Giám đốc pha chế, buôn bán xăng giả ở Bà Rịa - Vũng Tàu có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 25/06/2022 15:10 PM (GMT+7)
Cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Công ty TNHH thương mại vận tải Gia Khiêm và hai người khác. Cả ba bị bắt về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Những người này có thể bị xử lý thế nào?
Bình luận 0

Giám đốc pha chế, buôn bán xăng giả bị bắt

Ba người bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Võ Hoài Phương (38 tuổi, quê Châu Thành, Bến Tre, trú tại TP Thủ Đức, TP.HCM) - Giám đốc Công ty TNHH thương mại vận tải Gia Khiêm; Trần Văn Hiếu (47 tuổi, thường trú TP Tân An, Long An) và Nguyễn Phúc Hoàng (28 tuổi, thường trú quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cùng tạm trú tại thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Giám đốc pha chế, buôn bán xăng giả ở Bà Rịa - Vũng Tàu có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Bị can Võ Hoài Phương lúc bị bắt tại nhà riêng - Ảnh: Công an cung cấp

Trước đó, đêm 18/6, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt quả tang Trần Văn Hiếu và Nguyễn Phúc Hoàng đang bơm hóa chất từ xe bồn xuống hầm chứa xăng tại cửa hàng bán lẻ Gia Khiêm Vũng Tàu (phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Cửa hàng này là đại lý kinh doanh xăng dầu của Công ty TNHH thương mại vận tải Gia Khiêm.

Trong đêm 18/6, cơ quan cảnh sát điều tra bắt khẩn cấp Võ Hoài Phương, khám xét khẩn cấp nơi ở của Phương và cây xăng Gia Khiêm Vũng Tàu, thu giữ nhiều vật chứng liên quan.

Pha chế, buôn bán xăng giả bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, các đối tượng trong vụ án này có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất tới 15 năm tù.

Với pháp nhân thương mại phạm tội, mức phạt có thể tới 9 tỷ đồng theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự.

Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra, kết quả điều tra ban đầu cho thấy Võ Hoài Phương đã cho làm thêm hệ thống bồn chứa, máy bơm xăng nằm ngoài hệ thống được cấp phép.

Phương mua 10,8 tấn hóa chất đổ vào các bồn làm thêm, mua chất tạo màu. Phương hướng dẫn Hiếu, Hoàng pha trộn xăng, hóa chất, chất tạo màu với nhau. Sau đó đem đi tiêu thụ tại các cây xăng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, TP.HCM...

Với số lượng hàng hóa được thu giữ và kết quả giám định của cơ quan chức năng xác định đây là xăng giả, không phải là xăng được sản xuất theo quy định của pháp luật, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định pháp luật, việc khởi tố đối với các bị can trong vụ án này là có căn cứ.

Ông Cường cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ phương thức thủ đoạn. Phải vai trò và số lượng xăng dầu mà các đối tượng này đã sản xuất, mua bán trái phép trong thời gian qua là như thế nào

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ số hóa chất sử dụng để sản xuất sang trái phép; nguồn gốc số hóa chất này được mua ở đâu; đối tượng nào chủ mưu cầm đầu đối với hành vi sản xuất hàng giả, hàng giả được sản xuất từ bao giờ, tiêu thụ ở đâu và gây ra những hậu quả như thế nào đối với xã hội để có hình thức xử lý.

Số lượng hàng hóa sản xuất và mua bán trái phép là tình tiết quan trọng để xác định tính chất nguy hiểm của hành vi xác định hậu quả có thể gây ra đối với xã hội làm cơ sở xác định khung hình phạt có thể áp dụng đối với các bị can trong vụ án này.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy pháp nhân thương mại cũng thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan điều tra sẽ khởi tố pháp nhân thương mại để xử lý theo quy định của pháp luật.

Và cũng có thể khởi tố cả cá nhân và pháp nhân thương mại về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự bởi hành vi và vai trò chủ thể của tổ chức và cá nhân là khác nhau nhưng cùng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem