Hà Nội chính thức thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị

Hoàng Thành Thứ năm, ngày 01/07/2021 07:57 AM (GMT+7)
Bắt đầu từ hôm nay (1/7), Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây.
Bình luận 0

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 27/11/2019 về "Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội", từ hôm nay (1/7), TP Hà Nội chính thức bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây.

UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 97/2019/QH14, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 31/12/2019 về thực hiện Nghị quyết; Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14; UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12/4/2021 triển khai thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021.

Hà Nội chính thức thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị - Ảnh 1.

Bắt đầu từ hôm nay (1/7), Hà Nội bắt đầu thí điểm mô hình chính quyền đô thị. (Ảnh: Hoàng Thành).

Trong đó, có nhiều quy định mới, phân định rõ cách quản lý của chính quyền đô thị khác với chính quyền ở khu vực nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đặc thù đô thị…

Đó là: Biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng; cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: Chủ tịch phường; Phó Chủ tịch phường; Trưởng Công an phường; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường;

Các công chức khác: Văn phòng - Thống kê; Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường; Tài chính - Kế toán; Tư pháp - Hộ tịch; Văn hóa - Xã hội.

UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường theo quy chế làm việc của UBND phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật. Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người.

Đặc biệt, Chủ tịch phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định pháp luật. Cũng theo mô hình chính quyền mới, 12 quận và thị xã Sơn Tây không tổ chức HĐND phường.

Hà Nội chính thức thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị - Ảnh 2.

Người dân làm thủ tục hành chính tại một đơn vị phường trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Thành).

Chính quyền đô thị sẽ gọn hơn, nhanh hơn

Đến thời điểm này, các cấp, ngành, các quận và thị xã Sơn Tây đã triển khai thực hiện các công việc theo đúng kế hoạch của UBND TP, quyết tâm thực hiện hiệu quả việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, tạo động lực mới cho phát triển và hứa hẹn giải quyết công việc cho người dân nhanh gọn, hiệu quả hơn.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định, toàn bộ công việc, nội dung chuẩn bị cho việc triển khai thí điểm chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây đã hoàn thành. "Chính quyền đô thị sẽ tinh gọn, nhanh hơn trong giải quyết thủ tục hành chính, thông suốt hơn trong chỉ đạo, điều hành", bà Hà nói.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng, một trong những điểm đột phá về cải cách hành chính trong chính quyền đô thị là việc ủy quyền cho công chức tư pháp giải quyết một số thủ tục, như ký chứng thực tư pháp - hộ tịch. 

Theo bà Hà, trước đây thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp do lãnh đạo UBND phường ký xác nhận, nhưng nay có thể ủy quyền cho công chức tư pháp đủ điều kiện về năng lực, trình độ, kinh nghiệm. Điều này giảm một bước thủ tục hành chính, giúp giải quyết công việc của người dân nhanh chóng hơn.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Văn Khang cho biết, để chuẩn bị cho việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị, trước đó, bộ máy cán bộ đã được rà soát sắp xếp kiện toàn theo đúnh mô hình chính quyền đô thị, trong đó Chủ tịch HĐND đã được luân chuyển sang làm Chủ tịch UBND phường khác, Phó Chủ tịch HĐND phường sang làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường.

"Thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại các phường, tôi cho rằng thực tế không có gì thay đổi nhiều về công việc, bởi dù bỏ HĐND phường nhưng hoạt động của phường vẫn dưới sự giám sát của HĐND quận. 

Song, từ chính quyền 3 cấp thành chính quyền 2 cấp nên sau này các khâu công việc giải quyết cho người dân sẽ triển khai nhanh hơn, trong đó có việc lãnh đạo UBND phường ủy quyền cho cán bộ tư pháp được ký các hồ sơ chứng thực nên sẽ thường xuyên và trực tiếp luôn, không phải chờ lãnh đạo ký nữa mà cán bộ đó được ký ngay và trả hồ sơ cho dân nhanh hơn", ông Khang nói và cho biết, 3 lãnh đạo UBND phường và có thêm 1 cán bộ tư pháp thực hiện việc này, nên lãnh đạo UBND phường sẽ có thời gian tập trung làm những công việc khác sâu hơn, phân quyền phân cấp rõ ràng hơn, đồng thời người dân được giải quyết hồ sơ nhanh hơn.

Bổ nhiệm nhiều chức danh lãnh đạo phường

Đến thời điểm này các quận: Thanh Xuân, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên, Bắc Từ Liêm đã tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch UBND các phường trên địa bàn để triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Tại quận Thanh Xuân, Chủ tịch UBND quận đã ký các quyết định bổ nhiệm 11 chủ tịch, 22 phó chủ tịch UBND các phường. Cùng với đó, ban hành 126 quyết định về cán bộ, công chức các phường.

Tại quận Ba Đình, UBND quận đã ban hành các quyết định chuyển công chức cấp phường thành công chức do UBND quận quản lý (đợt 1) đối với 173 công chức, trong đó có 14 chủ tịch, 27 phó chủ tịch UBND phường, 133 công chức.

Còn tại quận Tây Hồ, UBND quận đã trao quyết định bổ nhiệm 24 chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường trên địa bàn; chuyển đổi 102 công chức phường thành công chức do UBND quận quản lý.

Quận Hoàn Kiếm cũng đã công bố quyết định của Chủ tịch UBND quận về việc bổ nhiệm 16 chủ tịch, 35 phó chủ tịch UBND phường trên địa bàn; chuyển đổi 165 công chức phường thành công chức do UBND quận quản lý.

Tại quận Long Biên, UBND quận đã công bố quyết định bổ nhiệm 14 chủ tịch UBND phường và 28 phó chủ tịch UBND phường; chuyển 149 công chức làm việc tại các phường thành công chức do UBND quận quản lý kể từ ngày 1/7/2021.

UBND quận Bắc Từ Liêm cũng trao 35 quyết định bổ nhiệm 11 chủ tịch UBND phường; 22 phó chủ tịch UBND phường; 2 phó chủ tịch giao phụ trách chung UBND phường.

Trước đó ngày 27/11/2019, Quốc hội thông qua nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Theo nghị quyết, chính quyền các phường thuộc khu vực đô thị (quận, thị xã) của Hà Nội sẽ chỉ còn UBND. Các cấp chính quyền khác vẫn gồm HĐND và UBND. Mô hình này được thực hiện từ 1/7/2021 đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt thí điểm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem