Grab, Be, Go-Viet và FastGo ‘đốt’ gần 300 triệu USD trong 6 tháng?

11/10/2019 06:25 GMT+7
Số cuốc xe càng nhiều thì khoản lỗ càng lớn, lãnh đạo một hãng gọi xe công nghệ nhận định. Với cuộc đua khốc liệt hiện nay, các hãng đang đốt tiền ra sa

Báo cáo mới đây của Google, Temasek và Bain & Co cho thấy thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam chạm ngưỡng 1,1 tỷ USD vào năm nay, hơn gấp 5 lần năm 2015.

Dự đoán đến năm 2025, quy mô thị trường đạt 4 tỷ USD, tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, miếng bánh đang phình to này hầu như chỉ là cuộc chơi của Grab, Be và Go-Viet. Theo khảo sát của ABI Research, 3 cái tên này chiếm lĩnh 99% thị phần, trong đó Grab lấn át với 73% số chuyến xe đã hoàn thành trong 6 tháng đầu năm.

“Đốt” 1-2,5 USD trên mỗi chuyến xe

Trên trang cá nhân, lãnh đạo FastGo thừa nhận hãng này mất trung bình khoảng 1 USD cho mỗi cuốc xe. Chiếu theo số lượng 2 triệu chuyến xe do ABI Research công bố, FastGo chi tổng cộng 2 triệu USD cho khuyến mại và tặng thưởng trong nửa đầu năm nay.

Grab, Be, Go-Viet và FastGo ‘đốt’ gần 300 triệu USD trong 6 tháng? - Ảnh 1.

Đến nay, FastGo cũng không thu chiết khấu đối với lái xe, chỉ thu tối đa 30.000 đồng với lái xe có doanh thu trên 400.000 đồng. Đồng thời, hãng này cũng không tăng giá cước xe vào giờ cao điểm, nhưng nếu khách hàng thưởng tip thì xác suất gọi được xe cao hơn.

Cũng theo vị này, Grab hiện dẫn đầu cuộc đua "đốt tiền" tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của ABI cho thấy Grab áp đảo thị trường với 146 triệu cuốc xe. Do đó, với số liệu khoảng 1,1 USD ngân sách khuyến mại, tặng thưởng trên mỗi chuyến, ông ước tính Grab đã chi hơn 160 triệu USD trong 6 tháng qua.

Xếp thứ hai là Be, doanh nghiệp nội mới tham gia thị trường từ tháng 12/2018. CEO FastGo cho biết Be chi trung bình khoảng 2,5 USD cho mỗi chuyến xe, tương đương 75 triệu USD nửa đầu năm 2019.

Trong khi đó, Go-Viet chưa triển khai mảng gọi xe 4 bánh nên chỉ tiêu tốn khoảng 30 triệu USD từ 21 triệu chuyến xe hoàn thành trên xe 2 bánh.

Tổng cộng 4 hãng, theo tính toán của vị này, đã tiêu tốn tới 300 triệu USD cho việc khuyến mại, tặng thưởng.

Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, các hãng từ chối đưa ra thống kê chính xác. Đại diện Go-Viet cho rằng số liệu từ ABI Research chưa được xác minh cụ thể, nên con số về ngân sách khuyến mại, tặng thưởng này cũng không có cơ sở.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi “đốt tiền” vẫn là hiệu quả kinh doanh. Ông Trần Bằng Việt - Tổng giám đốc Đông A Solutions cho rằng ngân sách marketing của các hãng là cố định. Do đó, số lượng chuyến xe càng nhiều thì chi phí trên từng chuyến càng thấp, hiệu quả kinh tế càng cao.

Thực tế, so sánh chi phí khuyến mại và tặng thưởng trên mỗi chuyến xe của các hãng do CEO FastGo chia sẻ, có thể thấy FastGo và Grab là 2 ứng dụng “tiết kiệm” chi phí nhất.

Bao giờ ngừng “đốt tiền”?

Tuy nhiên, dù là siêu ứng dụng chiếm thị phần cao nhất tại Việt Nam với doanh thu 2.200 tỷ đồng năm 2018 thì Grab vẫn công bố khoản lỗ ròng lên đến 900 tỷ đồng. Thời gian gần đây, hãng này tập trung khuyến mại nhiều hơn cho mảng thanh toán GrabPay by Moca và dịch vụ giao đồ ăn GrabFood.

Chỉ sau 4 tháng hoạt động, Go-Viet cũng công bố khoản lỗ ròng 550 tỷ đồng trong năm tài chính 2018.

Giữa tháng 7, Go-Viet áp dụng chính sách thưởng mới cho tài xế. Theo đó, tài xế tại Hà Nội và TP.HCM nhận tổng tiền thưởng 40.000 đồng, 120.000 đồng và 240.000 đồng khi đạt các mốc 40, 64 và 80 điểm.

Grab, Be, Go-Viet và FastGo ‘đốt’ gần 300 triệu USD trong 6 tháng? - Ảnh 2.

Grab hiện áp đảo về công nghệ, số tài xế và số người dùng, theo ông Trần Bằng Việt. Ảnh: Việt Hà.

Trong khi đó, chính sách cũ quy định mức thưởng là 30.000 đồng, 90.000 đồng và 180.000 đồng với số điểm tương ứng là 10, 18, 28.

Đồng thời, tại một số thời điểm trong ngày, giá cước các chuyến xe cũng được điều chỉnh tăng lên theo nhu cầu sử dụng của người dùng.

Những khoản lỗ và việc áp dụng chiến lược, chính sách mới cho thấy các ứng dụng này đang có xu hướng cắt giảm chi tiêu khuyến mại và tặng thưởng cho mảng gọi xe.

Theo ông Trần Bằng Việt, cuộc đua “đốt tiền” chỉ hiệu quả cách đây 3 năm khi thị trường còn mới chớm.

“Chi phí lớn nhất cần bỏ ra là lôi kéo khách hàng, nhưng đến nay người Việt Nam không còn cần được giáo dục về việc gọi xe công nghệ nữa. ‘Đi Grab’ đã là một động từ, một thói quen. Thị trường gọi xe công nghệ đã hoàn thiện với phần thắng thuộc về Grab, và thực tế này sẽ không thay đổi trong ít nhất 3 năm tới, trừ phi có rủi ro quá lớn về chính trị, xã hội”, vị này nhận định.

Do đó, theo ông, những tên tuổi đến sau như Be, Go-Viet hay FastGo cần hướng đến mục tiêu bền vững thay vì “đốt tiền”.

“Quan điểm ngừng đốt tiền sẽ chết chưa hẳn đã đúng, vì chiến lược này chỉ nhắm vào một nhóm nhỏ khách hàng nhạy cảm về giá. Do đó, các hãng có thể tìm hướng tiếp cận mới, bán bia kèm lạc và vươn lên đứng vị trí thứ 2, nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng chuyến xe”, ông khẳng định.

Lan Anh/Zing
Cùng chuyên mục