Hà Nội: Chuyển cơ quan điều tra xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm qua giám sát

Hoàng Thành Thứ năm, ngày 04/11/2021 15:50 PM (GMT+7)
Phó Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, Hà Nội đã chuyển chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện qua giám sát cho cơ quan điều tra để xử lý.
Bình luận 0

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, ngày 4/11, bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Hà Nội đã tổ chức hơn 170 cuộc giám sát, khảo sát…

Hà Nội: Chuyển cơ quan điều tra xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm qua giám sát - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: KTĐT.

Có những vụ việc đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát nhưng chưa thực hiện

Theo bà Hà, việc thực hiện các kết luận giám sát được báo cáo tại các kỳ họp. Cụ thể, trong nhiệm kỳ, cấp TP có 919 kiến nghị sau giám sát, tỷ lệ giải quyết xong đạt 94,3%. Trong đó, có kiến nghị liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Sau giám sát, một số lĩnh vực đã có chuyển biến rõ rệt, như: Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng cháy, chữa cháy; quản lý đô thị; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân.

Bà Hà cũng cho biết, trong 4 chương trình giám sát của Quốc hội, Hà Nội có 2 nội dung phải báo cáo kết quả xong trong tháng 1/2021, 1 nội dung xong trong tháng 2/2021. Hà Nội mong muốn được điều chỉnh về thời gian đối với các địa phương giám sát, vì thời gian cuối năm là về đích nhiều nhiệm vụ trong phát triển kinh tế-xã hội của TP.

"Thường trực HĐND TP.Hà Nội đã báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, trong đó có việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện qua giám sát cho cơ quan điều tra để xử lý, bảo đảm thực hiện nghiêm túc kết luận sau giám sát", bà Hà cho hay.

Hà Nội: Chuyển cơ quan điều tra xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm qua giám sát - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Viết Thành/Hanoimoi.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hà Nội Ngô Sách Thực cho rằng, những việc liên quan đến quy hoạch, tiếp công dân giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hành tiết kiệm chống lãng phí là những nội dung rộng. Thực tế có những vụ việc đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát nhưng chưa thực hiện.

Vì vậy, ông Thực đề nghị các đoàn giám sát cần nghiên cứu kỹ để làm rõ nguyên nhân tại sao chưa thực hiện các kết luận để ngay trong trong lúc giám sát, đối tượng được giám sát thực hiện được các kiến nghị đó.

"Còn nếu không thực hiện, không rõ nguyên nhân thì Quốc hội phải thực hiện quyền của mình theo pháp luật quy định, có thể đình chỉ những hành vi sai phạm. Pháp luật đã quy định thì chúng ta phải sử dụng quyền đó. Trong những trường hợp đặc biệt phải chuyển hồ sơ thì giám sát sẽ có tác dụng và tạo sự lan tỏa rất lớn", ông Thực nhấn mạnh.

Tránh tình trạng ở cơ sở là "con voi" bị "gọt giũa" đến T.Ư không còn gì để bàn

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu trong quá trình giám sát phát hiện những dấu hiệu sai phạm đối với tất cả các lĩnh vực thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội.

Đồng thời phải cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Do đó, giám sát phải khoa học, chặt chẽ, cán bộ tham gia giám sát phải bản lĩnh. "Chúng ta cũng sẽ có cách để giám sát lại những người đi giám sát. Mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển của đất nước", ông Vương Đình Huệ nêu rõ.

Hà Nội: Chuyển cơ quan điều tra xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm qua giám sát - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Viết Thành/Hanoimoi.

Nhấn mạnh công tác chuẩn bị tốt sẽ bảo đảm 50% thành công của chuyên đề giám sát, ông Vương Đình Huệ khẳng định, đã là giám sát thì phải hiệu lực, hiệu quả. Muốn vậy, phải làm đến nơi đến chốn, theo tận cùng từng vấn đề được giám sát; có phương pháp giám sát tổng hợp, chi tiết, khoa học, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay; phải huy động tổng lực các cơ quan chức năng tham gia thực hiện giám sát.

"Chúng ta phải làm đến nơi, đến chốn, có bằng chứng cụ thể, có đánh giá sát đúng với từng lĩnh vực, đưa ra kiến nghị, đề xuất sắc sảo và cũng phải theo dõi cả việc tổ chức thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát…", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trách nhiệm giám sát đầu tiên, trước hết là của các đoàn, do đó các trưởng đoàn và thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm quy định của Luật Giám sát và quy chế, quy định pháp luật khác có liên quan khi thực hiện giám sát; lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, của nhân dân; tôn trọng, không gây sách nhiễu, phiền hà cho các đối tượng giám sát, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị được giám sát.

"Các thành viên cũng như trưởng, phó đoàn giám sát phải có bản lĩnh, dám nói thẳng nói thật. Tránh tình trạng phát hiện từ cơ sở là bằng "con voi" nhưng dần dần bị "gọt giũa" hết, lên đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chẳng còn gì để bàn. Thực tế không phải không phát sinh những rủi ro như thế, cần tuyệt đối tránh. Tinh thần giám sát là hết sức xây dựng, phát huy được mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt việc tốt để nhân rộng ra chứ không phải chỉ tìm ra khuyết điểm, sai phạm", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem