Chuyển số đổi ở Nam Định: Giấc mơ đạt chuẩn xã nông thôn mới thông minh còn xa (Bài 3)

Mai Chiến Chủ nhật, ngày 03/12/2023 06:00 AM (GMT+7)
Sau khi về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian qua xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đẩy mạnh triển khai xây dựng xã nông thôn mới thông minh. Tuy nhiên, địa phương này đang gặp nhiều khó khăn vì mọi thứ vẫn "rối như tơ vò".
Bình luận 0

CLIP: Quang cảnh nông thôn mới ở xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Thực hiện: Mai Chiến.

Mô hình điểm xây dựng xã nông thôn mới thông minh còn lắm nhiêu khê

Giao Phong là xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Nam Định. Sau khi về đích NTM kiểu mẫu, địa phương tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí, hướng tới xây dựng xã NTM thông minh.

Tháng 3/2023, xã Giao Phong được Bộ NNPTNT chọn thí điểm xây dựng mô hình xã NTM thông minh. Thời gian thực hiện thí điểm mô hình xã NTM thông minh đến hết năm 2025. Dự kiến tổng kinh phí triển khai mô hình khoảng 10 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 8 tỷ đồng, còn lại là ngân sách đối ứng của địa phương.

Chuyển số đổi ở Nam Định: "Giấc mơ" đạt chuẩn xã nông thôn mới thông minh còn xa vời (Bài 3) - Ảnh 2.

Đường giao thông ở xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) được nâng cấp, mở rộng, sạch sẽ. Ảnh: Mai Chiến.

Do là mô hình điểm, còn mới mẻ nên xã Giao Phong gặp rất nhiều khó khăn, áp lực trong quá trình triển khai thực hiện xã NTM thông minh. Công việc nhiều, nhưng thời gian thực hiện lại ngắn. Mọi khâu thực hiện vẫn đang mơ hồ, "rối như tơ vò".

Ông Phạm Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Giao Phong thừa nhận, việc triển khai xây dựng xã NTM thông minh còn gặp nhiều khó khăn. Địa phương vừa xây dựng dự thảo đề án thực hiện xã NTM thông minh, hiện đề án này đang chờ UBND tỉnh Nam Định xem xét, phê duyệt.

"NTM thông minh yêu cầu mọi lĩnh vực phải áp dụng chuyển đổi số. Đối với những người trẻ thì tiếp cận các nền tảng số còn dễ, chứ đối với những người lớn tuổi sẽ gặp không ít khó khăn", ông Sơn chia sẻ.

Lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Nam Định cho hay, thời gian qua, ngành thông tin truyền thông tỉnh Nam Định có phối hợp với Sở NNPTNT Nam Định, UBND huyện Giao Thủy, UBND xã Giao Phong thảo luận, đề xuất các phương án triển khai sao cho phù hợp nhất, hiệu quả nhất.

"Sở đã đưa ra một số giải pháp, trong đó có đề nghị xã Giao Phong - đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện mô hình NTM thông minh thuê 1 đơn vị có chuyên môn nghiệp vụ về tư vấn hoặc đứng lên thành lập Tổ tư vấn, khi đó Sở sẽ cử cán bộ cùng tham gia Tổ tư vấn này", vị này chia sẻ.

Chuyển số đổi ở Nam Định: "Giấc mơ" đạt chuẩn xã nông thôn mới thông minh còn xa vời (Bài 3) - Ảnh 3.

Xã Giao Phong tổ chức Hội nghị thảo luận về các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu. Ảnh tư liệu.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Nam Định, mô hình xã NTM thông minh được thực hiện sẽ giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM, nâng cao chất lượng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, thiết yếu và đời sống người dân trên địa bàn xã…

Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Nam Định chia sẻ, giai đoạn hiện nay, xã Giao Phong đang tiếp tục xây dựng, nâng cấp hạ tầng thiết bị; lắp đặt hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, lắp đặt bảng điện tử công cộng…

"Dự kiến trong thời gian ngắn nữa, đề án xây dựng xã NTM thông minh tại Giao Phong sẽ được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt. Từ đề án đó, cơ sở sẽ triển khai thực hiện và đề án này thực hiện đến hết năm 2025", lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Nam Định thông tin thêm.

Để trở thành xã nông thôn mới thông minh cần phải làm những gì?

Tháng 5/2023, Bộ NNPTNT có ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về hướng dẫn tạm thời triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã NTM thông minh, xã thương mại điện tử.

Chuyển số đổi ở Nam Định: "Giấc mơ" đạt chuẩn xã nông thôn mới thông minh còn xa vời (Bài 3) - Ảnh 4.

Sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa thôn Lâm Phú - thôn đạt chuẩn NTM thông minh của xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Ảnh: Mai Chiến.

Trong đó, Bộ NNPTNT có hướng dẫn 1 số nội dung xây dựng thí điểm xã NTM thông minh. Theo đó, một xã NTM thông minh cần triển khai thực hiện một số hoặc toàn bộ các nội dung thuộc 6 nhóm chủ đề.

Cụ thể 6 nhóm là Chính quyền điện tử định hướng chính quyền số; Hạ tầng số; Dịch vụ nông thôn số; Kinh tế nông thôn; Quản lý môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

Theo UBND xã Giao Phong, hiện nay trên địa bàn xã đã có 1 điểm phục vụ bưu chính đáp ứng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 82,1%.

Trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu, xã đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội. Hiện nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của xã đạt 100%, thủ tục hành chính đủ điều kiện ở mức độ 4 trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Đồng thời, triển khai lắp đặt mạng wifi miễn phí ở 8 điểm công cộng (khu vực trung tâm xã, nơi sinh hoạt cộng đồng, điểm du lịch cộng đồng...).

Những năm qua, cán bộ, công chức xã Giao Phong được tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tập huấn chuyển đổi số. Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin đạt 100%...

Hiện nay, trên địa bàn toàn xã có 4 sản phẩm OCOP được giới thiệu, quảng bá trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử; 100% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích được thông báo, gắn biển địa chỉ số đến từng điểm địa chỉ.

Chuyển số đổi ở Nam Định: "Giấc mơ" đạt chuẩn xã nông thôn mới thông minh còn xa vời (Bài 3) - Ảnh 5.

Người dân xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) tìm hiểu thông tin pháp luật. Ảnh: Mai Chiến.

Ngoài ra, trong lĩnh vực hành chính công, địa phương công khai 100% thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử. Cập nhật và công khai đầy đủ các quy trình nội bộ, quy trình điện tử được UBND tỉnh công bố trên cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và trên trang thông tin điện tử của xã.

Năm 2022, kết quả số hóa TTHC và trả kết quả TTHC là 1.342/2.904 hồ sơ (đạt 46,21%); kết quả thanh toán trực tuyến/tổng số hồ sơ TTHC phát sinh phí là 1.163/2.904 hồ sơ (đạt 40,04%); tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ là 2.904/4.039 hồ sơ (đạt 71,89%); mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt 99,5%.

100% người dân và doanh nghiệp khi sử dụng Dịch vụ công trực tuyến đã được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt trên hệ thống thông tin của chính quyền cấp xã... Giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định và không để xảy ra khiếu nại vượt cấp.

Để được công nhận huyện Nông thôn mới nâng cao, thì trên địa bàn huyện đó phải xây dựng thành công ít nhất 1 mô hình xã NTM thông minh - tiêu chí bắt buộc trong Bộ Tiêu chí xây dựng huyện NTM nâng cao tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem