Lai Châu: Giống lúa được trồng ở độ cao 600 mét, cho ra thứ hạt "ngọc trời" nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc

Bình Minh Thứ hai, ngày 20/03/2023 06:35 AM (GMT+7)
Tận dụng điều kiện tự nhiên, khí hậu ưu đãi, Lai Châu đã xây dựng thương hiệu một số loại gạo đặc sản thơm, ngon, có độ dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong đó, giống lúa nếp Tan Pỏm, được ví như thứ "hạt ngọc trời" ở xã Tà Hừa, huyện Than Uyên đã nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc.
Bình luận 0

Trong vài năm trở lại đây, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm chú trọng bảo tồn các giống lúa đặc sản, có độ dinh dưỡng cao, góp phần lưu giữ nguồn gen quý của địa phương và mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nhằm hướng tới xây dựng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh.

Ông Dương Đình Đức, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu cho biết, Lai Châu vốn được khí hậu, thiên nhiên ưu đãi, đồng thời có nhiều giống lúa đặc sản như: Khẩu Ký, Séng Cù, nếp Tan Pỏm, Tà Cù, Tẻ Râu, Khẩu Hốc, Khẩu Lương Phửng… Nhờ đó, tỉnh đã xây dựng thương hiệu một số loại gạo đặc sản thơm, ngon, có độ dinh dưỡng cao và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Lai Châu: Giống lúa được trồng ở độ cao 600 mét, cho ra thứ hạt "ngọc trời" nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc  - Ảnh 1.

Mô hình trồng giống lúa nếp Tan Pỏm cho chất cơm dẻo, rất thơm, vị ngọt, giàu chất dinh dưỡng của đồng bào dân tộc Thái ở xã Tà Hừa, huyện Than Uyên (Lai Châu). Ảnh: Bình Minh

Để "đánh thức" tiềm năng, những năm qua, ngành chức năng cùng các địa phương trong tỉnh Lai Châu đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khôi phục, bảo tồn các giống lúa đặc sản; góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong đó, có giống lúa nếp Tan Pỏm đang được người dân ở xã Tà Hừa, huyện Than Uyên canh tác từ lâu đời.

Ông Quàng Văn Trưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hừa cho biết, vụ mùa năm 2022, xã gieo trồng 60 ha giống lúa nếp Tan Pỏm. Trong đó, diện tích phục tráng Tan Pỏm trắng 10 ha, năng suất 48 tạ/ha; diện tích Tan Pỏm đỏ 50 ha, năng suất 118 tạ/ha; sản lượng 108 tấn.

"Giống lúa nếp Tan Pỏm là giống lúa quý của đồng bào các dân tộc xã Tà Hừa. Nếp Tan Pỏm rất phù hợp với thổ nhưỡng của xã và được đồng bào canh tác ở độ cao trên 600 m so với mặt so mặt nước biển nên có giá trị dinh dưỡng cũng như kinh tế rất cao. Hiện, nếp Tan Pỏm đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao", ông Trưởng chia sẻ.

Lai Châu: Giống lúa được trồng ở độ cao 600 mét, cho ra thứ hạt "ngọc trời" nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc  - Ảnh 2.

Gạo nếp Tan Pỏm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: TL

Anh Tòng Văn Hom, xã Tà Hừa chia sẻ: "Nếp Tan Pỏm là giống lúa đặc sản, "báu vật" của đồng bào người Thái chúng tôi từ bao đời nay. Từ đời ông, bố rồi đến đời tôi và các con tôi đều lớn lên, gắn bó với giống lúa này. Trong ngày Tết hay những ngày lễ quan trọng của đồng bào người Thái thì cơm nếp, cốm, bánh chưng được nấu từ giống lúa nếp Tan Pỏm là không thể thiếu. Nếp Tan Pỏm như minh chứng sống cho sự ấm no của mỗi gia đình ở Tà Hừa".

Theo anh Hom, giống lúa nếp Tan Pỏm được chia thành hai loại là Tan đỏ và Tan trắng, nhưng chúng đều có một đặc trưng không thể lẫn với giống lúa nào khác, đó là hạt tròn, màu trắng ngà, mẩy đều, cho cơm dẻo, rất thơm, vị ngọt, giàu chất dinh dưỡng. Cứ đến mùa thu hoạch lúa, thương lái từ các vùng Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, thậm chí Hà Nội cũng tìm đến, "lùng sục" để mua bằng được lúa nếp Tan Pỏm. Có những người trả giá 16.000 đồng/kg thóc cũng không có để bán.

Hiện nay, gia đình anh Hom hiện đang trồng 7 sào Tan trắng và 9 sào Tan đỏ, mỗi năm cho sản lượng 5 đến 6 tấn lúa. "Giống lúa nếp Tan Pỏm này chỉ được bón phân chuồng thì chất lượng hạt gạo mới thơm ngon, nếu bón phân hóa học thì sẽ không thơm mấy", anh Hom chia sẻ.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem