Hà Nội: Có khoảng 3.500 hộ đủ điều kiện nuôi lợn trở lại

Thiên Hương Chủ nhật, ngày 22/12/2019 13:53 PM (GMT+7)
Theo ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, nhằm chủ động cung ứng thực phẩm và đáp ứng được số lượng thịt lợn còn thiếu cho thị trường Thủ đô, đơn vị đã chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi lớn trên địa bàn chủ động tái đàn, phát triển chăn nuôi theo chuỗi, đảm bảo phòng chống dịch bệnh cũng như giá cả ổn định.
Bình luận 0

img

Tự phát tái đàn, "ôm quả đắng" vì dịch tả lợn châu Phi 

Sau một thời gian triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, số lợn tiêu hủy ở các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, đến nay bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp, tái phát ở một số hộ chăn nuôi.

Ông Đặng Văn Chiến ở xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) cho biết, sau 3 tháng để trống chuồng, đến tháng 10 vừa qua, khi thấy bệnh dịch ở địa phương đã giảm nên gia đình ông đã mua 60 con lợn về nuôi chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. Mặc dù, trang trại đã được tổng vệ sinh, tiêu độc trước khi tái đàn, nhưng do virus bệnh Dịch tả lợn châu Phi và phương thức truyền lây phức tạp nên toàn bộ số lợn mới nuôi lại mắc bệnh, phải tiêu hủy.

img

Nhiều xã trên địa bàn Hà Nội đã qua 30 ngày không xuất hiện ổ dịch mới nên một số hộ nuôi đã tái đàn mà không báo cáo chính quyền cơ sở. Ảnh minh hoạ: T.Q

Trong khi đó, theo ông Phùng Văn Hiển ở xã Vật Lại (huyện Ba Vì), tháng 7/2019 gia đình ông đã phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, với tổng khối lượng 49 tấn. Mặc dù dịch bệnh có dấu hiệu giảm, nhưng vẫn xảy ra nhỏ lẻ ở các hộ chăn nuôi trên địa bàn, do vậy gia đình ông không dám tái đàn.

Nói về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, bà Đặng Thị Tươi - Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa thông tin, tính đến ngày 5/11, tổng khối lượng lợn tiêu hủy trên địa bàn huyện là 1.728 tấn; kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân có lợn bị mắc bệnh là hơn 65 tỷ đồng. Tuy nhiên, do bệnh Dịch tả lợn châu Phi giảm mạnh trong tháng 7 và tháng 8/2019, nhiều xã đã qua 30 ngày không xuất hiện ổ dịch mới nên một số hộ nuôi đã tái đàn mà không báo cáo chính quyền cơ sở.

Nhận định về nguyên nhân khiến cho một số địa phương tái bùng phát ổ dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: “Vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể tồn tại lâu ở môi trường bình thường. Mặt khác, tổng đàn lợn của thành phố lớn, nhưng phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao nên việc kiểm soát, xử lý ổ bệnh gặp nhiều khó khăn".

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, so với thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh nhất (tháng 5 và tháng 6/2019), bình quân mỗi ngày phải tiêu hủy đến 7.000-8.000 con lợn, thì nay chỉ phải tiêu hủy khoảng 200-300 con.  

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp cùng các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tổng hợp, báo cáo, đề xuất thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như triển khai phòng, chống bệnh dịch tả châu Phi tại các địa phương; hướng dẫn, thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý ổ bệnh tái phát theo quy định; trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi nhằm phát hiện và xử lý triệt để ngay từ khi phát sinh.

3.500 hộ đủ điều kiện nuôi lợn trở lại

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, sau hơn 10 tháng bùng phát bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Hà Nội có 550.000 con lợn (chiếm khoảng 30% tổng đàn toàn thành phố Hà Nội) mắc bệnh phải tiêu hủy, trọng lượng khoảng 38.000 tấn. 

Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thành phố đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chăn nuôi gia súc lớn, nuôi trồng thủy sản, phát triển đàn gia cầm.

Đến nay, tổng đàn gia cầm của thành phố đã đạt 23 triệu con, tăng thêm hơn 2 triệu con so với cùng kỳ năm 2018.

Về lâu dài, thành phố chủ trương tổ chức tái đàn tại các hộ chăn nuôi đáp ứng điều kiện theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT nhưng không ồ ạt mà có kiểm soát. Hiện, toàn thành phố đã có khoảng 3.500 hộ đủ điều kiện được phép chăn nuôi lợn trở lại với tổng đàn khoảng 290.000 con.

img

  Người dân mua thịt lợn tại siêu thị Co.opmart. (ảnh tư liệu)

Ngoài ra, các cơ sở chế biến đang đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thay thế một phần nhu cầu thịt lợn trong dịp tết; chủ động phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có sản lượng chăn nuôi thịt lợn cao, ít bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi để các doanh nghiệp Hà Nội kết nối nguồn cung thịt lợn, bảo đảm nguồn cung tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích…

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn của người dân Thủ đô trong dịp tết khoảng 22.300 tấn hơi/tháng, tương đương với 15.610 tấn thịt lợn (tăng khoảng 18 - 20% so với các tháng thường). Tuy nhiên, từ tháng 2/2019 đến nay, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên số lượng lợn tại các cơ sở chăn nuôi giảm.

Vẫn thiếu khoảng 3.500 tấn thịt lợn

Báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, ước tính tổng đàn lợn trên địa bàn đến hết tháng 10/2019 có khoảng 1,18 triệu con, giảm 33,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng lợn hơi xuất chuồng tháng 10 là 18.800 tấn (tăng so tháng 9 là 4.600 tấn nhưng vẫn giảm 16,4% so với năm ngoái). Như vậy, so với nhu cầu tiêu dùng trong tháng tết còn thiếu khoảng 3.500 tấn.

“Tuy nhiên, sản lượng lợn hơi xuất chuồng tăng trong 1 tháng qua cho thấy, công tác tái đàn đã bước đầu đạt kết quả và sẽ giúp tăng sản lượng thịt lợn cung cấp cho thị trường trong thời gian tới. Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê 10 tháng năm 2019, các sản phẩm thịt khác từ hoạt động chăn nuôi có thể thay thế cho mặt hàng thịt lợn tương đối dồi dào: Sản lượng thịt bò tăng 0,6%, sản lượng thịt gia cầm tăng 18%, sản lượng thủy sản tăng 5,9%, cơ bản đáp ứng được một phần số thịt lợn còn thiếu”- ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nói.

Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, Hà Nội đã chuẩn bị nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong 2 tháng tết, có biện pháp “khoá giá” một số mặt hàng để không gây thiếu hàng sốt giá. Đơn cử như tại siêu thị Big C Thăng Long, đơn vị đã dự trữ tổng lượng hàng hóa tăng 30%, 1.500 tấn bánh kẹo, khoảng 300-500 tấn thịt lợn, gà; chuẩn bị hệ thống kho bãi để chuyển hàng hóa từ kho trung chuyển từ TP.HCM, kho Bắc Ninh để dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường.

Hiện Hà Nội có 22 doanh nghiệp, đơn vị tham gia bình ổn thị trường. Các doanh nghiệp tăng cường dự trữ thịt lợn và các sản phẩm thay thế thịt lợn bảo đảm theo nhu cầu gồm: 6.034 tấn thịt lợn; 492 tấn thịt gà; 63 triệu quả trứng...

Bộ NNPTNT yêu cầu tích cực tái đàn lợn ở những nơi đảm bảo an toàn sinh học 

Để đảm bảo bình ổn thị trường thịt lợn phục vụ dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và những tháng đầu năm 2020, Bộ NNPTNT vừa có Công văn số 9523/BNN-TY ngày 19/12/2019 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm bù đắt lượng thịt lợn thiếu hụt do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

img

Bộ NNPTNT yêu cầu các địa phương tổ chức cho người dân tái đàn lợn, chăn nuôi gia cầm, thủy sản theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: I.T

Trong công văn do Thứ trưởng Bộ NNPTNT ký nêu rõ: Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh của Bộ NNPTNT, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, nên từ tháng 6/2019 đến nay dịch đã có chiều hướng giảm mạnh.

Nhiều địa phương đã hết dịch (qua 30 ngày) và chưa có dịch tái phát, cơ bản bảo đảm các yêu cầu để tái đàn (một số địa phương như: Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai,.... đã tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn có kết quả tốt. 

Ngày 19/12/2019, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP cũng đã có Công văn số 13/BCĐDTLCP gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tái đàn trong chăn nuôi lợn.

Để bảo đảm tái đàn lợn và phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm và thủy sản để phục vụ tăng trưởng chung của ngành, cũng như bù đắp lượng thịt lợn bị thiếu do bệnh DTLCP, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và đầu năm 2020, Bộ NNPTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp triển khai việc nuôi tái đàn lợn theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP tại Công văn số 13/BCĐDTLCP ngày 19/12/2019 nhằm sớm góp phần bình ổn giá thịt lợn.

Chỉ đạo, hướng dẫn việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm để áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học.

Chính quyền cơ sở và các cơ quan thú y địa phương tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn; tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn và phát triển đàn lợn của địa phương.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi các loại gia súc khác, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, đảm bảo 3 nguyên tắc an toàn sinh học, cân bằng cung cầu và an sinh xã hội.

Chỉ đạo các cơ quan truyền thông, thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời nguồn cung, giá thực phẩm trên địa bàn, nhất là mặt hàng thịt lợn, tránh cho người dân hiểu không đầy đủ, những người sản xuất, kinh doanh thiếu trách nhiệm có thể lợi dụng trục lợi đầu cơ tăng giá.

Chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 của địa phương, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn tập trung tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.

Bộ NNPTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung nêu trên, đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Trước đó, trong chuyến công tác kiểm tra tình hình chăn nuôi và phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Phú Thọ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: "Theo báo cáo của các địa phương gửi về bằng văn bản, đến nay còn hơn 25 triệu con lợn. Như vậy, khẳng định không phải thịt lợn còn ít".

Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ NNPTNT, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh, như thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15% (tăng 145 nghìn tấn), trứng gia cầm tăng 12% (tăng 1,4 tỷ quả), gia súc lớn tăng 4,2%... Ước tính, lượng thực phẩm tăng so với năm 2018 là trên 430.000 tấn, góp phần duy trì đà tăng trưởng cho ngành và bù đắp một phần thiếu hụt thịt lợn.

Đề cập tới việc giá lợn hơi tăng mạnh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, giá thịt lợn trên toàn thế giới tăng chứ không riêng gì Việt Nam. Đặc biệt, các nước trong khu vực như Trung Quốc tới 150.000 - 170.000 đồng/kg, có chỗ 300.000 đồng/kg và vừa rồi phải đấu thầu lô dự trữ quốc gia.

Khánh Nguyên

Giá thịt lợn đang ổn định

Hiện giá lợn hơi trên thị trường Hà Nội tiếp tục giữ ổn định và có ngày thứ 3 liên tiếp không tăng so với đợt đỉnh điểm những ngày trước đó. 

Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 20/12 tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá thịt lợn không tăng do nguồn cung ổn định. Cụ thể, giá thịt lợn tại hệ thống siêu thị Vinmart vẫn giữ ở mức 139.900-199.000 đồng/kg, tùy loại. Giá thịt lợn của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tại hệ thống siêu thị được giữ vững so với những ngày trước đó, ở mức giá 88.000-230.000 đồng/kg...

Còn tại hệ thống thịt nhập khẩu La Maison đang có chương trình bán thịt lợn nhập khẩu giá giảm 4-18%. Cụ thể, thịt ba chỉ Tây Ban Nha có giá 159.000 đồng/kg; móng giò Tây Ban Nha giảm 17%, còn 79.000 đồng/kg; sườn non nguyên tảng Canada giảm nhẹ 4%, còn 155.000 đồng/kg...

Trong khi đó, tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố như chợ Xanh Kim Liên (Đống Đa), chợ Thành Công (quận Ba Đình)… giá thịt lợn vẫn ở mức 160.000-230.000 đồng/kg. Bà Hà Thị Nhung, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Nguyễn Cao (quận Hai Bà Trưng) phản ánh, giá thịt lợn tăng cao một tuần trước đó khiến quầy hàng của bà hiện khá vắng khách, do không ít người tiêu dùng đã chuyển sang thực phẩm khác thay thế. 

Hiện trên địa bàn Hà Nội có 8 quận, huyện xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh (Hà Đông, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Phúc Thọ, Hoài Đức). Các trang trại chăn nuôi lớn vẫn duy trì tổng đàn, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên hạn chế được dịch bệnh.

Ngọc Quỳnh

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem