Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Chia nhóm, rà soát lao động tự do

Nguyệt Tạ Chủ nhật, ngày 19/04/2020 18:05 PM (GMT+7)
Để hỗ trợ địa phương triển khai gói hỗ trợ an sinh - xã hội 62.000 tỷ đồng đúng và trúng đối tượng, Bộ LĐTBXH đang soạn thảo chuẩn bị ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện. Theo đó, thông tư sẽ hướng dẫn cụ thể, cách thức, điều kiện để rà soát nhóm lao động tự do, không có hợp đồng lao động.
Bình luận 0

Chia lao động tự do thành 7 nhóm 

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, trong quý I, cả nước đã có 153.000 người nộp hồ sơ để hưởng chính sách thất nghiệp. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi, một bộ phận lớn lao động tự do đang rất khó khăn đã phải nghỉ việc. Qua khảo sát thì thấy lực lượng này sẽ còn tăng.

img

Lao động tự do được nhận hỗ trợ 1.000.000 đồng/tháng từ gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng. Ảnh: M.N

"Trong tháng 4/2020 này 6 nhóm đối tượng gồm: Người có công; hộ nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; lao động có hợp đồng bị ngừng việc; doanh nghiệp; hộ kinh doanh cá thể sẽ được nhận tiền hỗ trợ từ gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng".

Ông Đào Ngọc Dung Bộ trưởng Bộ LĐTBXH

"Chắc chắn số lượng lao động chịu ảnh hưởng sẽ còn tăng nếu dịch tiếp tục kéo dài, có thể lên đến 3,5 - 4 triệu người trong thời gian tới" - ông Dung nói.

Đề cập về gói hỗ trợ an sinh - xã hội cho lao động, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, cái khó nhất lúc này chính là rà soát thống kê nhóm lao động tự do hoặc không có hợp đồng lao động. Khó nhưng không thể không làm vì đây là nhóm đối tượng chịu tác động nặng nề nhất.

Ông Dung cũng cho biết, để hỗ trợ địa phương, Bộ LĐTBXH đang dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện. Theo đó, thông tư quy định 4 điều kiện cụ thể để lao động tự do có thể được nhận hỗ trợ.

"Một là phải không có đất sản xuất nông nghiệp; 2 là mất việc làm và không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo quốc gia; 3 là có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú từ 3 tháng trở lên trước ngày 1/4/2020 tại địa phương đề nghị hỗ trợ; 4 là thuộc 7 nhóm ngành nghề lao động tự do: Người bán hàng rong; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe môtô 2 bánh chở khách, xe xích lô; người bán lẻ vé số lưu động; người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe" - ông Dung nói.

Ngoài các đối tượng trên, thông tư hướng dẫn cũng nêu rõ: Căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế, các địa phương quyết định bổ sung các đối tượng khác và chi trả hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ từ tháng 4 - tháng 6/2020.

Thông tư hướng dẫn cũng quy định, địa phương lập danh sách, niêm yết công khai danh sách trong vòng 5 ngày để lấy ý kiến, sau đó gửi danh sách hồ sơ đề nghị của từng người lao động gửi Phòng LĐTBXH. Trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Phòng LĐTBXH thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định. Trường hợp người lao động không được hỗ trợ thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thực hiện liên thông trong thống kê đối tượng

Lao động tự do là đối tượng lao động đặc thù, di biến động. Bản thân họ nay làm việc này, mai làm việc khác, nay sống ở địa phương này, mai sống ở đại phương khác. Bởi vậy, một kinh nghiệm đặt ra là kết quả rà soát, danh sách thống kê cần phải được liên thông để tránh sự trùng lặp.

Ví dụ, vào đầu tháng 4 vừa qua, thành phố đã hỗ trợ gạo và tiền mặt cho gần 21.000 người bán vé số là hộ nghèo. Theo đó, 320 phường, xã, thuộc 24 quận, huyện đã thống kê gửi con số này lên Sở LĐTBXH thành phố. Tất cả các thông tin về đối tượng đều được liên thông với nhau để tránh việc thống kê trùng lặp.

Tương tự, tỉnh Hà Tĩnh cũng đang thực hiện rà soát đối tượng hỗ trợ. Dự kiến khoảng gần 180.000 đối tượng trong địa bàn tỉnh được hỗ trợ từ gói an sinh này. Để triển khai Hà Tĩnh đang rà soát đối tượng, cùng với đó có kế hoạch xây dựng hệ thống giám sát từ cấp thôn đến cấp tỉnh để tiến hành kiểm tra quá trình rà soát, lập hồ sơ và chi trả tiền. Tỉnh này cũng đang tính toán để ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giám sát thực hiện.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần phải linh động, sáng tạo trong việc rà soát thống kê.

Ngoài việc thống kê theo hộ khẩu, tạm trú dài hạn, thì cần căn cứ vào các yếu tố khác. Ngoài vấn đề rà soát, thống kê, linh động thì ông Lợi cũng cho rằng cần tăng cường sự giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Thanh tra và Hội đồng nhân dân tỉnh  cùng người dân tại địa phương.

"Sau khi lập danh sách cần công khai niêm yết danh sách đối tượng ở địa phương 4-5 ngày để người dân giám sát, phản hồi. Nếu có sai sót cần loại bỏ ngay" - ông Lợi nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem