Đề án “1 triệu nhà ở xã hội”: Giữ nguyên quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội tại dự án thương mại

Thái Nguyễn Thứ tư, ngày 28/06/2023 07:53 AM (GMT+7)
Quyết tâm triển khai Đề án "1 triệu căn nhà ở xã hội" của Chính phủ đã thu hút được sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là người thu nhập thấp, người nông dân hóa công nhân, những người lao động nông thôn bị mất đất không có việc làm phải chuyển đổi nghề.
Bình luận 0

Ngày 28/6, dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức hội thảo “1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp”. Hội thảo nhằm tìm kiếm phương án triển khai những giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ ngành, địa phương họp bàn trong thời gian qua.


Triển khai Đề án "1 triệu nhà ở xã hội" còn khó khăn

Ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Mục tiêu của đề án, phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn. Thủ tướng đã giao chỉ tiêu về nhà ở xã hội cho từng địa phương; đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Đề án.

Với mục tiêu của Đề án thì mỗi năm, thị trường sẽ đón nhận thêm khoảng 100.000 - 110.000 căn nhà ở xã hội. Do đó, cơ hội tiếp cận về nhà ở của người thu nhập thấp chắc chắn sẽ tăng lên. Trên cơ sở đó, thị trường bất động sản sẽ phát triển cân đối, hài hòa và bền vững hơn.

Đề án “1 triệu nhà ở xã hội”: Giữ nguyên quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội tại dự án thương mại  - Ảnh 2.

Giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn nhà ở xã hội (Ảnh: TN)

Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đến nay đạt kết quả còn hạn chế so với mục tiêu đề ra. Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến ngày 18/5/2023, trong giai đoạn 2021-2025, 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị đã hoàn thành hoàn thành, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn. Nguyên nhân là do những khó khăn, vướng mắc như liên quan tới việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; quỹ đất dành cho nhà ở xã hội; việc xác định giá bán nhà ở xã hội; ưu đãi dành cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thực sự thu hút;...

Để giải quyết những khó khăn, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và đã được Chính phủ thông qua, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép các chính sách về nhà ở xã hội (quy định tại chương VI dự thảo Luật) có hiệu lực sớm sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (dự kiến từ 01/01/2024).

Trong đó, bao gồm nhóm chính sách về: đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển.

Những giải pháp để giúp đề án "1 triệu căn nhà ở xã hội" sớm "về đích"

Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách tài chính đối với nhà ở xã hội cho thấy các ưu đãi về chính sách thuế, phí, lệ phí là giải pháp hỗ trợ của Nhà nước cả về cung và cầu, góp phần thu hút đầu tư phát triển trong lĩnh vực nhà ở nói chung, kinh tế địa phương nói riêng, khuyến khích đầu tư của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế vào phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Đồng thời, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của đất nước, nhất là các đối tượng là các đối tượng khó khăn về nhà ở, công nhân khu công nghiệp, người lao động nghèo.

Xuất phát từ thực hiện triển khai các hỗ trợ về tài chính đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội, để tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế, phí, lệ phí liên quan đến nhà ở xã hội nhằm thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần làm đòn bẩy phát triển thị trường nhà ở xã hội ổn định và bền vững, trong thời gian tới, Bộ Tài chính đang triển khai một số giải pháp về hoàn thiện thể chế.

Đề án “1 triệu nhà ở xã hội”: Giữ nguyên quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội tại dự án thương mại  - Ảnh 3.

Cần thêm nhiều giải pháp để hoàn thành Đề án "1 triệu nhà ở xã hội" của Chính phủ (Ảnh: TN)

Trong đó, Bộ nghiên cứu, đánh giá các Luật thuế để nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các luật thuế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cùng với đó, Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế đối với bất động sản theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thuế đối với nhà nhằm góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả.

Về "điểm nghẽ" quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, TS-KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã đưa ra thực trạng và kiến nghị các giải pháp để cải thiện chất lượng, thu hút doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.

"Nhiều địa phương xây dựng các dự án nhà ở xã hội tập trung hay riêng lẻ cho thấy còn thiếu đồng bộ, nhất là các dịch vụ hạ tầng như trường học, chợ, không gian xanh công cộng, ở vị trí không thích hợp với đối tượng sử dụng, khó kết nối giao thông, là tồn tại cần có đổi mới", KTS. Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Do đó, TS-KTS. Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh chủ trương dành 20% quỹ đất trong các khu đô thị mới để xây dựng nhà ở xã hội nhằm phát triển hài hòa, nâng cao chất lượng sống cho người thu nhập thấp và công nhân thực tế còn nhiều khó khăn. nhất là từ các chủ đầu tư e ngại xây dựng nhà ở xã hội cùng nơi sẽ làm giảm giá trị nhà ở thương mại, song không phải vì vậy mà không xây dựng và đề xuất thay bằng thu tiền vào ngân sách địa phương.

"Đây là bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển ở châu Âu phân hóa giàu, nghèo, làm khó cho người nghèo tiếp cận thuận tiện với giáo dục, với thương mại, dịch vụ... đề nghị giữ nguyên quy định dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội để thực hiện định hướng đã xác định trong hiến pháp: tạo thuận lợi để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội. Trường hợp chủ đầu tư không xây dựng trên quỹ đất 20% cần thu hồi để lựa chọn chủ đầu tư khác", KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem