Góc nhìn pháp lý vụ đấu trộm nước sạch "lớn nhất Hà Nội"

Quang Trung Thứ hai, ngày 16/01/2023 06:00 AM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã nêu quan điểm về vụ việc Công ty Cổ phần Viwaco cho rằng một hộ dân ở đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) đã đấu nối nước trái phép trực tiếp từ ống phân phối chính của hệ thống cấp nước sông Đà.
Bình luận 0

Đề nghị Công an điều tra vụ đấu trộm nước sạch "lớn nhất Hà Nội"

Ông Nguyễn Hữu Tới - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Viwaco cho biết, một hộ dân đã đấu nối nước trái phép trực tiếp từ ống phân phối chính của hệ thống cấp nước sông Đà. Vụ việc xảy ra tại địa chỉ 17 Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Góc nhìn pháp lý vụ đấu trộm nước sạch "lớn nhất Hà Nội" - Ảnh 1.

Đường ống đấu nối trái phép vào đường ống nước sông Đà. Ảnh: V.H.

Cụ thể, vào ngày 29/12/2022, trong quá trình cải tạo mạng lưới cấp nước tuyến đường Hồ Tùng Mậu, Công ty CP Viwaco phát hiện một đai nước nối từ ống phân phối gang DN200 ra ống HDPE 50 dẫn nước vào trong nhà khách hàng tại địa chỉ 17 Hồ Tùng Mậu.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Công ty CP Viwaco đã trình báo Công an phường Mai Dịch và Công an quận Cầu Giấy. Cơ quan chức năng đã cử lực lượng xuống tiến hành kiểm tra hiện trường, lập biên bản vụ việc. Đơn vị cấp nước sạch đã ngừng cấp nước đối với địa chỉ nêu trên.

Hiện nay, Công ty CP Viwaco chưa xác định được cụ thể thiệt hại trong vụ việc nêu trên. Tuy nhiên theo tính theo của đơn vị này, chỉ số nước của hộ gia đình nêu trên đang sử dụng (theo đồng hồ là 3.817 m3), nhân ba lần (do đường ống đấu trộm lớn gấp 3) thì thiệt hại có thể lên đến hàng trăm triệu.

Các tình huống pháp lý có thể diễn ra

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, nước sạch là tài sản của đơn vị cung cấp nước sạch và hợp đồng dịch vụ cung cấp nước là hợp đồng mua bán tài sản. Giá cả hợp đồng và các nội dung khác có liên quan được hai bên thỏa thuận.

Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, hộ dân có hợp đồng dịch vụ cung cấp nước sạch với công ty. Công ty đang cho rằng hộ dân đã có hành vi đấu nối trái phép đường ống dẫn không qua đồng hồ từ năm 2009 đến nay dẫn đến thất thoát một lượng nước rất lớn thị giá có thể tới hàng tỷ đồng.

Theo ông Cường, đây là thông tin từ phía đơn vị cung cấp nước sạch, là căn cứ để cơ quan điều tra thụ lý tin báo tiến hành xác minh làm rõ sự việc chứ chưa phải là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.

Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ việc đấu nối đường ống này do tổ chức, cá nhân nào thực hiện và thực hiện từ khi nào, vì sao lại đấu nối mà không có đồng hồ đo nước.

Đồng thời cũng làm rõ hợp đồng cung cấp nước sạch giữa các bên được ký kết và thực hiện như thế nào, nguồn nước mà hộ dân sử dụng là qua đồng hồ hay là từ đường đấu nối không qua đồng hồ.

Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho biết, trong trường hợp có căn cứ cho thấy hộ dân đã lén lút đấu nối đường ống nước để trộm nước, đây là hành vi trộm cắp tài sản.

Nếu giá trị tiền nước trộm cắp từ 2 triệu đồng trở lên, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý người có hành vi trộm nước về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự.

Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy đường ống nước đó là do đơn vị cung cấp nước sạch thi công, vì sơ suất hoặc yếu tố nào đó mà đã không lắp đồng hồ, không có hành vi lén lút lắp đặt trái phép đường ống nước của chủ nhà cũng như người thuê sẽ không có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.

Bởi vậy, làm rõ tổ chức, cá nhân nào là người lắp đoạn đường ống này, lắp đặt công khai hay lén lút và mục đích là để làm gì là yếu tố quan trọng để xác định có hành vi trộm cắp tài sản hay không.

Ngoài ra, để xử lý về hành vi trộm cắp tài sản hay yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thanh toán nghĩa vụ theo hợp đồng, việc xác định giá tiền số nước đã chảy không qua đồng hồ là yếu tố quan trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem