Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định nói về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Mai Chiến Thứ tư, ngày 06/12/2023 08:07 AM (GMT+7)
Ông Vũ Trọng Quế - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt về chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Bình luận 0

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định, ông Vũ Trọng Quế cho biết, thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới chính là góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh trên địa bàn tỉnh Nam Định. Do đó, xây dưng nông thôn mới không thể tách rời công cuộc chuyển đổi số...

Chuyển đổi số ở Nam Định: "Xây dưng nông thôn mới không thể tách rời công cuộc chuyển đổi số" - Ảnh 1.

Ông Vũ Trọng Quế - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định. Ảnh: Mai Chiến.

Nam Định phát triển chuyển đổi số nông thôn tập trung trên ba phương diện

-Xin ông cho biết, công tác triển khai chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới nông thôn mới thông minh tại tỉnh Nam Định trong thời gian vừa qua?

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025; tỉnh Nam Định xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia tích cực của người dân. 

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 về "Chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 09 và Kế hoạch số 140/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 tỉnh Nam Định.

Nội dung chuyển đổi số nông thôn tập trung trên ba phương diện: (i) Phát triển chính quyền số ở nông thôn; (ii) Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; (iii) Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Trong đó, tỉnh Nam Định tập trung vào 5 nhiệm vụ chính sau:

Một là, phát triển, hoàn thiện hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn

Tỉnh Nam Định đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn/xóm (hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao; hạ tầng mạng di động 4G/5G; hạ tầng kết nối internet, hạ tầng kết nối IoT,…), nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân. Từ năm 2020 đến nay các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã được Sở TT&TT tỉnh Nam Định chấp thuận 579 vị trí phù hợp với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. Trong đó đã xây dựng và phát triển được 315 trạm BTS, góp phần vào việc phủ sóng 3G, 4G đến 100% địa bàn các khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có 176.540 hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử; 201.542 hộ sản xuất nông nghiệp được tập huấn kỹ năng số; 1.959 sản phẩn nông nghiệp của tỉnh được bán và giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.

Chuyển đổi số ở Nam Định: "Xây dưng nông thôn mới không thể tách rời công cuộc chuyển đổi số" - Ảnh 2.

Ông Trần Xuân Hướng - cán bộ Sở TT&TT tỉnh Nam Định truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn người dân tiếp cận chuyển đổi số. Ảnh: Mai Chiến.

Hai là, tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin cơ sở, từng bước chuyển các đài truyền thanh cấp xã sang sử dụng hệ thống truyền thanh ứng dung công nghệ thông tin – viễn thông

Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2025, có 40% số đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang sử dụng hệ thống truyền thanh ứng dung công nghệ thông tin – viễn thông; xây dựng hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh để quản lý tập trung và cung cấp thông tin thiết yếu cho hệ thống thông tin cơ sở.  Đến năm 2030, 100% đài truyền thanh cấp xã sẽ chuyển từ công nghệ truyền thanh cũ (không dây FM, có dây) sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông.

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có trên 25 xã thực hiện chuyển đổi từ mô hình đài truyền thanh có dây/không dây FM sang mô hình đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông. Hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh đang từng bước ứng dụng và sử dụng thiết bị công nghệ trong hoạt động thông tin cơ sở như trang thông tin điện tử, ứng dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook), mạng viễn thông để thông tin (nhắn tin SMS đến thuê bao di động) để tuyên truyền một cách nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, nhất là trong những tình huống khẩn cấp như phòng, chống dịch bệnh; phòng chống lụt, bão...

Ba là, phát triển, duy trì các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính để làm hạ tầng cho thương mại điện tử và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến

Trên toàn tỉnh có 337 điểm phục vụ bưu chính. Trong đó 100% số điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ. Bưu điện tỉnh có 197 điểm bưu điện văn hóa xã và 66 Bưu cục, còn lại là các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát khác. Các điểm dịch vụ bưu chính đã đáp ứng tốt nhu cầu chuyển phát của người dân và doanh nghiệp, làm hạ tầng cho thương mại điện tử phát triển.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 55/197 điểm bưu điện văn hóa xã (chiếm 27%) có khả năng phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân như có trang bị máy tính có kết nối Internet, máy in và có nhân viên phục vụ được đào tạo, tập huấn kỹ năng để thực hiện cung cấp các dịch vụ gửi, nhận hồ sơ trực tuyến.

Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước 3 cấp của tỉnh

Hiện nay, 100% tài khoản và mật khẩu thư công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã được tích hợp với Hệ thống đăng nhập một lần của tỉnh (SSO) để sử dụng đăng nhập vào các phần mềm dùng chung của tỉnh trong thực hiện chuyển đổi số và các phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử và được kết nối liên thông qua Trục liên thông văn bản của tỉnh. Bình quân một tháng có trên 50.000 văn bản đến và hơn 11.600 văn bản đi được xử lý trên phần mềm.

Chuyển đổi số ở Nam Định: "Xây dưng nông thôn mới không thể tách rời công cuộc chuyển đổi số" - Ảnh 3.

Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Nam Định tổ chức tập huấn chuyển đổi số cho các hội viên nông dân trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng. Ảnh: Mai Chiến.

Ngoài ra, Nam Định đã cấp, bàn giao, hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho 648 tổ chức, 4.630 cá nhân thuộc UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn. Bình quân hàng tháng có gần 8.000 văn bản sử dụng chữ ký số của các cơ quan nhà nước ở 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) được xử lý trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành.

Cùng với đó, Nam Định triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh cho 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được. Niêm yết công khai 1.723 TTHC của tỉnh, 100% hồ sơ TTHC của người dân, doanh nghiệp được các cơ quan nhà nước 3 cấp của tỉnh tiếp nhận, giải quyết công khai trên cổng; 100% quy trình giải quyết TTHC của tỉnh được xây dựng quy trình điện tử và công khai trên Hệ thống để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện; 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần được cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Năm là, triển khai gắn mã, cập nhật, thông báo địa chỉ số

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TTTT tỉnh Nam Định đã tiếp nhận bàn giao dữ liệu địa chỉ số từ Bưu điện tỉnh và tiến hành bàn giao cho các huyện, thành phố để triển khai thông báo địa chỉ số cho các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Hiện trên tỉnh Nam Định đã cập nhật, gán nhãn cho 675.000 địa chỉ số trên Nền tảng địa chỉ số quốc gia cho các hộ gia đình, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các địa điểm công cộng trên địa bàn tỉnh.

Sáu là, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ cấp xã và phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn

Sở TT&TT tỉnh Nam Định đã tổ chức 12 hội nghị trực tuyến đến các xã, phường, thị trấn (năm 2022 tổ chức 9 hội nghị, 2023 đã tổ chức 3 hội nghị) để tập huấn các kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho 100% cán bộ công chức cấp xã. Ngoài ra, thông qua nền tảng học mở của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TT&TT tỉnh Nam Định phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức đào tạo theo hình thức học trực tuyến cho trên 500 cán bộ công chức cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh các kỹ năng, kiến thức về

Đến nay, Sở TT&TT đã tổ chức được 70 lớp cho các xã, phường, thị trấn đang xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểm mẫu năm 2023. Tổng số người dân được tập huấn trong các hội nghị đạt trên 14.000 người. Các kỹ năng số cơ bản được tập huấn đến người dân như kỹ năng sử dụng các hệ thống và nền tảng số, kỹ năng đảm bảo an toàn trên môi trường mạng, kỹ năng thiết lập và cài đặt các thiết bị số…

Bài học kinh nghiệm của tỉnh Nam Định

Chuyển đổi số ở Nam Định: "Xây dưng nông thôn mới không thể tách rời công cuộc chuyển đổi số" - Ảnh 4.

Đoàn thanh niên, cán bộ trẻ xã Trực Chính (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) tìm hiểu thông tin, dự lớp tập huấn về chuyển đổi số do cán bộ Sở TT&TT tỉnh Nam Định đứng lớp. Ảnh: Mai Chiến.

-Tỉnh Nam Định đã rút ra được những bài học kinh nghiệm nào trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, thưa ông?

Thứ nhất, chuyển đổi số cần sự tham gia trực tiếp của người đứng đầu. Người đứng đầu lựa chọn vấn đề cần được ưu tiên giải quyết, là người đưa ra các bài toán cần giải quyết, ngoài ra cần có cơ chế giám sát thường xuyên, liên tục, kịp thời để phát hiện sự chệch hướng; họp ban chỉ đạo định kỳ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong xây dựng NTM, người đứng đầu ở đây là đồng chí Bí thư Đảng ủy, đồng chí Chủ tịch HĐND, UBND xã.

Thứ hai, chuyển đổi số cần chú trọng thực chất, hiệu quả, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Đầu tư cho hệ thống cần chú trọng tính bền vững. Dự án đầu tư phải làm rõ hiệu quả mang lại lớn hơn giá trị bỏ ra, phương án quản lý vận hành hệ thống sau đầu tư, mua sắm. Do đó, vai trò định hướng, hỗ trợ, tư vấn của Sở TT&TT cho các xã trong chuyển đổi số nói chung và hướng dẫn, xây dựng các tiêu chí thông tin và truyền thông trong trong Bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 là rất quan trọng.

Thứ ba, thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số đó là kỹ năng số của người dân. Do đó, để thực chuyển đổi số thành công thì mỗi công chức, viên chức, cán bộ thôn, xóm, cán bộ, nhân viên các tổ chức chính trị ở địa phương, tổ công nghệ số cộng đồng… phải thường xuyên bổ sung kiến thức, kỹ năng số. Mỗi cán bộ công chức, viên chức, các cán bộ lòng cốt trong tổ công nghệ số cộng đồng phải là một tuyên truyền viên, hướng đạo viên cho người dân, đặc biệt người dân trong độ tuổi lao động.

-Vậy phương hướng, giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nam Định những năm tới là gì?

Với quan điểm chỉ đạo xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, lâu dài, chỉ có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc. Các tiêu chí NTM thì ngày càng phải đi vào chiều sâu, tăng cả lượng và chất của các tiêu chí. Song song nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Nam Định sẽ tập trung chỉ đạo và hướng đến nông thôn thông minh. Do đó, trong những năm tới, Nam Định cần triển khai theo các phương hướng và giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn thông minh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, chính quyền và người dân. Để từ đó tích cực, chủ động học hỏi và mạnh dạn ứng dụng công nghệ số vào xây dựng chính quyền số, vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp số và phát triển xã hội số ở nông thôn.

Chuyển đổi số ở Nam Định: "Xây dưng nông thôn mới không thể tách rời công cuộc chuyển đổi số" - Ảnh 5.

Đến nay, Sở TT&TT tỉnh Nam Định đã tổ chức được 70 lớp cho các xã, phường, thị trấn đang xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểm mẫu năm 2023. Ảnh: Mai Chiến.

Hai là, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ các cấp. Số hóa dữ liệu, xây dựng các kho dữ liệu sống ở cấp xã, hướng đến việc ra quyết định dựa trên dữ liệu thay vì dựa trên cảm tính.

Ba là, nâng cao kỹ năng số cộng đồng cho người dân (kỹ năng thiết lập và cài đặt các thiết bị số, sử dụng smartphone, khai thác internet, sử dụng các phần mềm ứng dụng và các nền tảng số, đặc biệt phục vụ cho sản xuất và tiêu thụ nông sản, bán hàng trực tuyến...), hình thành đội ngũ nông dân số gắn liền với quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.

Bốn là, thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn. Đưa các ứng dụng của khoa học công nghệ để làm thay đổi phương thức sản xuất của người dân nông thôn tạo ra giá trị gia tăng cao, sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải trong sản xuất, bảo vệ môi trường.

Năm là, đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp, nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Bản đồ số nông nghiệp có vị trí quan trọng, bởi qua đó người dân, doanh nghiệp có thể biết được vị trí, chất đất, khí hậu, thời tiết phù hợp với giống cây trồng nào, nguồn sản lượng ra sao... Đây chính là cơ sở dữ liệu quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp triển khai, quy hoạch cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Sáu là, tăng cường hỗ trợ nông dân, hợp tác xã tiêu thụ nông sản trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Mỗi địa phương cần đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi, giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận phương thức mua bán nông sản an toàn, hiện đại dưới sự quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm của cơ quan quản lý.

Xin cảm ơn ông !

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem