xăng dầu và các chi phí khác để vươn khơi bám biển. 

"Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng mà bà con không được hỗ trợ chắc mọi người kiệt sức, bỏ tàu hết", ông Tùng khẳng định.

Ông Bùi Gia Phong cho hay: Sau nhiều tháng cho tàu nằm bờ do dịch Covid-19, nhiều ngư dân lại tiếp tục cho tàu nằm bờ vào mùa cao điểm đánh bắt do giá xăng dầu, chi phí nhân công, hậu cần ..., càng ra khơi càng thua lỗ khi giá bán hải sản vẫn giảm sâu.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem