Giải ngân đầu tư công: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng nằm trong 6 bộ ngành "không biết tiêu tiền"
Theo Bộ Tài chính, năm 2023, các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn là 34.512,5 tỷ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của NSTW 16.117,7 tỷ đồng (50/63 địa phương), vốn vay lại là 18.394,8 tỷ đồng (57/63 địa phương).
Tính đến 27/06/2023, số kế hoạch vốn các địa phương đã phân bổ và nhập Tabmis cho các dự án là 27.385,13 tỷ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của NSTW là 14.225,28 tỷ đồng chiếm 88,2% kế hoạch vốn được giao, vốn vay lại là 13.159,85 tỷ đồng chiếm 71,5% kế hoạch vốn được giao.
Kết quả giải ngân vốn nước ngoài 06 tháng đầu năm 2023 (tính đến ngày 27/6/2023) của các địa phương vẫn thấp, chỉ đạt 7,6% kế hoạch vốn năm 2023 được giao (tính cho cả kế hoạch vốn cấp phát và vay lại). Mới có 8/50 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 15%, 13/50 địa phương chưa giải ngân vốn NSTW cấp phát bổ sung có mục tiêu cho NSĐP.
Bộ Tài chính cho biết hiện chỉ có 5/11 bộ, ngành có số giải ngân. Cơ quan bộ, ngành trung ương giải ngân cao nhất là Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (47,4%), Bộ Giao thông Vận tải (30,9%) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (30,6%)... Bộ Tài nguyên và Môi trường (4,2%) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (5,3%).
Đáng chú ý, hiện nay 6 bộ, cơ quan Trung ương còn lại chưa có giải ngân là Đại học quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội (mới được phê duyệt điều kiện cho vay lại, ký hiệp định vay phụ và hợp đồng ủy quyền); các đơn vị còn lại gồm Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Về nguyên nhân giải ngân chậm, Bộ Tài chính cho biết, vướng mắc liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, sử dụng vốn dư.
Các dự án thuộc nhóm này phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thực hiện, gia hạn giải ngân hoặc đang làm thủ tục sử dụng vốn dư.
Nguyên nhân chính các dự án phải xin gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân là do các công tác triển khai dự án chậm trễ và chưa kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh.
Bên cạnh đó là các vướng mắc trong khâu đầu thầu hoặc hợp đồng thương mại, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, do điều chỉnh thiết kế và do biến động giá nguyên vật liệu, khó huy động nhân công.
Theo Bộ Tài chính, các dự án y tế không thể giải ngân trong năm 2022 và cả nửa đầu năm 2023 do hàng loạt cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế đã làm cho các thiết bị y tế dù đã nhập về nhưng vẫn không thể đưa vào sử dụng.
Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023, cần triển khai các giải pháp sau:
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất giải pháp để xử lý các vướng mắc trong công tác thẩm định thiết kế để đảm bảo tiến độ thẩm định thiết kế của các dự án.
Tương tự, Bộ Y tế cũng được yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất giải pháp để xử lý các vướng mắc trong lĩnh vực y tế để tháo gỡ khó khăn liên quan đến công tác đưa thiết bị y tế vào lưu hành, sử dụng.
Đối với các địa phương và Ban quản lý dự án, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn, có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước 1/9/2022 để phối hợp thực hiện.
Đối với chương trình/dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các địa phương báo cáo và phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư, phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký (nếu có).
Đối với các dự án có vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án, các địa phương, Ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; hoàn thiện các thiết kế kỹ thuật, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu.
Các Ban quản lý dự án trung ương của các dự án Ô do các Bộ ngành làm cơ quan chủ quản cần có hướng dẫn, tập huấn về nghiệp vụ, năng lực cho các ban quản lý dự án địa phương để đảm bảo dự án được triển khai đồng bộ, hiệu quả.