Giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Công Thương thuộc nhóm dưới trung bình cả nước
Như vậy, Bộ Công Thương thuộc nhóm các cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp, không đạt mức trung bình của cả nước là trên 58%.
Về số giải ngân trên thực tế hết tháng 11/2022, theo báo cáo của Bộ Công Thương cơ quan này chỉ giải ngân 226,6 tỷ đồng (bằng 27,5% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao). Dự kiến đến hết tháng 12, giải ngân 392,036 tỷ đồng, đạt 47,5% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trước thực trạng giải ngân chậm, Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ cho điều chỉnh giảm tổng vốn từ 825 tỷ đồng, xuống còn 418,571 tỷ đồng.
Mới đây, Bộ Tài chính cho biết, tính hết ngày 31/11, thanh toán nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước mới chỉ đạt 338.319 tỷ đồng, đạt 58,3% kế hoạch được Chính phủ giao.
Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ giải ngân của cả nước vẫn đang đạt thấp so với kế hoạch vốn được giao, cũng như so với cùng kỳ năm trước.
Kế hoạch giải ngân được Chính phủ giao năm 2022 là hơn 645.298 tỷ đồng. Như vậy, cả nước mới chỉ giải ngân được hơn 52% kế hoạch được giao. Tổng vốn chưa thể giải ngân được còn khoảng hơn 306.900 tỷ đồng, tương đương khoảng 13 tỷ USD.
Bộ Tài chính cho biết, vốn đầu tư công vẫn ế hoặc đang bị nhốt kho khoảng 13 tỷ đồng này là vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách, vốn vay ưu đãi.
Đáng nói, tình trạng các bộ, ngành địa phương vẫn khá chậm chạp trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện vẫn còn 27/52 bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó có 12 bộ và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%.
Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương, những tháng cuối năm, việc thực hiện các dự án còn gặp một số khó khăn.
Cụ thể, nhiều địa phương đang triển khai thực hiện lập quy hoạch, do đó nhiều địa bàn thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ đối với khu đất được giới thiệu, chấp thuận địa điểm của dự án nên ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án (Bộ Tư pháp; Tòa án nhân dân tối cao…).
Khó khăn khác đó là một số dự án khởi công mới thực hiện đấu thầu vào quý 3/2022 với các gói thầu có giá trị lớn; một số dự án có thời gian thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư dự án của các cơ quan quản lý nhà nước bị kéo dài do một số hạng mục công việc không thống nhất ý kiến giữa các đơn vị thẩm định.
Bên cạnh đó, một số dự án đặc thù cung cấp thiết bị khoa học là thiết bị cần được đặt hàng, chế tạo tại nước ngoài nên thời điểm bàn giao thiết bị tập trung vào cuối năm… do vậy, khối lượng thực hiện và giải ngân của các dự án dồn vào thời điểm cuối năm.
Thực tế tại một số bộ, ngành cũng cho thấy một số dự án đầu tư thực hiện ở nước ngoài đến nay chưa giải ngân do hợp đồng xây dựng không áp dụng tạm ứng hợp đồng mà theo phương pháp thanh toán theo đợt, dự kiến sẽ giải ngân tại thời điểm cuối năm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Đặc biệt, dự án tại nước ngoài bị chậm do quy định về đấu thầu của Việt Nam và nước ngoài có nhiều điểm khác biệt nên đơn vị tư vấn nước ngoài cần nhiều thời gian để cung cấp hồ sơ theo đúng quy định, nội dung khảo sát, thẩm tra hồ sơ yêu cầu; tình hình lạm phát toàn cầu, biến động về tỷ giá ảnh hưởng trực tiếp đến dự toán gói thầu đã được phê duyệt và công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn (Bộ Ngoại giao).