Gửi 166.000 tỷ đồng, PVN mới chính là “thượng đế” của ngân hàng

Trần Giang Thứ năm, ngày 22/09/2016 10:53 AM (GMT+7)
Với lượng tiền mặt nắm giữ và tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng lên tới 166.000 tỷ đồng, PVN mới chính là thượng đế của các ngân hàng.
Bình luận 0

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2015, cho thấy lợi nhuận xuống thấp nhất trong nhiều năm, mà nguyên nhân là do giá dầu thô xuống thấp.

Theo đó, PVN đạt 288.000 tỷ đồng doanh thu, giảm tới 22% so với cùng kỳ năm 2014. Sau khi trừ đi giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp về bán hàng còn 56.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế năm 2015 của PVN chỉ còn 30.000 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2014. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của PVN trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2014 “ông lớn” ngành dầu khí đạt gần 43.000 tỷ đồng, năm 2013 là 42.500 tỷ đồng, năm 2012 là 42.000 tỷ đồng và năm 2011 là 34.000 tỷ đồng.

imgTiền mặt lên tới 166.000 tỷ đồng, PVN mới chính là “thượng đế” của các ngân hàng

Trong các mảng kinh doanh của PVN, chịu tác động nặng nề nhất là hoạt động khai thác dầu thô khi lợi nhuận gộp của mảng này giảm tới 2/3 so với năm 2014.

Cùng với đó là một số chi phí của PVN cũng tăng lên như chi phí tài chính tăng gấp đôi lên gần 17.000 tỷ đồng (chủ yếu do phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá), chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 35% lên gần 13.000 tỷ đồng.

Năm 2016, PVN đặt dự toán giá dầu thô là 60 USD/thùng, doanh thu đạt 275.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 22,6 tỷ đồng và nộp ngân sách 55,5 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cũng cho biết, PVN hiện có hơn 6.000 tỷ đồng nợ xấu là các khoản phải thu tồn đọng lâu ngày và cho vay quá hạn.

Đó là gần 900 tỷ đồng các khoản phải thu tồn đọng lâu ngày tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung quất, 720 tỷ đồng khoản phải thu và cho vay quá hạn tại CTCP PVI, 922 tỷ đồng phải thu tại Tổng công ty Dầu.

Hai khoản phải thu lớn nhất là gần 2.100 tỷ đồng tại Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và 2.150 tỷ đồng phải thu ủy thác đầu tư tại Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính của PVN cũng cho thấy, tập đoàn này đang nắm giữ một lượng tiền lớn lên đến 166.000 tỷ đồng. Trong số, 166.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi mà PVN và các công ty con đang có thì riêng công ty mẹ PVN nắm giữ gần 94.000 tỷ đồng, PV GAS nắm giữ 23.800 tỷ đồng, PTSC có 8.600 tỷ đồng, Đạm Phú Mỹ có 5.800 tỷ đồng, PV Drilling có 4.400 tỷ đồng …

Lượng tiền mặt và tiền gửi khổng lồ này phần nào cho thấy sức mạnh và tầm ảnh hưởng của PVN đối với nền kinh tế Việt Nam. Nó lớn hơn nhiều tổng tài sản của một số ngân hàng quy mô trung bình như Eximbank, Liên ViệtPostbank, HDBank hay Maritime Bank.

Nếu đem số tiền trên ra tiêu, PVN có thể cùng lúc mua được 2 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán là Vingroup và Masan Group, số tiền còn dư có thể mua thêm Eximbank.

PVN cho biết, gần 1/3 số tiền gửi của công ty mẹ, tương ứng hơn 31.000 tỷ đồng là Quỹ thu dọn mỏ giữ hộ các nhà thầu dầu khí. Trên phần nguồn vốn, PVN đồng thời ghi nhận khoản phải trả 33.000 tỷ đồng đối với quỹ này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem