Giáo viên mầm non thất nghiệp nhưng không được trông trẻ ở nhà, luật sư nói gì?

Tào Nga Chủ nhật, ngày 12/12/2021 06:25 AM (GMT+7)
Giáo viên mầm non khó khăn và bức xúc với quy định không được tổ chức dạy thêm, học thêm và trông giữ trẻ liệu có đúng hay không?
Bình luận 0

Chia sẻ về vấn đề giáo viên mầm non hiện nay thất nghiệp có được nhận trông trẻ ở nhà hay không, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay: "Với diễn biến tình hình dịch bệnh kéo dài thì gần như các cơ sở giáo dục tư thục, trong đó phần lớn là giáo dục mầm non đóng băng, không thể hoạt động được. Nhiều cơ sở đã phải đóng cửa, phá sản, nhiều giáo viên mất việc làm phải đi làm những công việc lao động chân tay. 

Do đó, trách nhiệm của các cán bộ lãnh đạo ngành Giáo dục không chỉ là đảm bảo về chất lượng hiệu quả, tiến độ giảng dạy mà còn phải quan tâm, chăm lo đến đời sống của cán bộ, giáo viên, kể cả các giáo viên tư thục, dân lập, tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cần phải được quan tâm tạo điều kiện như nhau để ổn định cuộc sống. 

Ngoài ra, rất nhiều phụ huynh vẫn phải đi làm, không phải ai cũng có thể nhờ người thân trông, giữ con ở nhà. Bởi vậy, nhu cầu nhờ người trông, giữ trẻ theo nhóm đang ngày càng gia tăng. Việc nhận giữ trẻ của giáo viên mầm non tại nhà sẽ giúp các bậc phụ huynh học sinh an tâm đi làm và góp phần cải thiện đời sống của nhiều người".

Giáo viên mầm non thất nghiệp nhưng không được nhận trông trẻ ở nhà, luật sư nói gì? - Ảnh 1.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật. Ảnh: NVCC

Nói về việc Phòng GDĐT quận Thanh Xuân, Hà Nội có những quy định siết chặt việc dạy và trông, giữ trẻ tại nhà khiến giáo viên phải viết đơn nghỉ việc để không bị ảnh hưởng, Luật sư Diệp Năng Bình bày tỏ: "Hoạt động giáo dục được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản pháp luật có liên quan. Đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo, phải thực hiện hoạt động giáo dục và đào tạo theo quy định của ngành Giáo dục, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cũng là một hoạt động nghề nghiệp đặc thù. 

Việc các cơ sở giáo dục có hoạt động hay không, hoạt động như thế nào trong thời điểm dịch bệnh, phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh cụ thể trên từng địa phương, theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ở địa phương. Việc phòng, chống dịch Covid-19 là trách nhiệm chung của toàn xã hội hiện nay. 

Tuy nhiên, hiện chỉ có Phòng GDĐT quận Thanh Xuân có những quy định siết chặt việc dạy và trông, giữ trẻ tại nhà của giáo viên mầm non tư thục như vậy. Quy định về hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như quy định về dạy thêm, học thêm ở Thủ đô sẽ do Sở GDĐT TP.Hà Nội quyết định, căn cứ vào các quy định của Bộ GDĐT, các văn bản của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. 

Giáo viên mầm non thất nghiệp nhưng không được nhận trông trẻ ở nhà, luật sư nói gì? - Ảnh 2.

Một giáo viên mầm non ở Hà Nội đang dạy cho học sinh. Ảnh: NVCC

Trường hợp phòng GDĐT quận Thanh Xuân ban hành công văn để hạn chế nhu cầu trông, giữ trẻ tại nhà của giáo viên mầm non tư thục là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, gây khó khăn cho các giáo viên và phụ huynh, học sinh, có thể gây ra những bức xúc trong dư luận. Việc bảo vệ sức khoẻ nhất là đối với trẻ em dưới 6 tuổi vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. 

Tuy nhiên, việc ban hành công văn mới đây của đơn vị này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những giáo viên mầm non tư thục đang chật vật kiếm sống do phải nghỉ dịch quá lâu, bên cạnh đó, còn ảnh hưởng tới những gia đình đang cần người trông nom con cái để có thì giờ đi làm, mưu sinh". 

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, nếu đã xác định sống chung với dịch bệnh như hiện nay thì quyết định nêu trên là chưa hợp lý và thiếu linh hoạt cũng như không đúng thẩm quyền. Do đó, Sở GDĐT nên xem xét về các quy định này, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, đơn cử như chỉ cho phép trông, giữ trẻ tại nhà khi đáp ứng được các tiêu chuẩn về phòng, chống dịch. 

"Chúng ta đang ở trong giai đoạn mới, phải thực hiện theo Nghị quyết 128/NQ-CP, cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 chứ không nên cấm đoán bất cứ một việc làm nào không phù hợp hay tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội như thời gian qua", Luật sư Diệp Năng Bình cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem