Giá xăng dầu Việt Nam tới đây sẽ được điều chỉnh thế nào?
Nhật Bản có thể trợ giá xăng dầu để hạ nhiệt thị trường
Theo giới phân tích, giá bán lẻ xăng ở Nhật Bản có thể sẽ tăng vượt ngưỡng 170 yen/lít (1 yen = 198,40 đồng, tức khoảng 33.728 đồng/lít), mức cao nhất trong vòng gần 13 năm qua, nếu giá dầu thô trên thế giới tiếp tục tăng nhờ sự phục hồi của các hoạt động kinh tế ở nhiều nước sau khi các hạn chế nhằm kiểm soát dịch Covid-19 được nới lỏng.
Trong bối cảnh đó, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đang nghiên cứu khả năng thực hiện một biện pháp khẩn cấp để hạ nhiệt thị trường.
METI dự định sẽ trợ cấp tới 5 yen/lít cho các nhà phân phối xăng dầu nếu giá bán lẻ xăng vượt ngưỡng 170 yen/lít.
Hệ thống trợ giá này sẽ được duy trì từ cuối tháng 12/2021 tới tháng 3/2022. Mục tiêu là nhằm duy trì giá bán lẻ loại nhiên liệu này trong tầm kiểm soát, chứ không phải hỗ trợ các công ty bán buôn.
METI cũng sẽ cân nhắc biện pháp tương tự đối với giá dầu hỏa và diesel.
Những ngày qua, giá xăng dầu thế giới có lúc giảm nhưng đã tăng trở lại. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,12% lên 77,56 USD/thùng vào lúc 6h30 (giờ Việt Nam) ngày 18/11. Giá dầu thô Brent giao tháng 1 cũng tăng 0,01% lên 80,2 USD/thùng.
Tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 2,1 triệu thùng trong tuần trước, ngược lại với kỳ vọng tăng 1,4 triệu thùng của các nhà phân tích.
Việt Nam đã chi hơn 9.000 tỷ đồng để "hạ nhiệt" giá xăng dầu
Trong nước, giá xăng đầu đã được điều chỉnh kỳ gần đây nhất (ngày 10/11) ở mức cao, hiện giá xăng dầu thuộc vùng 1 được niêm yết: Xăng RON 95 25.090 đồng/lít, xăng RON 92 23.660 đồng/lít, dầu diesel 19.060 đồng/lít, dầu hỏa 17.630 đồng/lít. Bảng giá bán lẻ tại vùng 2 cao hơn, xăng RON 95 lên đến 25.590 đồng/lít và xăng RON 92 là 25.480 đồng/lít.
Giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo TS.Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thuỷ sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Ông Lâm nhấn mạnh: "Đối với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 % - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế".
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về tổng kết đánh giá công tác điều hành giá quý III/2021, kịch bản điều hành giá quý IV/2021, đầu năm 2022, thông tin về các mặt hàng cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, tránh gây ảnh hưởng đến giá các mặt hàng khác, thời gian qua, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã phải liên tục chi từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức chi hơn 9.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Quỹ chỉ có hạn và các doanh nghiệp xăng dầu như Petrolimex, PV OIL đã âm quỹ quỹ bình ổn. Ví dụ Petrolimex âm 700 tỷ đồng, PV OIL âm 200 tỷ đồng.
"Hiện nay, chúng ta rất mong muốn là giữ được giá xăng dầu hoặc giảm là tốt nhất, còn nếu tăng thì mức tăng ít nhất. Nhưng việc điều hành vẫn phải đảm bảo phản ánh được xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới và quan trọng nhất là phải phù hợp với thực tế hiện nay là dư địa điều hành của chúng ta. Tức là chỉ có hai cách, hoặc phải tăng theo giá thế giới, hoặc phải giảm thuế" – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Bộ Công Thương đã có báo cáo Chính phủ về việc hiện cơ cấu thuế đang chiếm hơn 40% giá thành sản xuất xăng dầu. Trong khi đó, các dự báo đều cho rằng, giá xăng dầu trên thế giới sẽ tiếp tục diễn biến khó lường từ nay đến cuối năm. Nếu giá xăng dầu thế giới giảm sẽ thuận lợi cho công tác điều hành giá mặt hàng này trong nước song nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng thì ta cũng phải có dư địa để điều chỉnh giá xăng dầu nội địa.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: "Chúng tôi khẳng định rằng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tài chính để có thể đảm bảo làm được những gì tốt nhất trong phạm vi năng lực và tính toán xem công cụ mà chúng ta có trong tay là gì để có thể điều hành tốt nhất giá xăng dầu trong nước".